Phá sản ngân hàng
(ANVI) – Ngân hàng thì cần phải vững vàng như hòn đá tảng, tuy nhiên vẫn thường xuyên mê sảng, làng nhàng, choáng váng, loạng choạng, phá sản như ai nếu lỡ phạm phải sai lầm, thua lỗ, khổ đau.
Khi ngân hàng phá sản thì các con nợ phải trả cho đủ số tiền vay mượn, còn các chủ nợ thì vớ được tý nào phụ thuộc vào vận số. Nguồn thu đầu tiên là tiền bảo hiểm. Kiếm được khoản thứ hai là tiền thanh lý ngân hàng. Sang đến khoản thứ ba là các nguồn khác không xác định, không dính đến tài sản của ngân hàng.
Bảo hiểm tiền gửi thì chỉ được thanh toán 75 triệu đồng cho mỗi suất tiền gửi, dù chỉ 100 triệu hay tới tận 100 tỷ. Tiền thanh lý tài sản ngân hàng thì có thể được rất nhiều hay rất ít, tùy thuộc vào khả năng thu hồi nợ nần, bán dần tài sản trong nhiều năm trời.
Nhưng với đặc thù tù mù, lý thú và ưu tú ở ta thì đang ngấm ngầm cam kết trả hết cho dân, vì sợ người ta quá đà, quá trớn, hờn dỗi, nổi dậy, ghét bỏ, hò hét, thét gào, ồn ào, nhốn nháo, nhộn nhạo, bạo loạn,… Thành ra nước ta có thể gọi là chỉ mới cho phá sản một nửa ngân hàng: Về cổ đông, ông chủ ngân hàng thì về cơ bản là mất sạch bách, không trách được ai. Riêng chủ nợ là người gửi tiền tiết kiệm nhỏ lẻ hay khoản đầu tư kếch sù thì vẫn có nhiều cơ thu đủ.
Vì vậy, trong nhiều năm nữa, người gửi tiền ít cần biết, chẳng cần thiết quan tâm đến việc gửi tiền tại một bank nhiều hay ít, tốt hay xấu, không đồng hay sáp nhập, giải thể, phá sản.
Ngày 15-11-2017