Vãi điêu yêu cầu cổ đông
(ANVI) – Đã là cổ đông trong công ty, thì tiền luôn đi liền với quyền lợi và nghĩa vụ; hù dọa, tha miễn, chiến đấu, bầu bán, chán ghét, nhét vào, lên cao, lao xuống, ruồng bỏ, cho ra,… đều là biểu quyết lá phiếu theo tiền, đối xử theo vốn.
Điều 107, Luật Doanh nghiệp 2005 dành cho cổ đông quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông mà không có hạn chế về cổ phần. Nghĩa là, cổ đông dù sở hữu 1 cổ phần vẫn có quyền kiện cáo.
5 năm sau, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ phịa ra quy định, cổ đông phải sở hữu 1% mới có quyền đấy. Đến Luật Doanh nghiệp 2014, con số trên bỗng bị đẩy lên 10% và còn phải ôm nó ít nhất 6 tháng.
Trong khi Luật Chứng khoán 2006 quy định, sở hữu từ 5% trở lên đã là cổ đông lớn và Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu không quá 5% vốn ngân hàng cổ phần.
Thế là vẫn một quy định rõ cần thiết, nhưng không hiểu sao, từ chỗ là quyền của cổ đông bé nhất quả đất (chỉ cần sở hữu non nửa USD) lại bị đẩy lên quyền của đại cổ đông. Quá trình làm luật, không hề thấy giải thích, trình bày. Hay là lỗi của đồng chí đánh máy từ 1 thành 10%?
Từ chỗ quy định làm khốn khổ nhiều công ty, vì ai cũng có thể kiện, thì nay lại thành khốn nạn đối với nhiều cổ đông, vì không thể yêu cầu, đòi hỏi.
Ngày 23-8-2017