216. Chạy đua với thực tiễn

(TCKD) – Những quy định lỗi thời là điều dễ nhận thấy trong Luật Doanh nghiệp 2005. Trái với nguyên tắc luật pháp phải đi trước và dẫn đường cho hoạt động của doanh nghiệp (DN), hiện nay, các chuyên gia đang ra sức rà soát, sửa đổi để luật bắt kịp thực tiễn.

Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, than phiền về việc những quy định rắc rối của luật đang từng ngày cản trở hoạt động của DN. Thực tế có những thủ tục mà DN không thể thực hiện được, đành linh động “lách luật”.

Những quy định oái oăm
Đơn cử như những quy định về việc triệu tập và tổ chức họp đại hội cổ đông. Ông Đức dẫn chứng: “Luật quy định thông báo họp đại hội cổ đông phải được gửi bằng phương thức bảo đảm, đến tận địa chỉ thường trú của cổ đông. Tại sao lại không nhắn tin, gửi email, đăng trên web hay phương tiện thông tin đại chúng…, bởi như vậy vừa nhanh lại tiết kiệm hơn. Chưa kể những DN có tới mấy chục vạn cổ đông, nếu sửa đổi điều lệ, họp cổ đông, thay đổi nhân sự… phải làm báo cáo, photo và gửi bảo đảm, chuyển phát nhanh…, riêng số tiền đó đã lên đến tiền tỷ mà có khi không giải quyết được vấn đề gì nếu như cuộc họp không thành, kết quả không được chấp nhận”.
Bổ sung kiến nghị của các doanh nghiệp khác về quản lý con dấu, ông Đức cho rằng nên quy định lại về việc ủy quyền sử dụng con dấu cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt với một ngành đặc thù như ngân hàng. Hiện nay, luật quy định con dấu chỉ được đóng vào chữ ký người đại diện pháp luật của thủ trưởng cơ quan và người được ủy quyền, cùng lắm là dưới một cấp trực tiếp, như vậy là rất máy móc. Nhiều DN, mà cụ thể là các đơn vị trong ngành ngân hàng theo mô hình tổ chức với phó tổng giám đốc, giám đốc khối, giám đốc trung tâm, trưởng phòng… mà chỉ cho ủy quyền dưới một cấp là không hợp lý, bởi các giao dịch, hợp đồng hầu hết đều do cán bộ tín dụng trực tiếp ký kết.

Hiện nay, các chuyên gia đang ra sức rà soát, sửa đổi để Luật Doanh nghiệp 2005 bắt kịp thực tiễn
————————

Thực tế, để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng xử lý khác nhau: có ngân hàng đóng dấu của chi nhánh, có ngân hàng lại đóng dấu phòng kế toán, hoặc trụ sở chính… song ông Đức cho rằng phải được đóng dấu pháp nhân của tất cả mọi chức danh khi đã được ủy quyền. “Ngân hàng chúng tôi đang làm như thế. Điển hình là cán bộ tín dụng ký hợp đồng được ủy quyền chức danh, khi đi công chứng đa số được chấp nhận, song thỉnh thoảng vẫn có nhân viên công chứng giở luật ra đối chiếu và cho là ủy quyền sai”, ông Đức thừa nhận.
Ngoài ra, vấn đề phân biệt đối xử giữa các DN có nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cũng là đề tài “nóng” nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Nhóm chuyên gia rà soát cho rằng Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định “bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các DN không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”, song ngay trong chính các quy định của luật liên quan và từ chính thực tiễn, có thể thấy sự bình đẳng này gần như không tồn tại.
“Tôi được biết vừa rồi một DN FDI muốn chuyển nhượng 10% cổ phần trong một DN Việt Nam. Thủ tục đăng ký kinh doanh có yêu cầu trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đó, DN phải gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nhưng lại vướng vào một thủ tục khác là khi gửi thông báo, DN phải làm thủ tục đăng ký lại. Có nghĩa là từ thủ tục đăng ký kinh doanh lại chuyển sang cấp giấy chứng nhận đầu tư. Với DN đã hoạt động 5 – 7 năm nay rồi, đã có đầy đủ thủ tục lại phải bỏ giấy chứng nhận đầu tư cũ để làm giấy mới là hết sức phiền hà và vô lý”, Luật sư Cao Bá Khoát phân tích.
Bởi vậy, các ý kiến đều đồng tình với việc bãi bỏ những quy định tạo nên sự phân biệt về thủ tục thực hiện trong nước giữa DN có hay không có vốn đầu tư nước ngoài. Xóa bỏ sự phân biệt giữa DN Việt Nam, DN liên doanh, DN 100% vốn đầu tư trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài… mà chỉ còn một thuật ngữ “doanh nghiệp Việt Nam thành lập và hoạt động tuân thủ theo pháp luật Việt Nam”.

