Ngắc ngứ thu giữ
(ANVI) – Thời buổi rối ren, quen thói vòi vĩnh, khắp chốn lừa phỉnh, tràn lan gian lận, lật lọng lừa đảo, bát nháo chi thiên, bất cần luật pháp, nên bảo đảm tiền vay đã trở thành niềm tin và lẽ sống của giới ngân hàng.
Dù đã đủ điều kiện cho vay, nhưng không ai dám bỏ qua biện pháp bảo đảm nọ kia. Không có tiền vàng cầm cố, thì cũng phải có nhà đất thế chấp, không còn hàng hóa thì cũng phải nôn ra quyền đòi nợ, không có bảo lãnh thì chí ít cũng là quyên tài sản tương lai,…
Cầm cố, thế chấp đầy đủ, chặt chặt chẽ lắm rồi, nhưng khi đòi nợ cũng vẫn trần ai khoai chuối trường kỳ như chẳng hề có gì bảo đảm. Công bằng, sòng phẳng thì cứ chạy thẳng đến tòa và tha hồ hy vọng, trông ngóng một vài năm chưa xong một vụ phát mại nhà đất, bất động sản. Thế nên mới phải bật ra quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.
Có vay có trả, có luật có hơn. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ cho phép mọi chủ nợ đều được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Bộ luật Dân sự 2015 của Quốc hội xóa sạch. Đứng trước nguy cơ đổ vỡ hệ thống vì không thu hồi, xử lý được nợ xấu, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đành phải trả lại quyền thu giữ cho riêng ngành Ngân hàng.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có thỏa thuận về quyền thu giữ. Trước đây, khi pháp luật đã quy định quá rõ, cứ thế mà làm, ngân hàng nào dở hơi mới thỏa thuận cụ tỉ chi li điều đó.
Do vậy, luật mở mà thành bịt các ngân hàng ngắc ngứ thu giữ tài sản. Thậm chí còn vướng lây cả sang việc thu giữ hàng hóa, động sản cầm cố, thế chấp, trước không hề vấp.
Ngày 11-10-2017