(DN&PL) – Vàng cũng được định nghĩa là một loại tiền tệ. Nếu giữ vàng có lợi hơn tiền, thì càng cấm người ta càng muốn tích trữ vàng. Vậy có nên cấm kinh doanh vàng?
Trong khi có rất nhiều ý kiến phản đối việc cấm kinh doanh vàng miếng mà Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ban đầu thì Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lại cho rằng đây mới là giải pháp để tiến tới chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Trong một văn bản mới đây gửi tân Thống đốc NHNN ông Nguyễn Văn Bình, VAFI còn cho rằng đây là ”một phát minh lớn” trong ngành ngân hàng Việt Nam, rằng việc ban hành chính sách kiểm soát thị trường vàng là phép thử năng lực đầu tiên với tân Thống đốc.
Vàng điên loạn
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI, trong cơn sốt giá vàng vừa qua, nhiều người dân không am hiểu về đầu tư vàng và kinh tế vĩ mô đã đổ xô đi mua vàng ở giá rất cao, cao hơn cả giá thế giới, hậu quả là VND yếu đi, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối, gây căng thẳng giả tạo về quan hệ cung cầu ngoại tệ… Ðồng thời, điều đó đã ảnh hưởng tới niềm tin người dân, đến khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ mà NHNN đang cố gắng thực thi.
Vấn đề đặt ra là tại sao họ không mua vàng ở giá thấp mà cứ mỗi khi xảy ra sốt vàng thì lại đổ xô đi mua?
Từ thực tế bao đời nay là cứ hễ cái gì “sốt” là người dân lao vào đầu tư, ông Hải cho rằng điều này thể hiện bản Dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng mà NHNN công bố cách đây vài tháng đã không đi đúng hướng, không khả thi. Bởi ngay khi NHNN công bố bản Dự thảo mới, thay thế bản Dự thảo cũ với nội dung cơ bản là xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng theo hướng không cho phép người dân được mua vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của người dân bằng hình thức NHNN sẽ mua vàng theo giá quốc tế, thì giao dịch kinh doanh vàng miếng tăng dần.
Bốn giải pháp của các chuyên gia bị VAFI “bắt giò”
Trong văn bản gửi Thống đốc NHNN, VAFI đã điểm lại 4 giải pháp mà các chuyên gia kinh tế, các học giả đã kiến nghị, đó là:
Một là cho phép thành lập Sàn giao dịch vàng tập trung dưới sự quản lý của NHNN.
Hai là tiếp tục cho phép hệ thống NHTM được vay vàng của dân và bán số vàng đã huy động.
Ba là cho phép DN kinh doanh vàng được tự do xuất nhập khẩu vàng mà không cần giấy phép.
Bốn là cho phép một số tổ chức kinh doanh vàng được kinh doanh vàng tài khoản.
Với cả 4 giải pháp này, VAFI đều cho rằng không khả thi. Cụ thể, đề xuất thứ nhất là không mới, đã được thử nghiệm thực tế trong mấy năm và không mang lại lợi ích mà ngược lại còn gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế. Hơn nữa, việc thành lập sàn vàng tập trung khác nào cổ vũ cho việc kinh doanh vàng tài khoản. Bên cạnh đó, cũng như kỹ nghệ làm giá trong thị trường chứng khoán, sẽ có đầu cơ tạo sóng về giá vàng và hoàn toàn có khả năng thay đổi tỷ giá VND mà giá vàng trong nước vẫn phù hợp với giá vàng thế giới.
Theo VAFI, chỉ có giải pháp thứ năm, tức là cấm kinh doanh vàng miếng theo Dự thảo ban đầu NHNN đưa ra là khả thi hơn cả vì đã đáp ứng được tất cả các mục tiêu của chính sách kiểm soát thị trường vàng. Vì thông điệp này được phát đi, tuy chưa thành chính sách nhưng đã tác động lớn đến thị trường vàng: Giao dịch kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đã giảm 70%, tính thanh khoản của thị trường bị giảm sút nhanh chóng, mảnh đất cho đầu cơ đã gần như không còn tồn tại…
Cấm Liệu có giải quyết được vấn đề?
Dưới góc độ chuyên môn, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng theo Pháp lệnh Ngoại hối, vàng miếng lưu thông trong nước hiện nay không được coi là ngoại hối, mà chỉ là hàng hóa, vậy thì không có lý gì mà cấm đoán. Theo vị luật sư này, muốn nền kinh tế không bị sốc, thì phải tạo điều kiện tối đa cho hoạt động mua bán vàng và cho phép thanh toán bằng vàng, có như vậy mới tạo ra tâm lý ổn định, yên tâm cho người giữ tiền…
“Vấn đề mấu chốt là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, chứ không phải là không cho vàng được khẳng định giá trị vốn có từ ngàn đời của nó. Nếu đồng tiền ổn định giá trị, vàng chỉ còn là thứ yếu, còn không phải chấp nhận quy luật giá trị. Không cho tôi trao đổi bằng vàng, tôi trao đổi bằng bạc thì có cấm không? Cần làm cho tiền bảo đảm giá trị như vàng, chứ không thể cấm vàng thay chỗ của tiền. Liệu cấm vàng thì có ổn định được giá trị VND không? Câu trả lời là không. Vàng cũng được định nghĩa là một loại tiền tệ. Nếu giữ vàng có lợi hơn tiền, thì càng cấm người ta càng muốn tích trữ vàng. Vàng hóa là hệ quả, chứ không phải là nguyên nhân…”, Luật sư Đức khẳng định.
Ông Đức cũng cho rằng các giải pháp mà các chuyên gia kinh tế đã đưa ra không phải không có cơ sở. Vấn đề là phải kèm theo những điều kiện chặt chẽ, để trở thành thị trường chính, từ đó chi phối thị trường chung thay vì không nắm được cái gì… “Không lo một số DN siêu lợi nhuận khi giá vàng thất thường, bởi thị trường khó lường thì có thể lãi nhiều, nhưng cũng có thể sẽ lỗ lớn, tự họ phải biết điều tiết. Tuy nhiên cũng có thể đặt ra một số giới hạn an toàn để hạn chế sự lan tỏa của những ảnh hưởng xấu”, Luật sư Đức phân tích.
TS. Đỗ Thị Thủy, Ủy viên HĐQT, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng không nên thực hiện các biện pháp có tính chất hành chính, cắt giảm đột ngột, ngăn cấm mua bán vàng… mà “cần thành lập mô hình quản lý thị trường vàng tập trung do Nhà nước quản lý. Khi đó, Nhà nước có thể quản lý thị trường vàng hiệu quả, tránh những tác động tiêu cực. Còn người dân và nhà đầu tư có thêm những kênh lựa chọn để đầu tư hay trao đổi loại hàng hóa đặc biệt này, tạo lập một thị trường giao dịch vàng tập trung giống thị trường chứng khoán hiện nay. Việc tăng cường tính minh bạch, thông suốt của thị trường vàng, giảm tình trạng lũng đoạn và thao túng sẽ góp phần tạo trật tự khách quan cho thị trường vàng, giảm nhu cầu nhập vàng và hạn chế xuất nhập lậu vàng”.
THANH LAN
————————————–
Doanh nhân và Pháp luật (Chuyên đề Báo Pháp luật Việt Nam) 06-9-2011: