Cà kê tiền tệ
(ANVI) – Tiền là tiên, là phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khoẻ cụ già,… đồng thời là sức mạnh quốc gia, là bài ca chủ quyền.
Nước nào cũng say mê ngoại tệ mạnh, vì tiêu thả phanh, chuyển đổi nhanh, nhưng anh nào cũng phải cố sống cố chết bảo vệ đồng tiền quốc gia với những chính sách, luật lệ duy trì vị thế, ổn định tiền tệ, hạn chế lệ thuộc.
Việt Nam ta cũng chẳng làm gì khác, lâu nay loay hoay tìm mọi cách hạn chế ngoại hối, từ chối ngoại tệ, khích lệ tha về, nhưng thề không sử dụng lung tung. Dính vô 1 đô niêm yết, quảng cáo, thanh toán, mua bán, hoán đổi là toi với mức phạt tới 200 – 300 triệu đồng[1].
Không những thế, chế tài kéo dài là phải tịch thu cả đô lẫn đồng, chém không thương tiếc, là tuyên bố vô hiệu, huỷ bỏ hợp đồng không bàn cãi. Dài hơi một tý đi đến xoá bỏ cơ chế vay vốn ngoại tệ của hệ ngân hàng mà chuyển sang mua đứt, bán đoạn khi bạn có nhu cầu chính đáng.
Thế nhưng sự đời cũng lắm bi hài, với vài cái này: Là có, mang, cầm, nắm, giữ thoải mái nhưng cấm mọi giao dịch, trừ đút vào và rút ra khỏi nhà băng. Là mua 100 đô của ngân hàng chẳng dễ, nhưng mua 1 triệu đô phố cổ thì lại không khó. Là từ chối việc thanh toán bằng Việt Nam đồng là không thể được, là thuộc loại bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng cứ vi phạm thì lại không hề bị xử lý, phạt phẽo gì sất.
Là từ chỗ vô hiệu nhiều năm qua, bất thình lình quay ra không còn bị vô hiệu theo một điều luật mới của Bộ luật Dân sự 2015.
Ngày 13-9-2017
[1] Điều 23, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP đã thay đổi.