221. Hầu hết các ngân hàng tính lãi suất quá hạn sai luật!

(PL&XH) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Phát triển Anh quốc vừa tổ chức Hội thảo Hoàn thiện Báo cáo rà soát Bộ luật Dân sự (BLDS).

Kết quả rà soát cho thấy, sau 5 năm thi hành, BLDS năm 2005 – bộ luật “xương sống” đã bộc lộ nhiều bất cập, mà nếu không sửa đổi, sẽ “khó dùng” tiếp.

Trưởng nhóm nghiên cứu rà soát BLDS, luật sư Trần Thị Quang Hồng cho biết, quy định về người định đoạt tài sản của hộ gia đình trong BLDS mâu thuẫn với Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp và với chính BLDS. Cụ thể, theo Điều 107 BLDS thì giao dịch do chủ hộ đại diện sẽ có hiệu lực đối với cả hộ gia đình nhưng Điều 109 lại yêu cầu phải có sự đồng ý của các thành viên từ 15 tuổi trở lên! Trong khi đó, Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định khi chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình phải được tất cả thành viên gia đình đủ năng lực hành vi dân sự (tức là từ đủ 18 tuổi) đồng ý. Như vậy, nếu giao dịch chuyển quyền sử dụng đất tuân theo Luật Đất đai (chỉ cần sự đồng ý của thành viên đủ 18 tuổi trở lên) thì có thể bị vô hiệu theo quy định của BLDS (thành viên đủ 15 tuổi phải đồng ý)…

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp vẫn duy trì tư cách chủ thể của hộ gia đình trong BLDS thì cần sửa đổi theo hướng các giao dịch phải được sự đồng ý của thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên. Đồng thời, sửa các qui định tương ứng trong Luật Đất đai và các văn bản liên quan. Còn luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI đề nghị bỏ luôn chủ thể hộ gia đình trong BLDS. Theo luật sư Đức, qui định này “không có căn cứ pháp lý”, đã dẫn đến tình trạng cứ 10 giao dịch thế chấp tài sản tại ngân hàng liên quan đến hộ gia đình, thì 9 vụ rơi vào tình trạng không chắc chắn, dù đã được công chứng. Còn các công chứng viên cũng không khỏi đau đầu với việc xác định thành viên hộ gia đình, và thực tế, mỗi công chứng viên, mỗi tổ chức hành nghề công chứng lại có cách xác định khác nhau khi công chứng giao dịch liên quan đến tài sản của hộ gia đình.

Cần có qui định phù hợp điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai  (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Luật sư Lê Quốc Đạt – Giám đốc Cty Luật TNHH Trí Tuệ đề cập đến tình trạng các giao dịch tài sản chưa có thật (tài sản đang nhập khẩu, chuẩn bị sản xuất…), hoặc tài sản hình thành trong tương lai (căn hộ chung cư) cần được BLDS quan tâm đúng mức, nếu không sẽ để lại nhiều hậu quả pháp lý phức tạp. Vì đối tượng giao dịch những loại tài sản chưa có thật, nhưng vì nhu cầu, vì lòng tin hoặc cả vì hám lợi nên giao dịch vẫn diễn ra. Nếu có tranh chấp xảy ra, thiệt hại đầu tiên sẽ do người mua gánh chịu đó là bị chiếm dụng vốn, đặc biệt là những người sử dụng vốn huy động, vốn vay ngân hàng.

Qui định về lãi suất cho vay và chậm trả cũng gây nhiều tranh cãi. Luật sư  Đức phân tích, nếu cứ theo đúng BLDS thì lãi suất cho vay tại thời điểm hiện nay, (tháng 9-2011) tối đa là 13,5%/năm (thấp hơn “trần” lãi suất huy động của ngân hàng hiện tại là 14%/năm). Thế nhưng, thực tế, việc cho vay của các ngân hàng đều vượt xa “trần” lãi suất theo BLDS.

Riêng với lãi suất nợ quá hạn hiện nay thì chưa có quy định ngoại lệ cho ngân hàng, cho nên gần như 100% các ngân hàng đang áp dụng sai luật (tức là tính bằng 150% lãi suất trong hạn, chứ không hề tính “theo lãi suất cơ bản”, tức là chỉ được phép cộng thêm không quá 9%/năm theo đúng quy định của BLDS năm 2005). LS Đức bình luận: “Đây là những quy định “trái khoáy đến mức ngang ngược” của pháp luật, khác xa thực tế cuộc sống, cho nên cũng bị vi phạm một cách phổ biến nhất.

Kể cả lãi suất cơ bản tăng lên 14%/năm thì giới hạn lãi suất của BLDS cũng vẫn không thể chấp nhận được”. Do đó, luật sư Đức đề nghị, BLDS cần đưa ra một mức giới hạn cố định, ví dụ lãi suất cho vay không quá 36%/năm, lãi suất chậm trả không quá 90%/năm và sau một số năm, thì Quốc hội hoặc Chính phủ sẽ quyết định thay đổi cho phù hợp.

Phương Thảo

——————————————-

Pháp luật và Xã hội 17-09-2011:

http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/phapluatxahoi.vn/Hau-het-cac-ngan-hang-tinh-lai-suat-qua-han-sai-luat/7006542.epi

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.894. Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn...

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn nhiều băn khoăn. (VOV.VN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,473