(ĐBND) – “Nhà nông cạn lời” là bình luận vừa dí dỏm vừa chua xót của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI về một số thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang gây xôn xao dư luận xã hội mấy ngày qua.
Đầu tiên là Thông tư số 02 về ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam, được ban hành ngày 11.2.2019. Cứ theo thông tư này thì tới đây, cô bác nhà nông nào nuôi thỏ sẽ không được cho thỏ ăn cà rốt, nuôi heo thì không được cho ăn bèo và các loại rau, củ, quả (trừ khoai, sắn). Trước đó nữa, trong năm 2018, Bộ này cũng ban hành Thông tư số 01 quy định về danh mục giống vật nuôi được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Cũng tương tự như Thông tư số 01, sẽ có rất nhiều vật nuôi – dù hiện vẫn đang được người dân nuôi để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh – không có tên trong Danh mục này. Và tất nhiên, việc người dân nuôi những giống vật nuôi không có trong danh mục Nhà nước cho phép sẽ là phạm pháp.
Không biết có phải vì bức xúc của dư luận xã hội đã “đến tai” Bộ Tư pháp hay không nhưng trong tuần tới, cơ quan này sẽ tiến hành phiên họp với các cơ quan chức năng để đánh giá về “tính hợp pháp” của Thông tư số 02. Và như vậy, rất có thể, Thông tư này sẽ sớm bị “tuýt còi”. Nhưng ngay cả như vậy thì liệu có chấm dứt được sự ra đời của những chính sách kiểu như thông tư số 01, Thông tư số 02? Chắc chắn là không. Bởi lỗ hổng nằm ngay ở quy trình xây dựng, ban hành các chính sách.
Đánh giá tác động, lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo chính sách, công bố dự thảo để phát huy tối đa trí tuệ của xã hội tham gia phản biện… đều là những thủ tục được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu các cơ quan chủ trì soạn thảo bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm các chính sách khi ban hành thực sự minh bạch, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng trên thực tế, những công việc hệ trọng này hầu như đều chỉ được các cơ quan soạn thảo thực hiện cho đủ thủ tục.
Một thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, phản biện xã hội là chức năng luật định của MTTQ nhưng nhiều trường hợp MTTQ cũng chỉ nhận được tài liệu dự thảo chính sách trước khi hết thời hạn đóng góp ý kiến chừng 5 – 6 ngày, thậm chí có khi chỉ 1 ngày, cơ quan chủ trì lấy ý kiến còn “ràng” ngay trách nhiệm của MTTQ bằng cách ghi vào văn bản là trước ngày này, nếu không có ý kiến đóng góp gửi đến thì coi như là đồng ý. Với những dự thảo chính sách gửi sớm hơn, MTTQ có điều kiện nghiên cứu cẩn trọng, tổ chức các cuộc họp phản biện để đóng góp ý kiến chất lượng hơn thì việc cơ quan chủ trì lấy ý kiến có tiếp thu không, vì sao không tiếp thu thì cũng chẳng hề có phản hồi. Với VCCI, dù kết quả tích cực hơn rất nhiều nhưng năm 2018, trong số hơn 450 đề xuất liên quan đến các dự thảo văn bản pháp luật của cơ quan này thì cũng chỉ có gần 200 ý kiến được tiếp thu. Điều đáng nói nhất là tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với ý kiến góp ý, phản biện của xã hội, các cá nhân, tổ chức có liên quan đến dự thảo chính sách hiện nay là rất mờ nhạt.
Cơ chế hậu kiểm của Bộ Tư pháp dù sao cũng chỉ có thể chỉ ra được những sai sót, vi phạm khi văn bản đã được ban hành. Phải kiểm soát sớm hơn tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý của các văn bản pháp luật ngay từ khâu soạn thảo. Và như vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần quy định việc công khai lấy ý kiến nhân dân, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo và có chế tài xử lý nghiêm khắc để bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân, phản biện xã hội được thực hiện nghiêm túc, thực chất.
Cũng cần nói thêm rằng, các văn bản trái pháp luật, cài cắm lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, giành thuận lợi cho cơ quan quản lý và đẩy phần khó cho người dân, cho xã hội vẫn được ban hành chắc chắn không phải là do năng lực soạn thảo, xây dựng chính sách của bộ, ngành còn hạn chế. Nói như một ĐBQH là cái gốc của những văn bản ấy đều là lợi ích cả. Và khi không có một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, minh bạch trong việc xây dựng, ban hành chính sách thì tất yếu đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng chính sách. Vì thế, phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị để xảy ra việc ban hành những văn bản trái pháp luật như vậy. Nếu chỉ dừng lại ở việc thu hồi, đình chỉ văn bản hay nhắc nhở cơ quan ban hành như vừa qua thì chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều những đề xuất khiến “nhà nông cạn lời”, “xã hội cạn lời” nữa.
Quỳnh Chi
Đại biểu Nhân dân (Diễn đàn) 17-3-2019:
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=417933
(54/1.049)