Tội lỗi ngoại hối
(ANVI) – Pháp lệnh Ngoại hối với Thông tư hướng dẫn quy định như đinh đóng cột: Mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá, quy đổi, điều chỉnh giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ được cấp phép ngoại lệ.
Quy định chặn kỹ ở đầu, chặn chặt phía cuối và mô tả quá đủ hành vi, nếu ai phạm phải, nặng thì tù tội, nhẹ thì bị tịch thu và phạt 200 – 300 triệu cộng phát vô hiệu hợp đồng, giao dịch.
Nhưng đấy là chuyện cũ tích xưa, thuở chưa có Bộ luật Dân sự 2015. Kể từ tết tây 2017, Điều khoản 2.2 và 123 của Bộ luật này quy định rất là hay: Mọi hạn chế quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân phải bằng luật và hợp đồng chỉ vô hiệu khi vi phạm điều cấm của luật. Tức pháp lệnh, nghị định, thông tư mà cứ cấm đoán hay toan tình hạn chế thì đều vô giá trị về mặt pháp lý. Thành ra, nếu kẻ chỉ theo luật thì cứ vi phạm thoải mái 9 cái cấm trên, chả bị phạt và chẳng vô hiệu tẹo nào.
Về lý thì ý là như thế, nhưng thực tế thì chưa biết thế nào, so chiếu văn bản cấp thấp cao, lôi ra áp vào, làm sao chắc được!
Trước tình thế quá thể hay ho, hổng to luật pháp, thì chẳng biết áp dụng đúng sai, phải trái ra sao. Tốt nhất giở bài luật võ dân gian gán vào thực tế: Thực hiện theo cái gì chắc nhất, chặt nhất, chuối nhất, khó nhất, khổ nhất, mệt nhất, rắn nhất,…
Ngày 30-8-2017