(ANVI) – Hội thảo VPCP Hoà Bình 08-11-2014
Định hướng lâu dài đưa Quản tài viên thành một nghề chuyên nghiệp có thể là điều cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, trong khoảng vài ba năm trước mắt, thì Nghị định này chưa nên đòi hỏi và chưa cần thiết phải đạt được điều đó, do không hợp lý và không khả thi.
- Quản tài viên chưa thể là một nghề chuyên nghiệp, mà chỉ là nghề phụ, là việc làm thêm, là nghề tay trái. Khác với công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại,… Quản tài viên vẫn được kiêm nhiệm Luật sư , Kiểm toán viên theo quy định tại khoản 6, Điều về “Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân” là “Luật sư , Kiểm toán viên được đồng thời hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về phá sản.” (điều này là hợp lý).
- Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng là doanh nghiệp “hoạt động đa ngành nghề, trong đó có hành nghề quản lý, thanh lý tài sản” theo quy định tại khoản 2, Điều 10 về “Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”. Điều này là hợp lý và khác với tính chất chuyên nghiệp nếu như so với “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ.” theo quy định tại khoản 2, Điều 4 “Nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ”, Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 về Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Hay so với “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ bảo vệ” theo quy định tại khoản 3, Điều 3 về “Nguyên tắc tổ chức, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ”, Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22-4-2008 của Chính phủ Về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
- Gần như không có cơ hội thực tế để nghề này trở thành chuyên nghiệp trong thời gian gần. Lý do mấu chốt là số vụ việc phá sản phát sinh trên thực tế mấy chục năm qua vô cùng ít ỏi, chỉ một vài trăm vụ. Đa số Luật sư có thâm niên hành nghề vài chục năm qua cũng chưa từng tham gia vụ phá sản doanh nghiệp nào. Và khả năng rất cao là trong những năm tới, sau khi áp dụng Luật Phá sản năm 2014, thì cũng sẽ không có thay đổi đáng kể, vì cả về quan điểm, điều kiện và thủ tục phá sản, về cơ bản Luật mới vẫn quy định không có bước đột phá, khác biệt đáng kể so với 2 Luật phá sản trước đây.
- Việc thì quá ít, thù lao cho Quản tài viên thì khá thấp. Đa số các trường hợp phá sản trên thực tế, nếu đã trừ đi phần tài sản sử dụng để báo đảm cho các nghĩa vụ tại ngân hàng và các chủ nợ khác, thì tài sản còn lại của doanh nghiệp thường rất ít. Theo Điều 21 về “Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản”, nếu “tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý” chỉ còn một vài trăm triệu đồng, thì Quản tài viên chỉ được hưởng thù lao một vài triệu cho đến vài ba chục triệu đồng trong cả thời gian hằng năm theo đuổi vụ phá sản (có khi không bằng phí công chứng 1 hợp đồng mua bán, thế chấp nhà đất thực hiện trong vài chục phút).
- Không có bất kỳ sự ưu tiên, ưu đãi, trợ giúp nào về thuế má, lao động, đầu tư,… để hình thành và phát triển nghề Quản tài viên trong bối cảnh như trên.
- Do đó cần quy định phù hợp hơn với thực tiễn:
- Cần quy định theo hướng giảm thấp yêu cầu, đòi hỏi về chuyên môn, phẩm chất đối với quản tài viên, đồng thời đơn giản hoá những thủ tục chặt chẽ, khó khăn để cấp chứng chỉ và đăng ký hoạt động. Vấn đề này cũng cần xem xét xử lý tương tự như việc công nhận Luật sư những năm 1990 trước đây, không cần có chứng chỉ đào tạo Luật sư , không cần có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, đề nghị xem lại một số quy định dưới đây đã đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi quá cao đối với Quản tài viên trong những năm đầu hình thành lực lượng này.
- Chưa nên bắt buộc phải “Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với trường hợp Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.” như quy định tại khoản 4, Điều 7 về “Trách nhiệm của Quản tài viên”. Mặc dù việc mua bảo hiểm nghề nghiệp là quy định trong Luật Phá sản, nhưng Nghị định hướng dẫn cần lùi thời điểm và trường hợp cần mua bảo hiểm. Có thể so sánh tính khả thi của quy định này với quy định tương tự về hành nghề Luật sư . Pháp lệnh Luật sư năm 2001 cũng như Luật Luật sư năm 2006 đều quy định việc mua bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc đối với Luật sư , nhưng cho đến tận thời điểm này (sau 13 năm), đa số Luật sư đang hành nghề hợp pháp cũng chưa mua bảo hiểm nghề nghiệp.
- Không nên quy định “Người đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân phải có văn phòng và địa chỉ giao dịch.” như đoạn 2, khoản 1, Điều 9 về “Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân”. Vì chỉ cần địa chỉ giao dịch, chưa cần phải có văn phòng riêng. Quy định như vậy thì sẽ phải hiểu rằng bắt buộc phải có văn phòng, trụ sở làm việc.
- Không nên quy định “Thành viên hợp danh của công ty hợp danh hành nghề quản lý, thanh lý tài sản là Quản tài viên không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh hành nghề quản lý, thanh lý tài sản khác hoặc ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khác để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.” như khoản 1, Điều 11 về “Thành viên hợp danh của công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân quản lý, thanh lý tài sản”. Vì như vậy thì còn chặt hơn và thấm chí là trái với quy định tại khoản 1, Điều 133 về “Hạn chế đối với quyền của thành viên hợp danh” của Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”
- Không nên quy định tại khoản 1, Điều 20 về “Tạm đình chỉ hành nghề đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” trong các trường hợp sau:
- “Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” và “Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.
Lý do: “Biện pháp xử lý” có thể là “biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn” theo quy định tại khoản 3, Điều 2 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Và theo khoản 5, Điều 90 về “Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì, người bị áp dụng biện pháp này có thể chỉ là “thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.” Trong khi cán bộ, công chức bị kết án treo (tức là vi phạm hình sự nặng hơn vi phạm hành chính và án đã có hiệu lực pháp luật) vẫn không bị thôi việc (khoản 3, Điều 78 về “Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ” và khoản 3, Điều 79 về “Các hình thức kỷ luật đối với công chức”, Luật Cán bộ, công chức năm 2008).
- “Quản tài viên là Luật sư bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ tư cách Luật sư thành viên của Đoàn Luật sư theo quy định của pháp luật về Luật sư ” và “Quản tài viên là Kiểm toán viên hành nghề bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập; Quản tài viên là Kiểm toán viên bị tước quyền sử dụng chứng chỉ Kiểm toán viên theo quy định của pháp luật.”
Lý do: Khoản 1, Điều 12 về “Điều kiện hành nghề Quản tài viên”, Luật Phá sản năm 2014 đã quy định, điều kiện đẻ được công nhận là Quản tài viên có thể đang là Luật sư , kiểm toán viên; nhưng cũng có thể chỉ là “Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.” Như vậy, Quản tài viên không bắt buộc phải là Luật sư , kiểm toán viên, cũng không phải là “sản phẩm phái sinh” từ Luật sư , kiểm toán viên. Do đó, việc “bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề” hay bị “đình chỉ tư cách” Luật sư , Kiểm toán viên không thể là lý do dẫn đến tạm đình chỉ hành nghề quản tài viên.
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070
BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN TÀI VIÊN TRONG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN LUẬT PHÁ SẢN[1]
[1] Dự thảo Nghị định “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phá sản” – tháng 11-2014.