233b. Luận cứ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Navibank

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, trình bày tại Phiên toà Phúc thẩm của TAND tối cao tại TP HCM xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các bị các khác phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,

“Cho vay lãi nặng”, “Vi phạm quy định về cho vay hoạt động động của TCTD”, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”

(TP HCM, từ ngày 15-12-2014 đến ngày 31-12-2014)

 

Kính thưa Hội đồng Xét xử!

Tôi là Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Navibank cũ) trong việc thông qua 4 nhân viên Navibank gửi 200 tỷ đồng tại Vietinbank.

Tôi xin trình bày luận cứ gồm 7 phần như sau:

  • Thứ nhất, Nội dung Bản án sơ thẩm liên quan đến quyền lợi của Navibank;
  • Thứ hai, Bản án sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng của Navibank;
  • Thứ ba, Bản án sơ thẩm xác định sai việc gửi tiền của 4 nhân viên Navibank;
  • Thứ tư, Bản án sơ thẩm xác định sai nguyên nhân dẫn đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt;
  • Thứ năm, Bản án sơ thẩm xác định sai trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank;
  • Thứ sáu, Bản án sơ thẩm xác định một số điểm sai lầm khác liên quan đến quyền lợi của Navibank;
  • Thứ bảy, Kết luận và kiến nghị.

1. Nội dung Bản án sơ thẩm liên quan đến quyền lợi của Navibank:

1.1. Trang 101, Bản án sơ thẩm đã viết như sau về số tiền 200 tỷ đồng do 4 nhân viên Navibank gửi tại Vietinbank: “Trong số 500 tỷ Như đã tất toán được 300 tỷ, còn 200 tỷ đứng tên các cá nhân Huỳnh Linh Chi, Cao Thị Thuỳ Anh, Lương Thị Thuỷ Tiên và Lê Thị Thu Hương, Như đã trích chuyển số tiền này từ tài khoản cá nhân sang thẻ tiết kiệm. Như không giao thẻ tiết kiệm cho những người này và những người này cũng không đòi lại nên Như đã dễ dàng trích số tiền 200 tỷ từ các thẻ tiết kiệm của 4 cá nhân này, chiếm đoạt và đưa đi trả nợ.”

1.2. Trang 34, Bản án sơ thẩm viết: “Xác minh tại Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh: ngân hàng này xác định số tiền 200 tỷ đồng có trong tài khoản tiết kiệm của 04 nhân viên Navibank mở tại Vietinbank do các cá nhân này không giữ thẻ tiết kiệm và không mở tài khoản tiết kiệm đúng trình tự nên đã bị Như chiếm đoạt trả cho nhiều đơn vị và cá nhân”.

1.3. Trên cơ sở các nội dung nhận định như trên, Bản án sơ thẩm đã quyết định về trách nhiệm dân sự tại trang 140, Phần “Quyết định”, như sau: Buộc bị cáo Như phải bồi thường cho “Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank) 200.000.000.000 (hai trăm tỉ) đồng”.

1.4. Đó là những nhận định hoàn toàn sai với thực tế và trái pháp luật của Bản án sơ thẩm, trong đó có nhiều sai lầm mà vị đại diện Viện kiểm sát đã kết luận tại Phiên toà này, cùng với nhiều nội dung sai lầm khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank, mà tôi sẽ lần lượt phân tích ở các phần dưới đây.

2. Bản án sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng của Navibank:

2.1. Tại Phiên toà sơ thẩm, Navibank đã yêu cầu xác định lại tư cách của mình không phải là nguyên đơn dân sự, mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến số tiền 200 tỷ đồng mà 4 nhân viên Navibank đã gửi tại Vietinbank. Tuy nhiên, điều này đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm là Viện Kiểm sát và Toà án chấp nhận.

2.2. Trong vụ án này, tiền gửi của 4 nhân viên Navibank có đầy đủ mọi đặc điểm hợp lệ, hợp pháp như đối với 5 công ty (Phương Đông, An Lộc, Chứng khoán, Hưng Yên và Toàn Cầu) đã gửi tiền tại Vietinbank. Tuy nhiên, 5 công ty thì được Viện kiểm sát xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô tài sản của Vietinbank còn Navinbank lại vẫn là nguyên đơn dân sự. Như vậy, đó quan điểm xử lý mâu thuẫn, rất trái ngược nhau về bản chất pháp lý và sự việc thực tế.

2.3. Tuy nhiên, cho dù xác định tư cách của Navibank là nguyên đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thi cũng có mối quan hệ chặt chẽ với việc gửi tiền và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường tiền gửi của 4 nhân viên Navibank.

