233. Bình luận pháp luật về quản lý vàng.

(ANVI) – Hội thảo Trường Đại học Luật HN                                                             Hà Nội 05-12-2014    

Vàng là một loại tài sản, một loại hàng hoá đặc biệt, đôi khi đóng vai trò như là tiền tệ. Tuy nhiên, trên thực tế cũng như theo quy định của pháp luật, thì nó không phải là tiền tệ. Vì vậy, cần tiếp tục xem xét, xử lý những bất cập chung quanh câu chuyện này để bảo đảm vàng phát huy được vai trò tốt nhất của nó trong đời sống kinh tế, xã hội.

1. Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng:

1.1. Điểm h, khoản 1, Điều 5 về “Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2003) đã quy định một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước là “h) Quản lý hoạt động ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng;”. Và tương tự như vậy là quy định tại khoản 17, Điều 4 về “Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010: “ Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng.”. Trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoài Ngân hàng Nhà nước, thì “các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình” theo quy định tại khoản 2, Điều 3 về “Quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09-12-1999 của Chỉnh phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11-6-2003). Điều 17 về “Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chỉnh phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng còn quy định cụ thể trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng của các cơ quan liêu quan là: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.2. Theo quy định tại khoản 1, 2 và 3, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chỉnh phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thì vàng trong hoạt động kinh doanh vàng, được phân thành 3 loại sau:

“1. Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.

  1. Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
  2. Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.”

1.3. Ngoài ra, còn một số quy định về kinh doanh, mua bán, huy động, cho vay, gửi giữ, cầm cố,… vàng đối với các tổ chức tín dụng.

2. Quy định về quản lý vàng (ngoài hoạt động kinh doanh vàng):

2.1. Việc quản lý vàng có thể phân thành 3 nhóm vấn đề như sau: Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quản lý vàng ngoại hối và quản lý khác đối với vàng. Quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì được thực hiện theo các quy định nói trên. Việc quản lý vàng là ngoại hối được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013). Vàng được quản lý theo chế độ ngoại hối là vàng được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013) là: “Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;” (“vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng” trùng với khái niệm “vàng nguyên liệu” theo quy định tại khoản 3, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chỉnh phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng).

2.2. Những giao dịch nào thuộc về hoạt động kinh doanh vàng thì phải thực hiện theo quy định về quản lý hoạt động sản xuất, chế tác, gia công, kinh doanh vàng. Những vấn đề thuộc phạm vi vàng ngoại hối, thì thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối. Còn những giao dịch nào không thuộc về hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối, thì đương nhiên được hiểu rằng, sẽ được thực hiện theo các quy định có liên quan của pháp luật đối với vàng như một loại tài sản, hàng hoá thông thường khác. Không có cơ sở pháp lý áp đặt, quản lý, cấm đoán, hạn chế hay xử phạt đối với việc người dân mua bán, tặng cho, trao đổi, thanh toán, niêm yết,… vàng không thuộc trường hợp hoạt động kinh doanh vàng. Quy định hiện hành về kinh doanh vàng đã gây khó khăn rất lớn không chỉ cho cá nhân, pháp nhân trong hoạt động kinh doanh vàng, mà còn gây khó khăn cho tất cả mọi chủ thể trong việc mua bán, sở hữu, tích trữ, giao dịch vàng. Tuy nhiên. câu chuyện quản lý vàng nói chung đang trong tình trạng quá phức tạp, quá chặt chẽ không cần thiết, không có tác dụng. Rất khó khăn trong việc phân biệt giữa các giao dịch liên quan và không liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng. Quá khó khăn trong việc hiểu và thực hiện pháp luật. Xin xem Phụ lục Tổng hợp quy định của pháp luật về vàng kèm theo.

