222. Doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin, cổ đông có thể kiện lãnh đạo

(ĐTCK) – Gần đây, công chúng đầu tư đặc biệt quan tâm đến việc phân định trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết khi doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp… Theo các luật sư mà ĐTCK phỏng vấn, việc phân định này là rất khó đối với cơ quan quản lý, song các cổ đông của doanh nghiệp có thể can thiệp vào vấn đề này.

“Cơ quan quản lý chỉ có thể phạt DN, nhưng cổ đông có thể kiện ban lãnh đạo về việc này”

Ông Nguyễn Vĩnh Ban, Phó tổng giám đốc Công ty Luật TNHH DNAS

Khi xử phạt hành chính, cơ quan quản lý nhà nước chỉ quan tâm đến DN và ra quyết định xử phạt đó theo quy định đối với hành vi vi phạm. Cơ quan quản lý khó có thể theo sát từng hành vi vi phạm của cá nhân. Việc  này chỉ được xem là chuyện của nội bộ công ty. Khi đó, nếu phát hiện rõ đây là vi phạm của các cá nhân trong ban lãnh đạo gây thiệt hại cho công ty, dù nhân danh công ty làm việc này, thì chính công ty đó có quyền khởi kiện ban lãnh đạo theo quy định để bù đắp lại số tiền đã gây thiệt hại cho công ty, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của cổ đông. Khi công ty khởi kiện, sẽ có 2 chủ thể chính tham gia khởi kiện, đó là HĐQT/cổ đông (thông qua họp ĐHĐCĐ) để quy trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, khả năng HĐQT kiện là thấp nếu ban lãnh đạo và HĐQT là một. Chỉ còn lại ĐHĐCĐ, nhưng nếu cơ quan này có ban lãnh đạo nắm cổ phiếu chi phối thì cũng khó xoay xở. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, khi đó, ban lãnh đạo công ty, với tư cách cổ đông lớn cũng “của đau con xót” không kém cổ đông nhỏ.

 

“Bóc tách trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân để phạt là điều không hề đơn giản”

Luật gia Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Có thể thấy, hầu hết các quyết định của ban lãnh đạo DN hiện nay thể hiện ý chí đại diện cho DN. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận vẫn còn có những quyết định của người lãnh đạo DN có động cơ cá nhân và gây ra những hậu quả đáng tiếc. Đúng là để bóc tách trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân để phạt là điều không hề đơn giản. Do đó, lại phải trông chờ vào cách giải quyết nội bộ trong việc quy trách nhiệm cá nhân của DN. Nhìn sang lĩnh vực ngân hàng mới đây, ta có thể thấy một quyết định khá mạnh tay trong xử phạt cá nhân của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi cắt chức lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên, điều này là khó áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán, bởi UBCK chỉ là cơ quan quản lý với các DNNY, CTCK…, chứ không phải là cơ quan chủ quản như NHNN trong mối quan hệ với các ngân hàng.

 

“Cổ đông cần yêu cầu một cơ chế điều hành DN chuyên nghiệp để quy trách nhiệm rõ ràng”

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng luật sư NH.Quang & Cộng sự

Muốn xử phạt cá nhân trong ban lãnh đạo DN hay phạt pháp nhân (DN) cần xác định được hành vi nào là của cá nhân, hành vi nào là của pháp nhân, nhưng việc đó không dễ dàng. Tuy nhiên, có tách bạch được hay không còn phụ thuộc vào khung pháp lý và bản chất vi phạm. Không nên quy trách nhiệm cá nhân một cách chung chung mà nên cụ thể với trường hợp cố ý làm trái của cá nhân người lãnh đạo đó. Hành vi cá nhân của ban lãnh đạo DN nhiều khi núp dưới hành vi của DN. Do đó, nên kiểm soát rõ hành vi cá nhân để không bị coi là hành vi của DN. Cổ đông cần yêu cầu DN có một cơ chế quản lý điều hành chuyên nghiệp để quy trách nhiệm rõ ràng.

Đối với việc chậm công bố thông tin (chậm gửi BCTC hay Nghị quyết HĐQT…) thì có thể ra quyết định phạt đối với cá nhân người phụ trách CBTT nếu cố ý, chứ không thể phạt pháp nhân (DN). Còn nếu là vô tình bị cản trở công bố thông tin mà không báo cáo với UBCK thì nên được xem xét trách nhiệm liên đới.

 

“Lẽ ra phải là phạt lãnh đạo DN, chứ không thể phạt pháp nhân là DN”

Nhà đầu tư Nguyễn Công Hậu, CTCK SSI

Tôi lấy làm ngạc nhiên khi các quyết định xử phạt hiện nay cứ phạt DN, tức là phạt chính túi tiền của cổ đông. Chẳng hạn, tôi thấy, UBCK vừa phạt CTCP Kinh Đô vì trong năm 2010, công ty này đã cho thành viên HĐQT, tổng giám đốc điều hành, cán bộ quản lý và cổ đông tạm ứng tiền (vay tiền) nhưng không có Nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua, vi phạm Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC về Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết. Vẫn biết quyết định xử phạt này được căn cứ theo luật định, nhưng lẽ ra phải phạt những người lãnh đạo DN vì không tuân thủ các quy định về quản trị công ty, chứ không thể phạt pháp nhân là DN.

 

“Cần phải có người chịu trách nhiệm, không nên quy trách nhiệm chung chung cho DN”

Ông Hoàng Thạch Lân, CTCK MHBS

Việc tách bạch được vai trò của cá nhân ban điều hành ra khỏi DN để phạt là công việc không quá khó. Nếu biết cấm mà vẫn làm, tức là cố ý làm trái. Tuy nhiên, tôi thấy bóc tách không quan trọng bằng việc phải có người chịu trách nhiệm trong đó, chứ không thể lúc nào cũng quy trách nhiêm chung chung cho DN. Ví dụ, làm giả BCTC như DVD là tội nặng của ông tổng giám đốc; sai lệch lớn BCTC trước và sau kiểm toán thì khó mà nói sai sót, mà phải là phạt nặng kế toán trưởng và cả ban giám đốc. Do đó, nên gắn trách nhiệm cá nhân vào sai phạm của DN.

Diệu Minh

————————————

Đầu tư Chứng khoán 19-9-2011:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGIJAI/dn-vi-pham-cbtt-co-dong-co-the-kien-lanh-dao.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,120