3. Bản án sơ thẩm xác định sai việc gửi tiền của 4 nhân viên Navibank:

3.1. Thứ nhất, tiền gửi có nguồn gốc hợp pháp, là tiền của Navibank huy động tiền gửi của công chúng.

Tôi chỉ xin nói về một điểm mới theo ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát tại Phiên toà phúc thẩm đã cho rằng 4 nhân viên Navibank vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 10 về “Trách nhiệm của chủ tài khoản”, Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc NHNN là “Không được cho thuê, cho mượn tài khoản, hoặc sử dụng tài khoản của mình cho các giao dịch thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.”

Xin thưa rằng, đó là một nhận định sai lầm, vì pháp luật chỉ cấm sử dụng tài khoản đối với số tiền có nguồn gốc bất hợp pháp như trộm cướp, tham ô, đánh bạc, mại dâm, ma tuý,… chứ chẳng liên quan gì đến tiền của Navibank huy động từ công chúng.

Đó cũng là quy định tại Điều 11 về “Trách nhiệm phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”, Luật Các TCTD năm 2010. Nói thế khác nào bảo việc nhận hộ tiền của bố mẹ, anh em, bạn bè để gửi ngân hàng cũng là cho thuê, cho mượn tài khoản bất hợp pháp và là số tiền bất hợp pháp, phải bị tịch thu xung công.

Vì vậy, đó không phải là lý do loại bỏ Navibank ra khỏi nhóm 5 công ty.

Hơn nữa, nguồn gốc tiền gửi dù có như thế nào thì cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt và trách nhiệm của ngân hàng nhận tiền gửi.

3.2. Thứ hai, việc gửi tiền là giao dịch tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, không phải là gửi tiền tiết kiệm:

Khoản 1, Điều 3 về “Hình thức mở tài khoản tiền gửi”, Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc NHNN đã quy định như sau:

1. Tài khoản tiền gửi là tài khoản thanh toán do người sử dụng dịch vụ thanh toán mở tại các Ngân hàng với mục đích gửi, giữ tiền hoặc thực hiện các giao dịch thanh toán qua Ngân hàng bằng các phương tiện thanh toán.”

4 nhân viên Navibank đã ký các hợp đồng tiền gửi với các Phó Giám đốc Vietinbank Hồ Chí Minh, chứ không ký với Huyền Như hay Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Huyền Như.

Bản án sơ thẩm xác định, việc 4 nhân viên Navibank gửi tiết kiệm xong đã không lấy thẻ tiết kiệm, nên đã bị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt, là một sai lầm nghiêm trọng. Tại Phiên toà sơ thẩm, tôi đã 3 lần khẳng định khi tranh luận với Viện kiểm sát rằng, đây là một nhận định đặc biệt sai lầm. Đáng tiếc là một sự việc đơn giản, rõ ràng như vậy mà Bản án sơ thẩm vẫn ghi nhận sai, như vậy thì khó tránh khỏi những sai lầm khác. Cả 4 nhân viên Navibank không hề có một sự thoả thuận hay một hành vi nào chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm. Hệ thống của Vietinbank đã tự tiện chuyển tiền gửi tài khoản của khách hàng sang hình thức gửi tiết kiệm hoàn toàn không dựa trên bất cứ cơ sở pháp luật và thoả thuận nào.

Kết quả thẩm vấn công khai tại Phiên toà này đã khẳng định rõ điều đó.

3.3. Thứ ba, việc thoả thuận chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác không xảy ra rủi ro:

Hợp đồng tiền gửi mà các nhân viên Navibank gửi tại Vietinbank có nội dung thoả thuận tại Điều khoản 1.6 rằng, Vietinbank được và chỉ được quyền chuyển tiền từ tài khoản thanh toán không kỳ hạn sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của chính khách hàng. Điều này không hề tạo ra bất kỳ sự rủi ro nào cho khách hàng gửi tiền và hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 3 về “Hình thức mở tài khoản tiền gửi”, Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc NHNN:

“2. Số dư trên tài khoản tiền gửi có thể là số dư không kỳ hạn hoặc số dư có kỳ hạn. Việc chuyển đổi sử dụng số dư từ không kỳ hạn sang có kỳ hạn và ngược lại, hoặc sử dụng khác kỳ hạn đã thoả thuận thực hiện theo yêu cầu của khách hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng nơi mở tài khoản.”

Như vậy, việc gửi tiền của 4 nhân viên Navibank là hoàn toàn hợp lệ, hợp pháp, vì đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết theo đúng đúng với thoả thuận với Vietinbank Hồ Chí Minh, cũng như đúng quy định của pháp luật và của Vietinbank.

