225. Bình luận Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

(ANVI) – Hội thảo – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội                                                  Hà Nội 18-9-2014    

Theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, là Uỷ viên BCH, Phó Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội ngày 04-9-2014 như sau:

  1. Vấn đề chung:
  • Cần có lộ trình nâng dần tuổi nghỉ hưu một cách hợp lý, phù hợp với sức khoẻ và tuổi thọ của người dân nói chung và người lao động nói riêng.
  • Với quan điểm không nâng hoặc chưa nâng tuổi nghỉ hưu, thì Dự luật cần phải thiết kế sao cho tránh được nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là hiện hữu trong thời gian gần, vì 3 lý do sau:
  • Chi bảo hiểm xã hội cho lực lượng vũ trang quá lớn (nghỉ hưu quá sớm, hưởng quá nhiều năm, trong khi đóng góp quá ít – chủ yếu là từ ngân sách);
  • Chi bảo hiểm xã hội cho người nghỉ hưu non quá nhiều (nghỉ quá sớm, quá nhiều người, cứ mất tiền là mất sức. Đơn cử tôi có 3 người bạn đã nghỉ hưu ở tuổi 50, với sức khoẻ rất tốt, vì các lý do bất hợp lý như giảm biên ở Vinashin, về làm công ty riêng và không thích đi làm thì nghỉ hưu);
  • Quá nhiều doanh nghiệp, đơn vị không đóng bảo hiểm xã hội hoặc đóng với mức quá thấp, nhưng sau này bảo hiểm xã hội vẫn phải trực tiếp hoặc gián tiếp chi và chi với mức tối thiểu cao hơn so với yêu cầu đóng góp.
  1. Về đối tượng áp dụng (Điều 2):
  • Điểm a và b, khoản 1, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, cần xem lại tính khả thi và quy định cụ thể hơn các trường hợp phải đóng bảo hiểm xã hội đối với người làm việc theo “hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng” và “Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng”. Đặc biệt, nếu người lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội 1 vài tháng, thì có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại khoản 1, Điều 60 về “Bảo hiểm xã hội một lần” như sau hay không: “a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
  • Cần quy định rõ các trường hợp không phải đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội như lao động giúp việc gia đình, đã được quy định tại Điều 19 về “Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07-4-2014 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình”.
  1. Về Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 17 và 124):
  • Khoản 1, Điều 17 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “chậm đóng” bảo hiểm xã hội. Đề nghị xem lại, việc chậm đóng xảy ra tương đối phổ biến, đây không phải là hành vi bị nghiêm cấm. Nhất là theo quy định tại khoản 3, Điều 124 về “Xử lý vi phạm” của chính Dự thảo này, thì đương nhiên có quyền chậm đóng 30 ngày và từ ngày thứ 31 trở đi thì còn “phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 02 lần lãi suất liên ngân hàng”.
  • Việc quy định “chậm đóng bằng 02 lần lãi suất liên ngân hàng” là không chính xác vì thứ nhất là lãi suất thị trường liên ngân hàng, thứ hai là lãi suất trên thị trường này có rất nhiều loại khác nhau từ 1 vài ngày, một vài tuần cho đến một vài tháng.
  1. Về thời gian hưởng chế độ khi sinh con (Điều 34):
  • Khoản 2, Điều 34 về “Thời gian hưởng chế độ khi sinh con”, quy định:

2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

  1. a) 5 ngày làm việc;
  2. b) 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.”
  • Không nên phân biệt chênh nhau 2 ngày đối với việc người chồng được nghỉ 5 và 7 ngày như trên, vì không chênh lệch nhiều, mà lại rất rắc rối trong việc xác định sinh bao nhiêu tuần tuổi, trong khi chính người phụ nữ sinh con thì lại không được phân biệt 2 chế độ nghỉ khác nhau.
  • Đồng thời quy định “Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con.” là không chính xác, vì sẽ bị hiểu thành chỉ được nghỉ sau khi vợ sinh con được 30 ngày trở đi.
  1. Về chế độ Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ (Điều 35):

Khoản 1, Điều 35 về “Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ” quy định: “1. Người mang thai hộ được hưởng chế độ khám thai, khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ.” Quy định như vậy thì nếu người sinh hộ hàng năm sau mới giao hoặc thậm chí vì lý do nào đó không giao đứa trẻ thì sẽ phải hiểu là được nghỉ vô thời hạn?

