211. Bình luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án Dân sự.

(ANVI) – Hội thảo VCCI                                                                                              Hà Nội 26-02-2014    

Theo đề nghị của VCCI, tôi xin tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Dự thảo 2, ngày 27- 01-2014) như sau:

  1. Về tên của Dự luật:
  • Theo Dự luật, thì có tới 93 điều trên tổng số 183 điều của Luật hiện hành, tức là một nửa số điều bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ (trong đó có những vấn đề cơ bản rất quan trọng, như chuyển đổi thẩm quyền liên quan đến thi hành án từ cơ quan thi hành án dân sự trước kia sang Toà án – tức là từ cơ quan hành pháp sang tư pháp). Tuy pháp luật không có quy định, nhưng nếu sửa đổi khoảng 1/3 số điều luật trở lên thì cần phải ban hành văn bản khác thay thế hoàn toàn, thay vì văn bản sửa đổi, bổ sung.
  • Vì vậy cần phải soạn thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) khác thay thế cho toàn bộ Luật hiện hành, tránh ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự như hiện nay, sẽ gây ra tình trạng vô cùng phức tạp, rắc rối trong quá trình soạn thảo, hợp nhất, pháp điển hoá và theo dõi, áp dụng thi hành.
  1. Về việc Xác minh điều kiện thi hành án (khoản 21, Điều 1):
    • Khoản 21, Điều 1 của Dự luật (sửa đổi, bổ sung Điều 44 về “Xác minh điều kiện thi hành án” của Luật hiện hành) quy định như sau:

1. Người được thi hành án tự mình, ủy quyền cho người khác xác minh hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác minh điều kiện thi hành án.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”

Và đoạn cuối, khoản 3, Điều 44 quy định như sau:

“Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Chấp hành viên trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên.”

Việc quy định cụ thể về thời hạn cung cấp thông tin là hết sức cần thiết, tuy nhiên quy định trên chỉ phù hợp với trường hợp cung cấp thông tin về tài sản khó thay đổi, di dời như tài sản có đăng ký quyền sở hữu, chứ không phù hợp với các tài sản dễ đàng thay đổi, di dời, không có đăng ký quyền sở hữu, đặc biệt là đối với tài sản là tiền gửi, tài sản gửi tại các tổ chức tín dụng vì hai lý do sau:

  • Thứ nhất, nếu Luật này không quy định cụ thể, thì sẽ bị vướng mắc do xung đột với quy định tại khoản 2 và 3, Điều 14 về “Bảo mật thông tin”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010;
  • Thứ hai, việc chuyển tiền khỏi tài khoản theo phương thức chuyển tiền điện tử hiện nay chỉ tính bằng giây, do đó việc cung cấp thông tin tính bằng ngày thì quá dễ dàng dẫn đến tình trạng tài sản được “tẩu tán” một cách hợp pháp. Chưa kể dưới đó còn quy định trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp.

Vì vậy Luật cần quy định cơ chế, điều kiện tạm thời phong toả tài khoản hoặc truy thu tài sản trong các trường hợp này để bảo đảm khả năng thi hành án và hiệu lực pháp lý của bản án, quyết định.

  1. Về Cưỡng chế thi hành án (khoản 22, Điều 1):
  • Đoạn 2, khoản 22, Điều 1 của Dự luật (sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 46 về “Cưỡng chế thi hành án” của Luật hiện hành) quy định như sau:

2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật.

Không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án”.