Hồ sơ cũng như kết quả thẩm vấn công khai tại Phiên toà phúc thẩm đã cho thấy rõ, một mình cá nhân Huyền Như không thể thực hiện được việc chuyển đổi thành thẻ tiết kiệm một cách sai trái, rồi sau đó đã mang các thẻ tiết kiệm thật về hình thức, giả về bản chất đó để cầm cố cho các khoản vay lừa đảo, trái hoàn toàn với thoả thuận và ý chí của ngưởi gửi tiền.

Lỗi chuyển đổi sai này hoàn toàn thuộc về Vietinbank, do vậy Vietinbank phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng gửi tiền theo quy định tại Điều 18 về “Bồi thường thiệt hại”, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20-9-2001 của Chính phủ về Hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải “có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại cho bên liên quan do vi phạm quy định hoặc thoả thuận giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.”

Điều này không khái gì với tình trạng của 5 công ty.

4. Bản án sơ thẩm xác định sai nguyên nhân dẫn đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt:

4.1. Thứ nhất: Vietinbank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc để cho Huyền Như và các nhân viên khác của mình rút tiền sai trái, gian lận, phạm pháp bằng việc làm giả rất nhiều hồ sơ, chứng từ của Vietinbank (tại Phiên toà nay, chính Chủ toạ đã nói rằng, có hàng ngàn hồ sơ, giấy tờ bị làm giả) và đã chấp nhận các lệnh chi giả, chữ ký giả của chủ tài khoản, rút 140,3 tỷ đồng để trả nợ cho các cá nhân, tổ chức khác, mà khách hàng gửi tiền hoàn toàn không biết và hoàn toàn không có lỗi. Điều này là hoàn toàn giống với sự việc của 5 công ty.

4.2. Thứ hai: Vietinbank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc để cho Huyền Như và các nhân viên khác của mình tự ý trích 59,7 tỷ đồng để lập thành 8 thẻ tiết kiệm giả, rồi giả chữ ký của chủ thẻ tiết kiệm để cầm cố vay 57,2 tỷ đồng tại Vietinbank. 8 thẻ tiết kiệm giả này có được thừa nhận là hợp pháp không? Đề nghị Viện kiểm sát tranh luận.

4.3. Thứ ba: Vietinbank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đã bất chấp nguyên tắc, tự động khấu trừ 57,5 tỷ đồng trong các tài khoản tiền gửi của 4 nhân viên Navibank để thu nợ cho các khoản vay theo hợp đồng tín dụng giả và hợp đồng cầm cố giả. Đây hoàn toàn là hành vi sai phạm trái luật rất nghiêm trọng của Vietinbank sau khi Huyền Như đã bị bắt giam. Đề nghị Viện kiểm sát nêu rõ quan điểm về việc này.

Đặc biệt, Bản án sơ thẩm đã sai lầm khi xác định đó là số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt của Navibank. Sự thật, đây chính là số tiền mà Vietinbank đã chiếm đoạt từ tài khoản tiền gửi hợp pháp của khách hàng.

4.4. Bản án sơ thẩm chỉ đúng một điểm đối với Navibank như đã nhận định tại trang 71, Bản án sơ thẩm: “Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh thừa uỷ quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biết quan điểm xét xử vụ án cho rằng”: “Với thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt đó, cùng với sự giúp sức của Võ Anh Tuấn, Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên, Đào Thị Tuyết Dung và Nguyễn Thị Lành; sự tắc trách, cả nể của cán bộ nhân viên các phòng giao dịch Võ Văn Tần, Đinh Tiên Hoàng và Điện Biên Phủ, sự sơ hở của Lãnh đạo Vietinbank – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh trong quản lý, điều hành; sự quan liêu, vô trách nhiệm, coi thường quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay có bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm, đã tạo điều kiện cho huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt” tổng cộng 3.986.254.481.860 đồng.

4.5. Còn đối với một số sai sót của Navibank và 4 nhân viên Navibank, cũng hoàn toàn giống như 5 công ty khác, đều không phải là nguyên nhân dẫn đến việc mất tiền như chính vị đại diện Viện kiểm sát đã kết luận tại Phiên toà phúc thẩm, thậm chí còn không tạo ra bất cứ điều kiện nào cho việc chiếm đoạt tiền. Không thể tìm ra căn cứ pháp lý nào để phân thành 2 nhóm khác nhau giữa Navibank và 5 công ty.

