(TGTT) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này vẫn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu. Và không riêng gì hai luật này, rất nhiều luật cũng cần sửa đổi một cách căn bản, mạnh dạn, sửa càng triệt để càng tốt…
Sửa đổi luật không phải là đổi mới, chủ yếu là sửa sai
Bộ Kế hoạch và đầu tư hiện đang chủ trì soạn thảo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính khả thi của văn bản và quyền, lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan.
Nói về vấn đề này Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, không riêng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mà nhiều luật khác cũng cần phải sửa đổi, sửa càng triệt để càng tốt.
Ông Đức thẳng thắn chỉ ra: “Việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai. Ví dụ như Điểm b, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014…”.
Ông Đức nhấn mạnh, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Vì vậy ban soạn thảo cần bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.
Đồng quan điểm, Luật sư Ngô Việt Hòa, Công ty General Motors Việt Nam, chỉ rõ, Luật Đầu tư đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn.
“Việc Luật Đầu tư quy định ưu đãi cho nhà đầu tư cũng không đúng, bởi trên thực tế không có ưu đãi cho nhà đầu tư, chỉ ưu đãi doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập. Vấn đề quan trọng nhất là Luật Đầu tư đã tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư, trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp làm một…” – ông Hòa thẳng thắn nói.
Vì lẽ đó ông Hòa đã đề nghị bỏ hẳn Luật Đầu tư. Bởi vì: “Một đạo luật khi bị phát hiện có quá nhiều điểm trùng lặp, thừa và bất cập thì cần phải xem xét về sự cần thiết hay không của luật đó” – ông Hòa nhấn mạnh.
Làm luật như vá săm xe đạp
- Trần Văn Biên, Viện Nhà nước và Pháp luật thẳng thắn nêu quan điểm: “Làm luật ở Việt Nam giống như vá săm xe đạp, thủng chỗ nào vá chỗ đó”. Câu ví này ý nói, việc xây dựng và ban hành luật ở Việt Nam mang tính chắp vá, không có tính chất dài hơi”.
Chính vì sự chắp vá nên một bộ luật “tuổi thọ” chưa đến 5 năm nhưng đã phải sửa đổi, bổ sung. Và việc sửa đổi không căn bản, triệt để, mà như Luật sư Trương Thanh Đức nói, sửa đổi không phải là đổi mới mà chủ yếu là sửa sai đã dẫn đến luật vẫn tồn tại nhiều vướng mắc.
Nêu ví dụ về sự bất cập trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, ông Nguyễn Hậu, một nhà đầu tư ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, các quy định trong dự thảo luật còn quá nhiều vướng mắc, gây thiệt thòi cho cổ đông thiểu số.
Theo ông Hậu, tại điều 147 và điều 161 Luật Doanh nghiệp nêu: Khi phát hiện thấy nội dung vi phạm pháp luật, cổ đông và nhóm cổ đông muốn khởi kiện phải có 10% cổ phần (điều 147) và 1% (điều 161). “Đối với một doanh nghiệp lớn, 10% cổ phần có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó điều 57 Luật Chứng khoán lại không cho phép cổ đông được quyền tiếp cận thông tin vì bảo mật. Những quy định này đồng nghĩa với việc yêu cầu cổ đông tự mình đi tìm công lý, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện khuyến khích, bao che cho những kẻ vi phạm pháp luật. Tôi đã rất nhiều lần có ý kiến về sự bất cập này nhưng hiện nay luật vẫn chưa sửa đổi một cách hoàn chỉnh” – ông Hậu bức xúc nói.
Cũng theo ông Hậu, tại điều 149 và điều 162 của Luật Doanh nghiệp cho phép Hội đồng quản trị có quyền bán cổ phần của cổ đông, miễn là mỗi lần bán không được quá 35%. Như vậy chỉ cần 3 lần bán là hết sạch tài sản của cổ đông. “Cụ thể tại Công ty thiết bị y tế Việt Nhật, vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 500 tỷ mà hiện nay gần 400 tỷ là nợ không xác nhận được khi Hội đồng quản trị quyết định bán tài sản đó cho công ty gia đình” – ông Hậu dẫn chứng.
Lý giải về tình trạng hầu hết các bộ luật Việt Nam không có tính dài hơi, TS. Trần Văn Biên cho rằng, các đạo luật được thông qua đa phần đều có dung lượng khá lớn các quy phạm và đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh rộng. Chính sự đầu tư nhân, tài, vật lực cho các đạo luật có quy mô lớn đã làm cho công việc soạn thảo các dự thảo văn bản bị kéo dài, tính chất đồng bộ và thống nhất của dự thảo trong mối quan hệ với các đạo luật khác nhiều khi không được đảm bảo.
Đặc biệt các đạo luật lớn thường phải tranh luận, thảo luận kéo dài vì tính phức tạp mới mong đạt được sự thống nhất các quan điểm và cách thức thể hiện. Do vậy, thời gian chuẩn bị xây dựng dự thảo tại các ban soạn thảo, thẩm định, thảo luận, chỉnh lý và thông qua tại Quốc hội thường kéo dài: Khoảng cách giữa nhu cầu cấp bách phải điều chỉnh và khả năng điều chỉnh của đạo luật ngày càng xa đã dẫn đến tình trạng, đợi được luật ra đời thì cuộc sống đã biến chuyển sang một mức độ phát triển khác.
Để khắc phục tình trạng này, theo TS. Biên, thay vì xây dựng và thông qua các đạo luật có quy mô lớn thì chúng ta nên tập trung xây dựng và thông qua các đạo luật có quy mô điều chỉnh hẹp. “Một đạo luật với ít các điều khoản sẽ được nhanh chóng xây dựng, kịp thời đáp ứng các nhu cầu điều chỉnh pháp luật, dễ dàng tương thích với các không gian pháp lý quốc tế. Tính hữu ích của một đạo luật ít điều khoản, không chỉ thể hiện ở sự gọn nhẹ về nội dung, dễ xây dựng, mà còn ở chỗ dễ kiểm soát tính đồng bộ và thống nhất, dễ sửa đổi khi có nhu cầu và dễ áp dụng trên thực tế” – TS. Biên nói.
(329/1.332)
Thế giới tiếp thị (Tiêu điểm) 16-3-2019: