(ĐTCK) – Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý hồ sơ, trong vòng 2 – 6 tháng, tòa án phải đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít vụ việc kéo dài nhiều năm mới giải quyết xong.
Một số vụ xét xử kéo dài
Ví dụ như vụ Licogi 13 (LIG) đòi được nợ sau 12 năm thi công. Năm 1998, LIG nhận thi công hạng mục san nền Công trình khu sinh hoạt vui chơi giải trí Đống Đa (Hà Nội), cụ thể là bơm nước hồ, nạo vét bùn, cung cấp cát, san đầm… Sau thời gian thi công, hai bên tiến hành nghiệm thu và LIG hoàn tất hồ sơ để làm thủ tục quyết toán 2,65 tỷ đồng, đã được thanh toán 1,2 tỷ đồng, còn thiếu 1,45 tỷ đồng. LIG chưa đòi được khoản nợ này thì phía chủ đầu tư cơ cấu lại theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khoản nợ nói trên, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp phải chịu trách nhiệm, song không thanh toán. Do đó, năm 2006, LIG khởi kiện. Bản án sơ thẩm của TAND quận Đống Đa (Hà Nội) buộc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp trả cho LIG số tiền 1,45 tỷ đồng. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm sau đó ra quyết định hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Bốn năm sau, Chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị. Bản án giám đốc thẩm đã hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm lại. Tại phiên tòa phúc thẩm này (năm 2012), hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp đồng ý trả số tiền nói trên cho LIG.
Licogi 13 đã đòi được nợ sau nhiều năm theo kiện
Một trường hợp khác là vụ kiện đòi nợ của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank). Theo đó, Ngân hàng khởi kiện Công ty TNHH Bắc Sơn ra TAND TP. Hà Nội từ năm 2007. Sau đó, hai bên hòa giải, Công ty TNHH Bắc Sơn đồng ý trả cho Vietinbank hơn 25 tỷ đồng, gồm tiền gốc và lãi vay. Tài sản đảm bảo là ngôi nhà 194 Phố Huế sẽ được đem bán đấu giá. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP. Hà Nội đã kháng nghị quyết định công nhận thỏa thuận của TAND TP. Hà Nội. Sau khi TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm, Viện KSND TP. Hà Nội tiếp tục kháng nghị, dẫn tới việc bản án giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm, yêu cầu xét xử lại. Sau hai phiên tòa tiếp theo, đến tháng 4/2012, TAND TP. Hà Nội đã xét xử phúc thẩm và chấp nhận đơn khởi kiện của Vietinbank.
Vì sao?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Đoàn luật sư Hà Nội), ngoài một số vụ kiện cá biệt kéo dài cả chục năm, qua nhiều cấp, có đến 9 – 10 bản án, thì về cơ bản, một vụ kiện phải mất 2 – 3 năm mới xử xong, đó là đối với các vụ kiện đơn giản, còn đối với các vụ kiện phức tạp thì thời gian kéo dài 4 – 5 năm. Trong khi đó, quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với một số vụ án đơn giản, kể từ khi có quyết định thụ lý thì trong vòng 2 tháng phải đưa ra xét xử; vụ phức tạp hơn, thời hạn là 4 tháng. Khi đã có quyết định đưa ra xét xử, trong vòng 1 tháng, tòa án phải mở phiên tòa.
Có nhiều lý do để thời gian giải quyết một vụ kiện bị kéo dài. Đơn cử như việc tham gia của đại diện Viện KSND. Theo quy định hiện hành, từ đầu năm 2012, các vụ kiện dân sự, tòa án phải chuyển hồ sơ sang Viện KSND để cơ quan này thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, có ý kiến về vụ kiện, cử đại diện tham gia phiên tòa. Nhưng do hạn chế về nhân sự, ví dụ như số lượng kiểm sát viên của Viện KSND TP. Hà Nội cho khối án kinh tế chỉ có vài người, trong khi số lượng hồ sơ vụ án mà TAND TP. Hà Nội chuyển sang có thể lên tới vài chục, thậm chí cả trăm hồ sơ, nên Viện KSND không thể bố trí người tham dự phiên tòa, dẫn đến thời gian xét xử nhiều vụ án bị chậm lại.
Đáng chú ý, theo luật sư Đức, nhiều quy định pháp luật không chuẩn, có tính “mờ”, tức là hiểu thế nào được, giải thích thế nào cũng đúng, dẫn đến các cấp xét xử khác nhau, các cơ quan tố tụng khác nhau sẽ có cách hiểu và giải thích khác nhau về cùng một vụ án. Tình trạng này dẫn đến có nhiều án bị hủy, xét xử lại và thời gian giải quyết vụ án đương nhiên bị kéo dài hàng năm.
Còn theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán – Ngân hàng – Đầu tư (Basi co), trong thủ tục tố tụng dân sự có nhiều khoảng co giãn, dẫn đến việc kéo dài thời gian. Ví dụ như việc thụ lý đơn khởi kiện, theo quy định, sau 5 ngày kể từ khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án phải ra quyết định thụ lý đơn hoặc chuyển tòa án cấp có thẩm quyền hoặc trả lại đơn. Nhưng trên thực tế, thường xảy ra việc yêu cầu bổ sung tài liệu kèm theo đơn và mỗi lần bổ sung lại tốn không ít thời gian.
Đó là chưa kể các bên đương sự sử dụng thủ thuật để kéo dài thời gian, chẳng hạn thay đổi người đại diện hay giả vờ đau ốm. Trên thực tế, nhiều vụ án mà luật sư của đương sự đến ngày xét xử trình bày về việc đương sự đau ốm, phải đi cấp cứu. Theo quy định, đương sự chỉ được hai lần vắng mặt, lần thứ ba tiếp tục vắng mặt sẽ bị xử vắng mặt. Nhưng trong trường hợp đi cấp cứu, nhiều cấp tòa thường chấp nhận, bởi nếu cứ tiếp tục xử rất có thể sẽ bị cấp trên hủy bản án vì cho rằng, không có đương sự không làm rõ được một số vấn đề, dẫn đến xét xử không khách quan.
Một lý do khác là vấn đề thẩm quyền. Từng có một CTCK bị nhà đầu tư khởi kiện ra TAND cấp quận, tòa án cấp quận thụ lý vì cho rằng, hợp đồng giữa CTCK và nhà đầu tư là hợp đồng dịch vụ, thuộc thẩm quyền tòa án cấp quận. Sau đó, phía CTCK khiếu nại với lý do, vụ kiện này thuộc thẩm quyền tòa án cấp tỉnh, thành phố, do đây là tranh chấp cổ phần, cổ phiếu. Rút cuộc, vụ việc được chuyển lên tòa án cấp trên và thời gian giải quyết bị kéo dài thêm khoảng nửa năm.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đánh giá, tình trạng tố tụng kéo dài có tới 50% nguyên nhân là do bất cập của pháp luật, còn lại là các nguyên nhân khác, trong đó có yếu tố trình độ kém và tiêu cực. Như vậy, ngoài vấn đề nâng cao trình độ, đạo đức của cán bộ tố tụng, thì pháp luật cần phải có quy định rõ ràng, tránh tình trạng “hiểu sao cũng đúng” như hiện nay.
Hoàng Duy
Đầu tư Chứng khoán 08-11-2012:
http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CIGBHD/thoi-gian-to-tung-qua-dai-lam-nan-long-duong-su.html
(305/1.322)