(ANVI) – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội Hà Nội 05–3-2014
Góp ý Dự thảo Luật Phá sản ngày 18-02-2014
- Về tính khả thi của Luật:
- Với thực trạng của doanh nghiệp và môi trường pháp lý như hiện nay, nếu quy định tương đối chặt chẽ về điều kiện và thủ tục phá sản như Dự thảo, thì sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã rất khó thực hiện được việc phá sản theo Luật. Tuy nhiên, nếu quy định thông thoáng, đơn giản, dễ dàng thì cũng sẽ dễ dàng bị lợi dụng trục lợi, lừa đảo, gian lận. Vì vậy, về cơ bản, Dự thảo Luật Phá sản không khác biệt nhiều so với 2 đạo Luật Phá sản năm 1993 và năm 2004. Do đó, vẫn cần sửa đổi Luật Phá sản để từng bước góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh trong sạch, văn minh, sòng phẳng, nhưng cũng không thể hy vọng, trông chờ nhiều vào kết quả phá sản theo Luật này.
- Trong khi đó, việc phá sản doanh nghiệp là một hệ quả tất yếu và phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Dù Luật có cho phép hay không cho phép, có khả thi hay không khả thi, có khuyến khích hay hạn chế thì việc phá sản trên thực tế cũng vẫn sẽ xảy ra ngày càng nhiều theo tỷ lệ thuận với số lượng doanh nghiệp được thành lập. Vậy thì cần tìm ra cơ chế khác để khắc phục sự bất cập của Luật Phá sản, đó là phá sản thật sự, phá sản tự phát, phá sản ngoài luật, phá sản mà không thể áp dụng Luật Phá sản.
- Cơ chế khắc phục:
- Quốc hội cần tính đến cơ chế khác khắc phục các hạn chế nói trên. Một trong những cơ chế hợp lý nhất, đó là tăng cường khả năng doanh nghiệp, hợp tác xã được phép giải thể thay vì trông chờ vào phá sản. Do đó, cần xem lại các quy định về giải thể doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp và hợp tác xã trong Luật Hợp tác xã. Chủ nợ thay vì đòi nợ và xóa nợ tập thể theo chế định phá sản của Luật Phá sản, thì cần có quyền đòi nợ và xóa nợ thông qua chế định giải thể doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã.
- Vì vậy giải pháp hợp lý nhất là cần mở rộng các trường hợp được phép giải thể doanh nghiệp, đồng thời có quy định cụ thể về quyền của chủ nợ trong việc lựa chọn một trong ba yêu cầu đòi nợ doanh nghiệp, hợp tác xã là: Đòi nợ theo thủ tục khởi kiện vụ án dân sự, đòi nợ theo thủ tục chấp nhận việc giải thể và đòi nợ theo thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản.
- Khoản 2, Điều 157 về “Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “ Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.” Dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định tương tự. Quy định điều kiện giải thể như vậy là không hợp lý, không cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hàng chục năm nữa doanh nghiệp cũng chưa có thể dễ dàng phá sản theo Luật Phá sản.
- Có thể hiểu phá sản là một trường hợp giải thể bắt buộc. Nếu các chủ nợ sở hữu phần lớn hoặc thậm chí toàn bộ số nợ, đồng ý cho phép giải thể tự nguyện trong trường hợp doanh nghiệp không thanh toán đủ toàn bộ hoặc một phần các khoản nợ thì không có lý gì lại không chấp nhận thỏa thuận đó. Quyền lợi của các chủ nợ trong trường hợp chấp nhận cho doanh nghiệp giải thể, nhiều khả năng bảo đảm hơn so với phá sản. Việc giải thể tự nguyện thì sẽ có thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, thủ tục đơn giản hơn, hiệu quả xử lý cao hơn và hậu quả pháp lý nhẹ nhàng hơn so với việc phá sản.
- Hướng dẫn Luật Hợp tác xã:
- Luật Hợp tác xã năm 2012 không quy định về điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thanh toán đủ nợ thì mới được tiến hành phá sản (và còn quy định rất cụ thể như: “Trường hợp giá trị tài sản còn lại không đủ để thanh toán các khoản nợ thuộc cùng một hàng ưu tiên thanh toán thì thực hiện thanh toán một phần theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ phải chi trả trong hàng ưu tiên đó.”). Vì vậy để thực hiện được việc đòi nợ của các chủ nợ theo thủ tục giải thể, thì chỉ cần hướng dẫn cụ thể về việc này. Cụ thể, các Điều 49 về “Xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể”, Điều 54 về “Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”, Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng như Điều 19 về “Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ Quy định chi tiểt một số điều của Luật Hợp tác xã.
- Khoản 2 và 3, Điều 49 về “Xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể” quy định như sau:
“2. Xử lý tài sản còn lại, trừ tài sản không chia được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- a) Thanh toán chi phí giải thể, bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi và thanh lý tài sản;
- b) Thanh toán nợ lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội của người lao động;
- c) Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật;
- d) Thanh toán các khoản nợ không bảo đảm;
đ) Giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ.
- Việc xử lý tài sản thực hiện theo thứ tự ưu tiên được quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp giá trị tài sản còn lại không đủ để thanh toán các khoản nợ thuộc cùng một hàng ưu tiên thanh toán thì thực hiện thanh toán một phần theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ phải chi trả trong hàng ưu tiên đó.”
- Các khoản 1, 2 và 3 Điều 54 về “Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” quy định như sau:
“1. Giải thể tự nguyện:
Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện. Hội đồng giải thể tự nguyện gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành, đại diện của thành viên, hợp tác xã thành viên.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đại hội thành viên ra nghị quyết giải thể tự nguyện, hội đồng giải thể tự nguyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
- a) Thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể;
- b) Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 của Luật này.
- Giải thể bắt buộc:
Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;
- b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong 12 tháng liên tục;
- c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;
- b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;
đ) Theo quyết định của Tòa án.
- Thủ tục giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
- a) Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể. Chủ tịch hội đồng giải thể là đại diện của Ủy ban nhân dân; ủy viên thường trực là đại diện của cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký; ủy viên khác là đại diện của cơ quan nhà nước chuyên ngành cùng cấp, tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là thành viên của liên minh), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng trụ sở, hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thành viên, hợp tác xã thành viên;
- b) Hồ sơ giải thể bắt buộc gồm quyết định giải thể bắt buộc và giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể bắt buộc, hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây: đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký trong 03 số liên tiếp về quyết định giải thể bắt buộc; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 của Luật này.”
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070