(ĐTCK) – Việc quy định tại Điều lệ Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 trái với quy định tại Luật Doanh nghiệp đã dẫn đến việc Tòa án bác bỏ cuộc họp Hội đồng quản trị (HĐQT), bác bỏ tư cách người triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) và tuyên hủy Nghị quyết HĐQT. Thực tế từ trường hợp này cho thấy, để đảm bảo điều lệ của các công ty tuân thủ quy định pháp luật, cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Tòa tuyên hủy nghị quyết HÐQT
Một cổ đông pháp nhân sở hữu hơn 73% vốn điều lệ của một công ty đã gặp nguy cơ cổ phiếu pha loãng khi không nhận được thư mời, do đó, không tham gia biểu quyết được trong ÐHCÐ năm 2018. Ðó là trường hợp Công ty TNHH Vận tải và du lịch Hoa Việt (Khu công nghiệp Liên Phương, xã Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội) nắm giữ 73,54% vốn điều lệ Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (trụ sở tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội).
Theo đó, Nghị quyết ÐHCÐ có 2 nội dung ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Công ty Hoa Việt bao gồm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi cho cổ đông hiện hữu và miễn nhiệm thành viên HÐQT, Ban kiểm soát. Với việc tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, trong tình trạng Công ty Hoa Việt không thể mua thêm, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này sẽ giảm xuống chỉ còn hơn 36%, mất quyền chi phối. ÐHCÐ cũng miễn nhiệm thành viên HÐQT, Ban kiểm soát là người của Công ty Hoa Việt hoặc có liên quan đến Công ty Hoa Việt.
Trước việc này, Công ty Hoa Việt đã có đơn yêu cầu đề nghị Tòa án hủy Nghị quyết ÐHCÐ năm 2018 của Công ty cổ phần Vận tải ô tố số 2 vì cho rằng, việc tổ chức ÐHCÐ không đảm bảo trình tự và thủ tục quy định tại Luật Doanh nghiệp, điều lệ Công ty; nội dung Nghị quyết ÐHCÐ vi phạm quy định của luật và điều lệ Công ty.
Cụ thể, người ký giấy triệu tập ÐHCÐ là ông Nguyễn Ðăng Hiếu không đủ tư cách. Ông Hiếu được bầu làm Chủ tịch HÐQT Công ty Vận tải ô tô số 2 từ một cuộc họp HÐQT không hợp pháp, chỉ có mặt 5/7 thành viên HÐQT, chưa đủ tỷ lệ ¾ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và không mời các kiểm soát viên của Công ty.
Bên cạnh đó, Công ty Vận tải ô tô số 2 không gửi cho cổ đông tài liệu về các nội dung họp, dự thảo nghị quyết và phiếu biểu quyết. Nhiều nội dung trong Nghị quyết ÐHCÐ không có trong chương trình ÐHCÐ gửi cho cổ đông như: Tăng vốn điều lệ; các báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá công tác quản lý điều hành, không được Ban kiểm soát thông qua….
Một vấn đề đáng chú ý là Công ty Vận tải ô tô số 2 đã 3 lần gửi thư mời đến địa chỉ trụ sở của Công ty Hoa Việt và cả 3 lần thư chuyển phát nhanh, có bảo đảm đều không đến tay người nhận do Công ty Hoa Việt đã chuyển trụ sở.
Xác minh của Tòa án cho thấy, Công ty Vận tải ô tô số 2 đã gửi 3 thư phát mời họp vào tháng 3, 4, 5/2018, có chỉ dẫn yêu cầu bưu cục khi không phát được thì chuyển hoàn trả ngay. Ngay khi bưu tá không chuyển phát được, Bưu cục đã gọi điện yêu cầu Công ty Vận tải ô tô số 2 đến nhận lại nhưng Công ty không cử nhân viên đến và cả 3 thư mời đều còn lưu giữ ở bưu cục cho đến khi Tòa án đến.
Mặc dù việc cổ đông thay đổi địa chỉ mà không thông báo là lỗi của cổ đông, nhưng có thể thấy một sơ sót nhỏ cũng có thể trở thành điểm yếu bị khai thác và dẫn đến nguy cơ vắng mặt tại cuộc họp ÐHCÐ.
Một vấn đề khác, ông Nguyễn Tuấn Anh là Chủ tịch HÐQT của Công ty Vận tải ô tô số 2 đã bị miễn nhiệm trong một cuộc họp HÐQT diễn ra trước ÐHCÐ. Ông Nguyễn Ðăng Hiếu là người được bầu thay thế. Cuộc họp HÐQT không có thành viên Ban kiểm soát tham gia và chỉ có mặt 5/7 thành viên HÐQT.
Theo Ðiều lệ Công ty, cuộc họp HÐQT được tiến hành khi có mặt 5/7 thành viên (71%). Nhưng Ðiều 153 Luật Doanh nghiệp quy định cuộc họp HÐQT được tiến hành khi có từ 3/4 (75%) số thành viên dự họp.
Quy định này của Ðiều lệ Công ty không đảm bảo tỷ lệ được quy định tại Luật Doanh nghiệp và do đó cuộc họp HÐQT không hợp pháp. Ðây là căn cứ để Tòa án xác định ông Nguyễn Ðăng Hiếu không đủ tư cách triệu tập cuộc họp HÐQT.