2.3. Chính sách quản lý vàng quá chặt đã, đang và sẽ không đạt mong muốn khai thác nguồn vốn vàng, thúc đấy đưa vàng nằm chết vào sản xuất, kinh doanh, nếu không muốn nói là ngược lại. Càng quản lý chặt, thì càng không phát huy được tác dụng và tận dụng được lợi thế của vàng. Điển hình về việc này phải nhắc đến những năm 1970 đã từng có quy định quản lý vàng vô cùng khắt khe, như phải khai báo sở hữu từ 1 chỉ vàng trở lên. Không có cơ sở thuyết phục rằng phải quản lý chặt kinh doanh vàng vì nó là tiền, là ngoại hối, nên ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ và ngoại hối quốc gia. Vàng quý hơn tiền, bảo đảm giá trị hơn tiền, được nghìn đời nay coi trọng hơn tiền. Tuy nhiên, về pháp lý, về cơ bản, vàng trong dân không phải là tiền. Điều 163 về “Tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.” hay khoản 4, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định “ Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.” Vàng được người mua bán, tích trữ trong trong nước cũng không phải là ngoại hối theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối. Vàng là chỗ trú ẩn cuối cùng, an toàn nhất đối với tài sản của các cá nhân và pháp nhân, vì vậy cần được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu và mọi giao dịch liên quan đến vàng. Người ta có muốn mua vàng, giữ vàng hay không chủ yếu phụ thuộc vào giá trị của đồng tiền có được bảo đảm hay không, chứ không phải Nhà nước cho cho, pháp luật có khuyến khích hay không. Nếu cứ xảy ra tình trạng gửi tiền vào ngân hàng càng lâu, thì càng thiệt hại, thậm chí là mất trắng, thì không thể ngăn cản người ta tích trữ vàng như hai trường hợp dưới đây:

  • Bà Lê Thị Bích Thuỷ gửi tiết kiệm tại ngân hàng từ tháng 9 và 10-1983 đến 11-2014. Sau 31 năm, số tiền 270 đồng, tương đương 2 chỉ vàng khi rút ra chỉ nhận được 4.385 đồng, cả gốc và lãi, tương đương 2 cốc trả đá vỉa hè;
  • Bà Lê Thị Minh Nhân, gửi tiết kiệm tại ngân hàng từ 13-5-1983, đến 27-11-1991 có số dư 17.903 đồng, bằng gần 62 tháng lương bậc 1 (290 đồng) theo thang bảng lương của Nhà nước áp dụng đối với cử nhân đại học. Nhưng khi đến rút tiền, thì Vietinbank trả lời rằng, vì từ thàng 4-1992 trở đi, hằng tháng người gửi tiền không đem sổ tiết kiệm đến đối chiếu, nên khoản tiền gửi không còn giá trị. Được biết còn rất nhiều trường hợp bị tước bỏ quyền sở hữu trái với cả quy dịnh pháp luật cũng như thực tế nghiệp vụ huy động của các ngân hàng.

3. Việc cấm kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước:

3.1. Khoản 2, Điều 6 về “Ngành, nghề kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã quy định: “ Cấm kinh doanh các ngành, nghề gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân. Chính phủ công bố danh mục cụ thể ngành, nghề cấm kinh doanh.” Khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định: “3. Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.” và “Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm.” Khoản 5, Điều này còn quy định rõ “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.” Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09-12-1999 của Chỉnh phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11-6-2003 không quy định việc cấm kinh doanh vàng trên tài khoản. Vì vậy, trong một thời gian dài trước đây, các sàn vàng và các hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản dựa theo một nguyên tắc bất thành văn là: Được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

3.2. Việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước đã bị cấm từ năm 2010 đến nay, tuy nhiên, không rõ về cơ sở pháp lý. Mục 2, Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 30-12-2009 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng có nội dung “Không tổ chức thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức”. Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chính phủ Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã quy định phạm vi điều chỉnh gồm cả “hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản”. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định cụ thể về điều kiện hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản. Như vậy, việc cấm kinh doanh vàng trên tài khoản từ năm 2012 đén nay càng không có cơ sở pháp lý. Điều 33, Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.” Đồng thời, khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

3.3. Không thấy lý do nào cần cấm kinh doanh vàng tài khoản nếu dựa vào các quy định hiến định và luật định này. Vì vậy, cần nhanh chóng triển khai Hiến pháp, cho phép người dân và doanh nghiệp được kinh doanh vàng qua tài khoản, giao dịch trên sàn vàng.

4. Việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến vàng:

4.1. Điều 19 về “Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng”, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chính phủ về Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng như sau:

“Điều 19. Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng

Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

  1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.
  2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
  3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
  4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
  5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.
  6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
  7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.”

4.2. Điều 25 về “Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng”, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (trước đây là Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20-10-2011) đã quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh vàng như sau:

“Điều 25. Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng

  1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
  2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; khối lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch;

b) Có niêm yết giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng;

c) Vi phạm trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định của pháp luật;

d) Mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

đ) Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ mà không đáp ứng đủ điều kiện được phép kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện gia công vàng trang sức, mỹ nghệ mà không có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

  1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 2 và Điểm a Khoản 7 Điều này;

b) Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;

c) Thực hiện cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng không đúng quy định của pháp luật;

d) Thực hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi không đáp ứng, duy trì bảo đảm các điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

  1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

b) Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm;

c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về trạng thái vàng;

d) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm không đúng theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

đ) Sử dụng vàng miếng nhận bảo quản không đúng quy định của pháp luật.

  1. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán;

b) Sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; không tái xuất sản phẩm theo Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu do Ngân hàng Nhà nước cấp.

  1. Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động sản xuất vàng miếng không đúng quy định của pháp luật.
  2. Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

b) Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

c) Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

  1. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng khi vi phạm lần đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này.

  1. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này;

b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Điểm d Khoản 3 Điều này.”

4.3. Cả 2 điều luật trên đều chỉ được áp dụng đối với hoạt động kinh doanh vàng. Vì vậy việc quy định cấm hoạt động và xử phạt đối với hành vi “Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.” chỉ có hiệu lực đối với hoạt động kinh doanh vàng. Như vậy, không có chuyện, người dân thanh toán cho nhau bằng vàng khi mua bán đất đai, nhà ở, ô tô, xe máy,… thì sẽ bị tịch thu và bị phạt tiền lên đến 300 – 500 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 95/2011/NĐ-CP hay 250 – 300 triệu đồng theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Và nếu bám sát quy định này, thì ngay cả việc thanh toán việc mua bán tài sản, hàng hoá giữa các cá nhân với pháp nhân và giữa các pháp nhân với nhau cũng không vi phạm pháp luật (vì không phải là hoạt động kinh doanh vàng). Tuy nhiên rất khó có thể phân biệt trường hợp vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ và e, khoản 3, Điều 18 về “Vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng”, Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20-10-2011: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi “đ) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật”.

4.4. Điểm d, khoản 2, Điều 25, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP chỉ xử phạt hành vi “d) Mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;”. Vì vậy, khi người dân mua bán vàng miếng hoặc vàng trang sức với nhau (không phải là hoạt động kinh doanh vàng) thì cũng không vi phạm quy định về mua bán vàng miếng. Như vậy, không có chuyện, người dân mua bán vàng với nhau là vi phạm và bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.

4.5. Trong trường hợp vàng là ngoại hối thì hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng và bất cứ hành vi nào liên quan đến vàng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dựa trên cơ sở quy định tại Điều 22 về “Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.” Tuy nhiên, vàng miếng, vàng trang sức và cả vàng nguyên liệu, giao dịch ở phạm vi trong nước thì không phải là ngoại hối theo quy định tại khoản 1, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung theo năm 2013. Vì vậy, “mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác” bằng vàng không vi phạm pháp luật ngoại hối và pháp luật về vàng. Thế nhưng trước đây, diểm d, khoản 5, Điều 18 về “Vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng”, Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20-10-2011, quy định: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi “d) Niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật.

Quy định xử phạt trên là trái với quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3 về “Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính”, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20-6-2012: “d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.” (trước đó đã được quy định tại khoản 2, Điều 3 về “Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính”, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02-7-2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008): “2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định.”).

4.6. Về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh vàng cũng cần nhắc đến Điều 2 về “Hiệu lực thi hành”, Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20-10-2011 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền lệ và hoạt động ngân hàng quy định “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.” Tức là Nghị định này có hiệu lực trước cả thời điểm ban hành, vì ngày ban hành được tính từ 0 giờ, nhưng ít nhất cũng phải 8 giờ ngày hôm đó mới có thể phát hành Nghị định. Trên thực tế, mấy ngày sau mới có thông tin về việc ban hành Nghị định này

Đây là quy định trái với khoản 1, Điều 78 về “Thời điểm có hiệu lực và việc đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03-6-2008:

1. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng ngay trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là Công báo) chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

  1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này.”

