Sa đoạ doạ tù
(ANVI) – Bộ luật Hình sự là thứ trừng trị vi phạm pháp luật khá nghiêm trọng, nhẹ thì phạt tiền, cảnh cáo, nặng thì tù treo, tù ngồi, tối kinh là án tử, với tư duy xa xưa là kiểu máu đền nợ máu hay giết 1 mạng cho cả làng khiếp sợ.
Bởi thế cho nên, tội trạng ra sao, hình phạt thế nào cần phải thật rõ ràng, cụ thể để cứ thế mà phang. Vì vậy, từ mấy điểm sai sót của Bộ luật Hình sự 2015 đã phải dừng lại sửa chữa mãi cả năm và tòi ra mấy trăm lỗi.
Tuy bỏ được mấy tội mà bước chân dẫn tới cửa ngục tù, bị cáo vẫn còn tự nhủ “tôi tù không biết vì sao tôi tù” như vụ 34 bị cáo bị xử về tội cố ý làm trái… vì chi nhiều tiền lãi trong đại án Oceanbank. Nhưng vẫn còn nhiều quy định mu mơ, lờ mờ từ trước đến giờ vẫn vậy.
Chẳng hạn, tất cả các đời Bộ luật Hình sự 1985, 1999 và 2015, đều có tội rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục người chưa thành niên “sống sa đọa”.
Thế nào là sa đoạ thì Từ điển đã có giải nghĩa, nhưng khó có cách hiểu thống nhất, rõ ràng trên thực tế. Dâm dục, chích choác, nát rượu, ăn chơi bê tha xa xỉ đến mức nào thì rơi vào sa đoạ? Trong bấy nhiêu năm, chưa tìm được hướng dẫn pháp lý cụ tỷ là gì.
Bộ luật 1985 còn đặt ra nguyên tắc nghiêm trị những “kẻ biến chất, sa đoạ”. Nhưng 2 Bộ luật sau này đã bỏ đi, chắc vì khó bắt lý. Thế thì phải chăng tội “sống sa đọa” cũng nên trả về phạm trù đạo đức, như đã từng bỏ đôi tội thông dâm – thông gian. Hay chí ít cũng cần phải mô tả rõ ràng thì dân làng mới biết đàng tránh tội.
Ngày 27-9-2017