2.206. Kinh tế tư nhân cần “đường đua” không rào cản

(ĐBND) – Tại buổi đối thoại “Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá” do Kênh truyền hình VITV vừa tổ chức, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu môi trường kinh doanh không có sự bứt phá quyết liệt hơn và đổi mới thực chất hơn thì rất khó cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp không cần Chính phủ kêu gọi bứt phá, mà họ cần một đường đua tốt, không rào cản, khi đó họ sẽ biết tăng tốc và đi đến đích của mình.

Minh bạch thông tin

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra phương châm 12 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”. Như vậy so với phương châm 10 chữ của năm 2018, Chính phủ xác định thêm “bứt phá”. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân là động lực, nhân tố “bứt phá” cho tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đưa ra những chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng doanh nghiệp. Ngoài ra, năm 2018 còn có 34 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước. Điều này cho thấy, trong thời gian qua, môi trường kinh doanh có những thay đổi đáng ghi nhận, doanh nghiệp đã có nhiều thuận lợi để hoạt động và “bứt phá” trong năm 2019 như kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh, sự tương tác giữa chính sách đến doanh nghiệp thông qua cơ quan địa phương dường như “chưa thay đổi là mấy”, thậm chí chi phí còn nhiều hơn trước, cản trở ở mức độ khác nhau còn nhiều. Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt cũng cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp nhận quá nhiều thông tin với đủ loại thông tư, nghị định, nhiều khi, doanh nghiệp thực sự không biết từ khóa trong mỗi thông tư, nghị định mà Chính phủ muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp là gì. Ông Hùng cho rằng, kinh tế muốn “bứt phá”, thì doanh nghiệp cần phải biết rõ con đường. “Doanh nghiệp chúng tôi cần một cái cực kỳ đơn giản đó là minh bạch thông tin và làm rõ chức năng, trách nhiệm, quyền hạn. Đấy là điều mà cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận”, ông Hùng nói.

Công bằng với các thành phần kinh tế

Khi bàn về “bứt phá” trong tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng, “bứt phá” ở đây không phải chỉ là chỉ tiêu kinh tế mà bứt phá về tư duy, cải cách thể chế, nâng cao thủ tục hành chính, xóa bỏ những quy định là rào cản đối với doanh nghiệp… Theo đó, Luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra 7 điều Nhà nước cần phải xóa bỏ: Đó là xóa bỏ con dấu doanh nghiệp, xóa bỏ ít nhất 1/3 các ngành nghề kinh doanh và ít nhất 1/2 điều kiện kinh doanh, xóa bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh, xóa bỏ ranh giới giữa công ty TNHH và công ty cổ phần nước ngoài, xóa bỏ Luật Đầu tư, xóa bỏ hộ kinh doanh và cuối cùng là xóa bỏ kiểu cách đổi mới. “Nếu không có những đổi mới chính sách thực sự thì sẽ không có chuyện bứt phá đúng nghĩa” – Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Bên cạnh sự quyết liệt đổi mới của chính phủ thì doanh nghiệp cũng cần tự lo cho mình và bứt phá. Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho rằng, doanh nghiệp tư nhân muốn bứt phá phải phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là Chính phủ có tạo điều kiện hay không và bản thân doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực, đủ trình độ và quyết tâm bứt phá hay không. “Tôi tin là doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp tư nhân đều kiên trì và quyết tâm bứt phá, nếu Chính phủ đưa ra chính sách công bằng và hợp lý đối với tất cả các thành phần kinh tế”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái bày tỏ.

Khải Minh

(168/854)


Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 18-3-2019:

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=417967

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,983