  1. Về Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 62):
  • Khoản 1, Điều 62 về “Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần” quy định tuỳ theo thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mà tiền lương hưu được tính theo “mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội” là 5 – 20 năm cuối hay toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Điều này có thể tạo ra sự không công bằng đối với nhiều trường hợp trước khi nghỉ hưu có mức đóng cao hơn hoặc thấp hơn hẳn so với cả quá trình nhiều năm trước đó.
  • Và đặc biệt là mức lương được hưởng của những người đã đóng bảo hiểm xã hội với các mức lương rất khác nhau trong nhiều thời kỳ sẽ được tính toán thế nào để bảo đảm sự công bằng? Vì qua hàng chục năm đóng bảo hiểm thì 1 đồng đóng đầu tiên có khi có giá trị bằng hàng trăm, hàng nghìn lần so với 1 đồng khi nghỉ hưu.
  1. Về Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động (Điều 87):

Cần xem lại quy định tại khoản 2, Điều 87 về “Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động”: “Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;” Tức là người lao động không phải đóng bảo hiểm, mà người sử dụng lao động, tức ngân sách nhà nước phải đóng toàn bộ 23%.

  1. Về Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 90):
  • Khoản 2, Điều 90 về “Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” quy định như sau: “2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.”
  • Vì mức đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động là doanh nghiệp, là một gánh nặng rất lớn, cụ thể phải đóng 18% (3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương đương với 3 quỹ theo quy định tại Điều 84 về “Các quỹ thành phần”) theo quy định tại khoản 2, Điều 87 về “Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động”, nên quy định như khoản 2, Điều 90 dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “trốn” đóng bảo hiểm xã hội, gây thiệt thòi cho người lao động. Lý do, là trước đây Luật thuế thu nhập doanh nghiệp không cho phép doanh nghiệp hạch toán tiền thưởng vào chi phí của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhưng hiện nay, Luật đã cho phép hạch toán khoản tiền thưởng vào chi phí của doanh nghiệp, với một trong các điều kiện là phải được thoả thuận trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể hoặc quy chế tài chính, quy chế thưởng. Vì vậy, nếu tính mức “đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động, thì doanh nghiệp dễ lách bằng cách chỉ trả lương 1 phần bằng lương tối thiếu, còn chuyển sang trả thưởng. Như vậy sẽ không bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như mục đích xã hội của chế độ bảo hiểm xã hội.
  1. Về từ ngữ và kỹ thuật soạn thảo:
  • Khoản 3, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng” sử dụng cụm từ “hộ kinh doanh cá thế” là không chính xác. Luật Doanh nghiệp năm 1999 viết là “hộ kinh doanh cá thế” nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã sửa lại đúng là “hộ kinh doanh”.
  • Hai đoạn cuối của Điều 2 về “Đối tượng áp dụng” cần được bố cục thành 2 khoản 6 và 7, bảo đảm đúng bố cục của điều luật và tránh bị hiểu nhầm là thuộc khoản 5.
  • Khoản 7, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” quy định “Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc” là chưa chính xác. Cần khẳng định rõ đây là “bảo hiểm xã hội tự nguyện”, vì theo Luật, chỉ có 2 loại hình là “ảo hiểm xã hội bắt buộc” và “bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
  • Không thống nhất giữa việc viết các số ngày, tuần, tháng bằng số và bằng chữ. “Tối đa không quá 02 tháng”, ví dụ như tại khoản 1, Điều 34.
  • Một số chỗ viết “thời gian” là không chính xác, cần phải sửa thành “thời hạn”, ví dụ như khoản 3, Điều 34.
  • Không nên viết một đoạn văn lơ lửng không thuộc khoản nào trong các điều luật được bố cục theo khoản điểm, như Điều 43, 44, 55,…

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,983