5. Bản án sơ thẩm xác định sai trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank:

5.1. Thứ nhất, Vietinbank đã nhận tiền gửi, đã huy động vốn, tức là vay vốn và sử dụng vốn vay của khách hàng, thì phải trả nợ gốc và lãi cho người gửi tiền. Nếu cho rằng Huyền Như đứng ra huy động tiền gửi, thì kết cục cũng vẫn là huy động vốn cho Vietinbank. Việc Huyền Như huy động vốn cho Vietinbank là một việc làm bình thường, bắt buộc, đúng với thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ, vai trò của một Trưởng phòng Giao dịch lớn của Vietinbank. Do vậy, dù có đổ thừa cho Huyền Như có ý định lừa đảo từ trước, thì cũng không làm thay đổi trách nhiệm quan trọng nhất của Vietinbank theo luật định là, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền gửi cho khách hàng.

Vậy thì cả về đạo lý và pháp lý là có vay, có trả. Không thể chấp nhận lý luận theo kiểu, cái tay tự làm tự chịu, để rũ bỏ trách nhiệm hiển nhiên là đã nhận tiền gửi nhưng lại không trả cho khách hàng. Do đó, trong mọi trường hợp, Vietinbank phải chịu trách nhiệm về việc sai phạm đối với các nhân viên của mình theo đúng quy định tại Điều 618 về “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra”, Bộ luật Dân sự năm 2005: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”.

5.2. Thứ hai, toàn bộ số tiền huy động được của 4 nhân viên Navibank, đã được hạch toán ngay lập tức và đầy đủ vào các tài khoản tiền gửi của khách hàng, vào hệ thống số sách, nguồn vốn và tài sản của Vietinbank. Vietinbank cũng đã tính và phải tính toán bảo đảm khả năng chi trả (khả năng thanh khoản) và đã đóng phí bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền này.

5.3. Thứ ba, Huyền Như trực tiếp hay gián tiếp, môi giới hay không môi giới, hứa hẹn hay không hứa hẹn vượt trần lãi suất, làm đúng hay không làm đúng quy trình trong việc nhận tiền gửi của khách hàng,… thì số tiền thật sự của khách hàng đã gửi, đã hạch toán hợp pháp, hợp lệ vào hệ thống của Vietinbank, không những không vượt quá bất cứ phạm vi uỷ quyền nào, mà thậm chí còn được Vietinbank khuyến khích và chấp nhận vô điều kiện. Riêng phần vượt trần lãi suất trái luật, thì cũng phải xử lý theo luật, tức là loại trừ phần vượt quá, vẫn được công nhận phần tiền gốc và lãi trong giới hạn, nếu như không áo dụng một thứ luật riêng cho Navibank trong trường hợp này.

Hơn thế nữa, 200 tỷ đồng tiền gửi của 4 nhân viên Navibank không phải mới gửi, mà là tiền gửi tái tục, vì đã gửi trước đó tại Vietinbank Nhà Bè, rồi mới chuyển về Vietinbank Hồ Chí Minh, từ số tiền 500 tỷ đồng, đã được tất toán một cách hợp lệ 300 tỷ đồng.

Như vậy, ít nhất là có 10 sự thật đối với số tiền gửi của 4 nhân viên Navibank tại Vietinbank: Hợp đồng thật, nội dung thật, chữ ký thật, con dấu thật, thẩm quyền thật, tài khoản thật, tiền gửi thật, hạch toán thật, sử dụng thật và số dư thật tại Vietinbank. Đó là những sự thật cần phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Chỉ còn một sự thật cuối cùng là Vietinbank đã từ chối chịu trách nhiệm về những sự thật trên và Viện kiểm sát thì kết luận ngược lại.

6. Bản án sơ thẩm xác định một số điểm sai lầm khác liên quan đến quyền lợi của Navibank:

6.1. Bản án sơ thẩm đã không tuyên xử lý số tiền gốc 1.858.468.600 đồng của 4 nhân viên Navibank đang còn số dư trong các tài khoản tiền gửi tại Vietinbank (trong khi lại tuyên xử lý đối với srố tiền còn lại của các nhân viên ACB). Điều này đã dẫn đến sai lầm, Vietinbank chẳng những không phải bồi thường một xu nào, mà còn bỗng dưng được hưởng lợi không có căn cứ pháp luật 1.858.468.600 đồng trong các tài khoản của 4 nhân viên Navibank.

6.2. Bản án sơ thẩm đã không tuyên thu hồi tang vật, tiền do phạm tội mà có để trả lại Vietinbank, để Vietinbank trả lại cho 4 nhân viên Navibank. Cụ thể là số tiền gần 200 tỷ đồng đã chuyển cho 24 tổ chức, cá nhân theo “Bảng kê số tiền Như chiếm đoạt của Ngân hàng Nam Việt chuyển cho các đơn vị, cá nhân (kèm theo Bản Kết luận điều tra số 12/C46-P10 ngày 03-12-2012)”.