  • Việc bổ sung quy định tại đoạn 2 của khoản trên là cần thiết, tuy nhiên cần bổ sung thêm một số trường hợp khác không tổ chức cưỡng chế như các ngày tổ chức lễ cưới, lễ tang,… của gia đình bị cưỡng chế. Thậm chí ngày truyền thống 27-7 đối với một thương binh cũng không quan trọng so với ngày giỗ bố của người đó.
  1. Về Lãi chậm thi hành án (khoản 24, Điều 1):
  • Khoản 24, Điều 1 của Dự luật (bổ sung Điều 46a về “Lãi chậm thi hành án” của Luật hiện hành) đã tiếp thu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc “đề nghị bỏ cụm từ “lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố” vì hiện nay Ngân hàng nhà nước đã bỏ quy định này[1] là không chính xác. Khoản 1, Điều 12 về “Lãi suất”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định rõ: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.” Không thể dựa vào thực tế 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã “quên” luật và “bỏ quên” trách nhiệm công bố lãi suất cơ bản phù hợp.
  • Tuy nhiên, cũng không thế chấp nhận quy định tương tự của Bộ luật Dân sự đã được đưa vào khoản 32, Điều 1 của Dự luật (bổ sung Điều 46a) trước đây, trong đó có khoản 2 như sau: “Mức lãi suất chậm thi hành án được áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.”. Vì đây là quy định rất không hợp lý, khi lãi suất chậm thi hành án bằng mức lãi suất cơ bản (từ năm 2010 đến nay là 9%/năm), lại thấp hơn mức lãi suất vay mượn và chậm trả mà các bên có thể thoả thuận theo quy định hoặc theo mức giới hạn của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Điều này vẫn khuyến khích việc chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ theo bản án, coi thường pháp luật.
  • Đây là một trong những quy định quan trọng nhất để bảo đảm nguyên tắc công bằng và khả năng thi hành án dân sự. Vì vậy cần phải có quan điểm xử lý rõ ràng, cụ thể, với một mức độ hợp lý nhằm thúc đấy nhanh việc thi hành án, tránh gây thiệt hại cho người được thi hành án, khuyến khích việc chây ỳ thi hành án, vì càng chậm thi hành án càng có lợi, dẫn đến tình trạng coi thường bản án, gây khó khăn lớn cho việc thi hành án.
  1. Về việc Thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án (khoản 30, Điều 1):
  • Khoản 30, Điều 1 của Dự luật (sửa đổi, bổ sung Điều 59 về “Cưỡng chế thi hành án” của Luật hiện hành) quy định: “ Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận, trả tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá trị tài sản khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và có ít nhất một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành án.
  • Đề nghị xem lại việc bổ sung điều kiện giá tài sản “tăng hoặc giảm từ 20% trở lên” là chưa bảo đảm tính hợp lý. Cần quy định mức biến động từ 10% trở lên là có thể phải định giá lại. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với trường hợp giá trị tài sản lên đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ. Còn nếu tài sản có giá trị thấp, thì các bên sẽ tự cân nhắc thông qua cơ chế chịu chi phí định giá.
  1. Về Phí thi hành án dân sự (Điều 60 Luật hiện hành):
  • Điều 60 về “Phí thi hành án dân sự” của Luật hiện hành quy định “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.”. Nội dung này cần được xem xét sửa đổi, vì lý do như sau: Với thời gian xét xử quá dài, cách tính lãi suất chậm trả và lãi suất chậm thi hành án như lâu nay (chỉ phải trả lãi lãi quá hạn theo lãi suất cơ bản, thấp hơn lãi suất nợ gốc), thậm chí theo Dự luật còn không được tính lãi chậm thi hành án, bên được thi hành án còn phải nộp phí thi hành án thì quá bất hợp lý. Như vậy, là khuyến khích bên phải thi hành án chây ỳ, kéo dài, không tự nguyện thi hành án. Dù con (khách) nợ có thừa khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm có thừa giá trị, nhưng người được thi hành án cũng không bao giờ thu đủ số tiền nợ (luôn bị thiếu từ 3%, tức từ 1 – 200 triệu đồng phải trả phí thi hành án).
  • Vì vậy cần phải sửa đổi Luật theo hướng, yêu cầu bên phải thi hành án chịu toàn bộ phí thi hành án, đồng thời nên áp dụng thêm những chế tài đối với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian thi hành án như buộc phải trả lãi suất trả chậm bằng 150% lãi suất vay vốn, phạt thêm một khoản tiền,… phí thi hành án.
  1. Về kỹ thuật soạn thảo:
  • Không thể viết các nội dung sửa đổi trong một cặp ngoặc kép nhưng lại không nguyên văn một đoạn văn (tên Điều 2 sau đó đến khoản 2; tên Điều 3 sau đó đến khoản 9; tên Điều 20, sau đó đến khoản 2; tên Điều 12, sau đó đến khoản 2 và rất nhiều điều khác).

Đề nghị, nếu cần viết rõ tên điều luật cần sửa đổi, bổ sung, thay vì viết như dự thảo:

““2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:

“Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành

  1. Bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được Tòa án quyết định cho thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.””

Thì có thể viết như sau:

““2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 2 về “Bản án, quyết định được thi hành” như sau:

“2. Bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được Tòa án quyết định cho thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.””

  • Cần thống nhất cách sửa đổi, bổ sung cả một điều luật hay cả một khoản hay chỉ một điểm, một câu, một đoạn (ví dụ, Điều 7 chỉ sửa đổi, bổ sung một số nội dung, nhưng Luật sửa đổi đã viết lại cả Điều).
  • Các quy định về thời hạn 05 ngày thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đều tính là ngày làm việc, nhưng riêng quy định tại khoản 65, Điều 1 của Dự luật (sửa đổi, bổ sung Điều 140) lại chỉ cho phép đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong việc ra quyết định thi hành án là 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

[1]   Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật của Bộ Tư pháp.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,560