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

PHỤ LỤC

Tổng hợp quy định của pháp luật về vàng

(Thống kê sơ bộ, cần xem xét thêm)

TTTài sản, giao dịch vàngĐượcKhông đượcQuy địnhGhi chú
1.Bán vàng cho nơi có giấy phép kinh doanh vàng.xNĐ 24/2012
2.Bán vàng ngoài hoạt động kinh doanh vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005
3.Báo giá, định giá, ghi giá, tính giá, trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác.xBLDS năm 2005

Luật Thương mại năm 2005

Luật Giá năm 2012

4.Cầm cố, ký quỹ, đặt cọc, ký cược bằng vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005Không có quy định cụ thể
5.Cầm cố, thế chấp, ký quỹ bằng vàng huy động để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại TCTD khác.xĐiều 3, TT 11/ 2011; TT 32/2011; TT 12/2012/TT-NHNN
6.Cầm đồ vàng (dịch vụ cầm đồ).xNĐ 72/2009/ NĐ-CPKhông có quy định cụ thể
7.Cho vay vốn bằng vàng của các TCTD.xTT 11/2011/ TT-NHNN
8.Cho vay tài sản là vàng của cá nhân và pháp nhân khácxBộ luật Dân sự năm 2005
9.Gia công vàng trang sức, mỹ nghệ (cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp).xĐiều 7, NĐ 24/2012Có ĐK gia công vàng trong GCN ĐK KD
10.Giữ, chiếm giữ, nắm giữ vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005Không có quy định cụ thể
11.Gửi giữ vàng của các TCTD.xTT 01/2014/ TT-NHNNPhải có giấy phép
12.Kinh doanh mua, bán vàng miếng.xĐiều 11, NĐ 24/2012Phải có Giấy phép KD của NHNN
13.Kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.xĐiều 8, NĐ 24/2012Có ĐKKD mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ
14.Mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân.xTT 11/2014/TT-NHNNTrừ 1 số ngoại lệ.
15.Mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân.xTT 11/2014/TT-NHNNTrên 300g phải khai báo hải quan.
16.Mang (vận chuyển) vàng của cá nhân, pháp nhân ở trong nước.xBộ luật Dân sự năm 2005
17.Mua, bán vàng giữa các cá nhân với nhau.xBộ luật Dân sự năm 2005
18.Mua, bán vàng miếng giữa NHNN với các TCTDxTT 06/2013/ TT-NHNN
19.Nhập khẩu vàng miếngxTT 16/2012
20.Nhập khẩu vàng nguyên liệu (để tái xuất, sản xuất).xĐiều 14, NĐ 24/20102

TT 16/2012

Phải có Giấy phép nhập khẩu của NHNN
21.Nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ.xĐiều 13, NĐ 24/2012
22.Niêm yết, yết giá giá bằng vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005

Luật Thương mại năm 2005

23.Phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng.xTT 11/2011/ TT-NHNN + SĐCấm từ ngày 25-11-2012
24.Quảng cáo giá bằng vàng.xLuật Thương mại năm 2005
25.Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.xĐiều 8, TT 16/2012Phải có Giấy chứng nhận của NHNN
26.Sở hữu vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005Không giới hạn
27.Sử dụng vàng (trang sức, trang trí, ăn uống, làm đẹp,…).xBộ luật Dân sự năm 2005
28.Tặng cho vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005
29.Thanh toán bằng vàng.xĐiều 19, NĐ 24/2012Đối với kinh doanh
30.Thanh toán bằng vàng ngoài hoạt động kinh doanh vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005Không rõ
31.Thừa kế (để lại thừa kế) vàng.xBộ luật Dân sự năm 2005
32.Vay (huy động tiết kiệm) vốn bằng vàng của các TCTD.xTT 11/2011/TT-NHNN + SĐCấm từ ngày 25-11-2012
33.Vay vốn bằng vàng của các cá nhân và pháp nhân khác.xBộ luật Dân sự năm 2005
34.Vay vốn để mua vàng (trừ NHNN cho phép để SX, gia công).xTT 33/2011/TT-NHNNĐối với các TCTD
35.Xuất khẩu vàng nguyên liệu.xĐiều 14, NĐ 24/20102
36.Xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng tại VN.xĐiều 7, TT 16/2012Giấy phép xuất khẩu của NHNN
37.Xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệxĐiều 13, NĐ 24/2012

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984