214. “Độc quyền nhà nước” là vi Hiến và trái Luật Doanh nghiệp.

“Độc quyền nhà nước” là vi Hiến và trái Luật Doanh nghiệp

(DĐDN) – Hiến pháp 2013 không còn bất kỳ quy định nào về việc “độc quyền Nhà nước”. Như vậy, việc Luật Thương mại cứ duy trì quy định “độc quyền nhà nước” là trái với Hiến pháp.
Độc quyền nhà nước là vi Hiến và trái Luật Doanh nghiệp

Sản xuất vàng miếng là lĩnh vực độc quyền nhà nước

Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại nhằm quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 4 về “thương nhân”, Luật Thương mại năm 2005 với quy định như sau: “4. Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.” Khi thuộc độc quyền nhà nước, thì đương nhiên kèm theo việc giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 về “Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”, Luật Giá năm 2012, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuy nhiên quy định của Luật Thương mại nêu trên cần phải được xem lại vì không còn phù hợp với quy các quy định mới của Hiến pháp cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất:

Khác với Điều 21, Hiến pháp năm 1980 quy định “Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài”, Hiến pháp năm 1992 và 2013 không còn bất kỳ quy định nào về việc độc quyền Nhà nước. Như vậy, việc Luật cứ duy trì quy định độc quyền nhà nước là trái với Hiến pháp.

Thứ hai:

Khác với quy định trước đây, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều được Nhà nước “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” theo quy định tại khoản 1 Điều 5 về “Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Như vậy, không còn việc phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp phi nhà nước.

Thứ ba:

Khác với quy định trước đây, hiện nay chỉ cấm các doanh nghiệp không được đầu tư kinh doanh trong 7 ngành, nghề cấm theo quy định tại Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”. Còn lại thì được tự do đầu tư kinh doanh hoặc khi đáp ứng được các điều kiện đối với 243 ngành, nghề theo quy định tại Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.

Thứ tư:

Khác với quy định trước đây có doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ công ích theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995, sau đó Luật Doanh nghiệp năm 2005 và hiện nay là Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định về “doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” và thay thế bằng quy định sản phẩm, dịch vụ công ích, tức là không còn gắn với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Điều 9 về “Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Thứ năm:

Khác với trước đây, hiện nay, “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 về “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, từ năm 2017 trở đi quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật thay vì nghị định, thông tư như trước đây;

Thứ sáu:

Khác với trước đây sản phẩm hàng hoá, dịch vụ độc quyền nhà nước gắn liền với nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước, thì hiện nay sản phẩm, hàng hoá độc quyền nhà nước vẫn có thể do các doanh nghiệp phi nhà nước đảm nhận việc sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng, thực hiện.

Thứ bảy:

Đã “thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn” qua gần 12 năm theo quy định của Luật Thương mại, vì vậy đã đến lúc xem lại và giảm thiểu việc độc quyền này để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường.

Tóm lại, nếu như trước đây, việc quy định phân biệt đầu tư, kinh doanh theo lĩnh vực độc quyền hay không độc quyền của Nhà nước, thì đến nay cần được hiểu là chuyển sang điều kiện kinh doanh. Vì vậy, nếu ban hành Nghị định trên thì sẽ có nhiều nội dung vi hiến và trái với Luật Doanh nghiệp,  Luật đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 về về quyền tự do kinh doanh.

Như vậy, Nhà nước không nên tiếp tục ấn định và duy trì kéo dài tình trạng độc quyền nhà nước, mà phải bảo đảm “Kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” theo đúng quy định tại Điều 15, Luật Cạnh tranh năm 2004, khi thị trường còn tồn tại độc quyền doanh nghiệp nói chung và độc quyền nhà nước nói riêng. Kinh tế thị trường, cần phải hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mặt trái của tình trạng độc quyền.

20 ngành nghề trong dự thảo mà nhà nước giữ độc quyền:

  1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết);
  2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp.
  3. Sản xuất vàng miếng.
  4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
  5. Phát hành xổ số kiến thiết.
  6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)
  7. Hoạt động dự trữ quốc gia.
  8. In, đúc tiền.
  9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam.
  10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan.
  11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân.
  12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng.
  13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải.
  14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.
  15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.
  16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch.
  17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế).
  18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành).
  19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng.
  20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

—–

Diễn đàn doanh nghiệp (Cải cách hành chính) 11-02-2017:

http://enternews.vn/doc-quyen-nha-nuoc-la-vi-hien-va-trai-luat-doanh-nghiep.html

(1.079)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,953