6.3. Bản án sơ thẩm đã không tuyên trả lại cho các chủ sở hữu hợp pháp là những người gửi tiền, mà lại quyết định xung công số tiền 976.654.000.000 đồng, là tiền thu lợi bất chính của 6 bị cáo (Phạm Văn Chí, Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương, Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thiên Lý và Phạm Anh Tuấn), đồng thời cũng chính là số tiền bị chiếm đoạt để trả nợ cho các khoản vay (trang 143, Phần “Quyết định”). Như vậy, quyết định của Bản án sơ thẩm đã trái với quy định tại khoản 2, Điều 41 về “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”, Bộ luật Hình sự: “ Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.

6.4. Bản án sơ thẩm đã không tuyên các bị cáo là nhân viên của Vietinbank, phạm “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gây thiệt hại cho Vietinbank, mà lại xác định là gây thiệt hại cho các ngân hàng khác. Như vậy, Bản án sơ thẩm đã trái với nguyên tắc và tinh thần của Điều 179, Bộ luật Hình sự.

7. Kết luận và kiến nghị:

7.1. Tóm lại, hồ sơ vụ án và kết quả thâm vấn công khai tại Phiên toà phúc thẩm đã cho thấy một sự thật rõ ràng là: Vietinbank đã nhận tiền gửi của 4 nhân viên Navibank một cách hợp lệ, hợp pháp, chứ không phải Huyền Như. Vietinbank đã chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm trái pháp luật, chứ không phải Huyền Như. Vietinbank đã đưa thẻ tiết kiệm vào cấm cố trái pháp luật để bảo đảm tiền vay, chứ không phải là Huyền Như. Vietinbank đã khấu trừ tiền gửi trái pháp luật, chứ không phải là Huyền Như. Và vì thế theo đúng quy định của pháp luật, thì Vietinbank, chứ không phải Huyền Như, phải có trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank.

7.2. Theo dõi kết luận của vị đại diện Viện kiểm sát đối với 5 công ty và Navibank cùng với 4 nhân viên, chúng tôi nhận thấy một sự thật và lô gíc hiển nhiên là, về cơ bản, những gì sai sót đối với Navibank là giống với trường hợp của ít nhất 3/5 công ty; những gì là sai trái của Vietinbank và những gì là sự hợp pháp, hợp lệ đối với 5 công ty cũng hoàn toàn giống với trường hợp của Navibank; nhưng rất đáng tiếc là Viện kiểm sát lại kết luận hai hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau? Dường như có 2 vụ án khác nhau, ngược chiều nhau đối với cùng các đương sự như nhau. Đó là điều không đúng pháp luật và sai với bản chất sự việc.

7.3. Với nhiều sai lầm như trên, cùng với nhiều sai sót khác mà vị đại diện Viện kiểm sát đã kết luận, căn cứ vào quy định tại Điều 250 về “Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, kính đề nghị Hội đồng xét xử tuyên huỷ án sơ thẩm đối với phần liên quan đến Navibank và 4 nhân viên Navibank.để điều tra và xét xử lại theo hướng sau:

  • Điều tra, xét xử các hành vi tham ô 200 tỷ đồng là tài sản của Viettinbank thay vì lừa đảo 4 nhân viên Navibank;
  • Buộc Vietinbank trả lại 4 nhân viên Navibank 200 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi là số tiền gửi hợp pháp, hợp lệ của khách hàng;
  • Thu hồi tang vật, tiền do phạm tội mà có để trả lại Vietinbank, để Vietinbank trả lại cho 4 nhân viên Navibank;
  • Trả lại cho các chủ sở hữu hợp pháp các khoản tiền thu lợi bất chính bị xung công, vì đó chính là số tiền bị chiếm đoạt để trả nợ cho các khoản vay.
  • Những nội dung đề nghị trên, không chỉ là việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của Navibank, mà còn là yêu cầu tất yếu nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hàng triệu khách hàng gửi tiền tại Vietinbank nói riêng và các ngân hàng nói chung, đồng thời góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tránh nguy cơ sửa sai Bản án sơ thẩm bằng một bản án sai lầm khác.

                                                                                                     LUẬT SƯ

Nơi nhận:

  • HĐXX;
  • NCB;
  • Cty Luật Diên Hồng;
  • Cty Luật BASICO;
  • Lưu: HSVA.

                                                                                     Trương Thanh Đức

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,777