Cùng với một số vi phạm về trình tự thủ tục họp ÐHCÐ, nội dung nghị quyết, Tòa án đã quyết định hủy Nghị quyết ÐHCÐ của Công ty Vận tải ô tô số 2 và phán quyết của Tòa án đã có hiệu lực.
Ðiều lệ trái luật – liệu có chấm dứt?
Một điểm đáng chú ý trong vụ việc nói trên là Tòa án đã bác bỏ cuộc họp HÐQT vì quy định tại Ðiều lệ Công ty Vận tải ô tô số 2 trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những trường hợp tương tự, không phải cổ đông nào cũng đủ điều kiện về thời gian và chi phí để theo đuổi các vụ kiện tại Tòa án hòng đạt được phán quyết tâm phục khẩu phục.
Thực tế, không ít trường hợp cổ đông kêu than về việc điều lệ công ty trái quy định pháp luật và gửi đơn thư kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng, nhưng kiến nghị của cổ đông không phải lúc nào cũng đạt kết quả.
Ðơn cử trường hợp Công ty cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch mà Ðầu tư Chứng khoán đã từng phản ánh. Năm 2018, tại ÐHCÐ thường niên, Công ty đã đưa ra nội dung sửa Ðiều lệ trong đó có một số quy định về tỷ lệ ứng cử, quy định một số thời hạn gửi thư mời, thông báo… ngắn hơn so với luật định, bỏ quy định về thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng.
Theo cổ đông, Công ty Cấp nước Nhơn Trạch là công ty đại chúng, đã đăng ký giao dịch UPCoM, do đó phải tuân thủ các quy định về công ty đại chúng. Các quy định tại điều lệ Công ty trái với quy định tại Ðiều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/TT-BTC hướng dẫn quản trị công ty đại chúng. Do đó, cổ đông đã nhiều lần đơn thư kiến nghị lên Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính… đề nghị xử lý vi phạm này.
Trong khi đó, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, quy định tỷ lệ ứng cử 10% là phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Thông tư 95 (quy định tỷ lệ ứng cử 5%) chỉ có giá trị tham chiếu, không bắt buộc. Một số quy định như quy định thanh toán qua tài khoản ngân hàng không phù hợp nên Công ty không đưa vào điều lệ.
Cho tới nay, Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản yêu cầu Công ty Cấp nước Nhơn Trạch giải trình nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có văn bản trả lời cổ đông. Một cổ đông của Công ty cho biết, họ mong chờ câu trả lời cũng như biện pháp xử lý của Ủy ban Chứng khoán, bởi đây là vấn đề pháp lý đã rõ: ngoài Luật Doanh nghiệp, công ty đại chúng phải tuân thủ các văn bản pháp luật chuyên ngành, trong đó có Thông tư 95/2017/TT-BTC (kèm theo Ðiều lệ mẫu và Quy chế mẫu).
Một trường hợp khác, Công ty cổ phần Xi măng La Hiên (mã CLH – sàn HNX) từng đưa ra quy chế bầu cử HÐQT và Ban kiểm soát với quy định cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ từ 10 – 20% số cổ phần liên tục 6 tháng có thể gộp cổ phiếu để cùng đề cử 1 ứng viên HÐQT/Ban kiểm soát. Từ 20 – 40% được đề cử 2 ứng viên, từ 40 – 60% được đề cử tối đa 3 ứng viên, từ 60 – 75% được đề cử tối đa 4 ứng viên, từ 75% trở lên được đề cử đủ số ứng viên.
Quy chế bầu cử này đã khiến một nhóm cổ đông nhỏ phản ứng vì cho rằng, quy định về tỷ lệ trái với Ðiều lệ mẫu – vốn bắt buộc áp dụng đối với các công ty đại chúng và việc đưa ra một tỷ lệ cao hơn so với điều lệ mẫu đã làm khó cho các cổ đông nhỏ lẻ, hạn chế khả năng đề cử/ứng cử vào HÐQT. Các cổ đông đã cùng làm đơn kiến nghị tới Ủy ban Chứng khoán và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – Vinacomin.
Ủy ban Chứng khoán đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định có liên quan và sau đó Xi măng La Hiên đã chỉnh sửa quy chế bầu cử. Theo đó, cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ từ 5 – 10% số cổ phần liên tục trong 6 tháng được đề cử 1 ứng viên. Các tỷ lệ sở hữu cao hơn sẽ được đề cử thêm nhiều ứng viên.
Có thể thấy, bên cạnh cơ chế giải quyết tại Tòa án – nơi mà không phải cổ đông cá nhân nào cũng đủ điều kiện theo đuổi tố tụng thì sự giám sát của cơ quan quản lý có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định về quản trị công ty đại chúng, qua đó đảm bảo sự minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến sửa Luật Doanh nghiệp do VCCI tổ chức gần đây, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh rằng, công ty đại chúng ngoài việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định chuyên ngành, trong đó có các quy định về quản trị công ty đại chúng.
Bùi Trang
Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 18-3-2019:
https://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/dieu-le-trai-luat-lieu-co-cham-dut-260338.html
(61/1.838)