Cần phải bổ sung nhiều
Theo ý kiến của các chuyên gia, từ thực tiễn cũng đang phát sinh nhiều vấn đề mới mà trong Luật Doanh nghiệp 2005 chưa quy định hoặc nếu có cũng rất sơ sài, chưa đủ cơ sở pháp lý để DN dựa vào đó ứng biến trong từng trường hợp.
Ông Phan Dũng Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, nêu lên vấn đề định giá sở hữu trí tuệ trong việc góp vốn thành lập DN. Trên thế giới đã công nhận các ý tưởng như một tài sản góp vốn hợp lệ, và thực tiễn cũng chứng minh từ một ý tưởng sáng tạo, thiết thực, có thể kinh doanh thành công. Song tại Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đang bị bỏ ngỏ, trong khi pháp luật kinh doanh cũng chưa có những tiêu chí cụ thể để bảo vệ quyền lợi của những đối tượng muốn góp vốn bằng chất xám.
“Nhiều trường hợp thực tế các bên đều thống nhất hợp tác theo hướng một bên góp vốn, hiện vật, một bên góp ý tưởng và ý tưởng này được định giá thành một khoản tài sản nhất định, song khi bắt tay vào làm lại chưa có quy định cụ thể. Hơn nữa, việc định giá ý tưởng chúng ta cũng làm chưa tốt, chưa có quy định các bên tự thỏa thuận hay do cơ quan tư vấn độc lập”, ông Sỹ nêu thực trạng.
Cùng với nhận định trên, nhiều DN cũng kiến nghị việc định giá ý tưởng nên được giao cho đơn vị tư vấn độc lập vì họ có chuyên môn. Nếu chỉ do hội đồng quản trị, các cổ đông hoặc người sở hữu thì sẽ không có đủ kiến thức, hoặc lợi dụng để đặt ra giá khác so với thực tế. Hệ quả là sau một thời gian hợp tác nếu bất đồng quan điểm, các bên rất dễ quay ra kiện tụng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Gia Thắng, Chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cũng chỉ ra rằng thời gian qua, các vụ mua bán và sáp nhập DN diễn ra ngày càng nhiều, song Luật Doanh nghiệp chưa có quy định về thị trường mua bán, sáp nhập DN một cách hiệu quả và minh bạch, chỉ có quy định về mua bán DN tư nhân mà chưa điều chỉnh cho các loại hình khác. Vì vậy, ông Thắng đề nghị nên bổ sung các quy định về vấn đề này để tránh tình trạng mua bán kéo dài, tắc nghẽn do thiếu sự hướng dẫn của Nhà nước.

Ngọc Khanh

—————————————-

Tạp chí Kinh doanh số 102 ngày 22-8-2011

http://www.vnbusiness.vn/articles/ch%E1%BA%A1y-%C4%91ua-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%B1c-ti%E1%BB%85n

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.894. Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn...

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn nhiều băn khoăn. (VOV.VN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,472