Tiền ảo đào luật
(ANVI) – Thời buổi công nghệ 4.0, đồng tiền ảo, trong đó có Bitcoin, lên ngôi trỗi dậy đe dọa khuynh đảo thế giới. Nhưng để được ngồi chung chiếu với tiền thật Việt Nam thì rất nan giải, mà cửa ải then chốt nhất là phải được pháp luật thừa nhận tiền đúng là tiền.
Trường Đại học chuyên sâu về công nghệ FPT vừa mới manh nha nhận đồng Bitcoin để thanh toán học phí liền bị tuýt còi. Vậy hãy cùng tiền ảo đào luật xem đúng sai, phải trái ra sao?
Thứ nhất, dù chưa có quy định cụ thể, nhưng tiền áo mặc nhiên là một loại tài sản theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự 2015. Tất nhiên nó không phải là đồ vật, tiền tệ hay giấy tờ có giá, mà chỉ có thể là quyền tài sản, tức tài sản ảo, tài sản vô hình.
Thứ hai, nó là một loại tài sản đặc biệt, rất khó nhận biết, nhưng không bị luật nào cấm đoán, ngăn cản giao dịch, nên hiển nhiên được phép mua bán, trao đổi, tặng cho, góp vốn, thế chấp,… như bất kỳ một loại tài sản hợp pháp nào khác trên đời.
Thứ ba, nó chưa được pháp luật thừa nhận là tiền và đương nhiên cũng chưa được coi là một phương tiện thanh toán (vì nằm ngoài các loại tiền giấy, tiền kim loại nội ngoại tệ, séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Vì vậy, muốn làm trò gì với nó cũng được, nhưng dùng làm phương tiện thanh toán soán vị đồng tiền thì sẽ vi phạm liền luật pháp và bị xử phạt ác vài trăm triệu. Dễ hiểu thay, ngay các đồng ngoại tệ thật rành rành mà còn không được phép giao dịch.
Ngày 01-11-2017