233c. Đối đáp Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Navibank

(ANVI) –  Luật sư Trương Thanh Đức trình bày tại Phiên toà Phúc thẩm vụ siêu lừa Huyền Như ngày 29-12-2014:
I. 10 VÍ DỤ LÀM RÕ SAI PHẠM CỦA VIETINBANK:
Tôi xin phép được lấy 10 ví dụ hết sức ngắn gọn về lỗi của khách hàng và ngân hàng dẫn đến thiệt hại theo Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc NHNN mà đại diện NHNN và Vietinbank không lấy được ví dụ theo yêu cầu của HĐXX.
1. Về “Trách nhiệm của chủ tài khoản”:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 10, Quy chế 1284: “Chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.”
1.1. Khách hàng ghi nhầm số tiền, số tài khoản, địa chỉ chuyển tiền, dẫn đến việc ngân hàng chuyển tiền theo lệnh nhầm, làm mất tiền.
1.2. Khách hàng ký khống lệnh chi, để cho kẻ gian lợi dụng mang ra ngân hàng rút mất tiền.
1.3. Khách hàng không thông báo kịp thời cho ngân hàng về việc hết hiệu lực của chữ ký uỷ quyền, dẫn đến việc ngân hàng vẫn thực hiện lệnh chi đó, làm mất tiền.
1.4. Khách hàng không thông báo kịp thời cho ngân hàng về việc mất séc rút tiền mặt, để cho kẻ gian rút mất tiền.
1.5. Khách hàng làm lộ mật khẩu dịch vụ giao dịch điện tử của mình, để cho kẻ gian rút mất tiền.
2. Về “Trách nhiệm của ngân hàng”:
Theo quy định tại khoản 8, Điều 12, Quy chế 1284: “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình.”
2.1. Ngân hàng chuyển thiếu tiền hoặc thừa tiền theo lệnh chi của khách hàng, gây thiệt hại.
2.2. Ngân hàng thực hiện lệnh chi mà không phát hiện ra chữ ký hoặc con dấu giả mạo khách hàng, làm mất tiền.
2.3. Ngân hàng thực hiện lệnh chi mà không phát hiện ra chứng minh nhân dân giả khách hàng.
2.4. Cán bộ, nhân viên ngân hàng vô tình hay cố ý thực hiện các hành vi làm mất tiền của khách hàng.
2.5. Ngân hàng làm lộ mật khẩu dịch vụ giao dịch điện tử của khách hàng, để cho kẻ gian rút mất tiền.
II. 10 LUẬN ĐIỂM PHI LÝ CỦA VIETINBANK:
1. Về nguồn gốc của tiền gửi:
Xin đừng cãi rằng, việc Navibank cho 4 nhân viên vay vốn để gửi vào Vietinbank là trái pháp luật, cho nên dù gửi tiền có hợp lệ, hợp pháp thì cũng mất tiền.
Vì đó là một quan hệ khác và chịu trách nhiệm khác. Hãy đi vào bản chất của vấn đề gửi tiền. Vietinbank có thể không biết về việc tại sao tiền gửi lại cứ chạy vào ngân hàng mình. Nhưng Vietinbank không thể không biết tiền chạy khỏi hệ thống của mình là đúng hay sai. Dù Vietinbank biết hay không biết trong trường hợp tiền ra, thì cũng vẫn đương nhiên là mất tiền của chính mình.
2. Về thoả thuận ngầm lãi suất:
Xin đừng cãi rằng, việc thoả thuận ngầm vượt trần lãi suất dẫn đến hậu quả mất tiền.
Vì đúng là có việc ấy, nhưng cái gốc trái pháp luật chính là Vietinbank mà Huyền Như là đại diện hợp pháp. Đặc biệt, đó còn là chủ trương của ban lãnh đạo Vietinbank. Điều này đã được thể hiện rõ tại trang 12 Kết luận điều tra và trang 31 Bản án sơ thẩm rằng, Lãnh đạo Vietinbank HCM đã chấp nhận ký 2 hợp đồng với lãi suất 14,5%/năm, vượt trần 0,5%.
Đặc biệt, lâu nay Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 13,5%/năm. Nhưng nếu cứ cho vay lên đến 100%/năm thì sao? Xin khẳng định rằng, hàng ngàn vụ án do các cấp toà án từ quận huyện cho đến tối cao đều đã, đang và sẽ phán quyết công nhận phần 13,5% là hợp pháp và chỉ gạt bỏ phần vượt quá 13,5%.
3. Về việc bịt mắt khách hàng:
Xin đừng cãi rằng, khách hàng bị bịt mắt vì lãi suất cao của Huyền Như giăng ra.
Vì Huyền Như đã bịt mắt khách hàng khi nhận gửi tiền vào Vietinbank. Nhưng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần là, Huyền Như cũng đã bịt mắt Vietinbank khi rút tiền ra khỏi Vietinbank. Mà việc bị bịt mắt để cho tiền chạy khỏi ngân hàng thì mới mất tiền.
4. Về việc sập bẫy lừa đảo:
Xin đừng cãi rằng, khách hàng là con mồi hám lợi, bị sập bẫy của Huyền Như nên đã bị mất tiền gửi.
Vì khách hàng có thể đã hám lợi và sập bẫy của Huyền Như khi gửi tiền vào Vietinbank.
Nhưng quan trọng hơn, chính Vietinbank đã sập bẫy của Huyền Như khi để tiền bị rút khỏi Vietinbank. Tiền vào ngân hàng thì sao phải quan tâm đến đúng sai, tiền ra mất khỏi ngân hàng thì mới là tội lỗi.
5. Về việc theo dõi tài khoản:
Xin đừng cãi rằng, vì khách hàng thờ ơ, bỏ mặc, không quan tâm đến việc theo dõi, quản lý tài khoản tiền gửi, nên mất tiền.
Vì khách hàng không có trách nhiệm theo dõi, quản lý thay Vietinbank thuộc về phần nghĩa vụ theo dõi, quản lý tài khoản ở phía nội bộ của Vietinbank. Nếu Vietinbank làm đúng luật, thì dù 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa thì tiền gửi vẫn là tiền, vẫn còn nguyên vẹn gốc, chỉ có cộng thêm lãi.
6. Về việc tiền vay của ai?
Xin đừng cãi rằng, việc cho vay cầm cố thẻ tiết kiệm, là việc ứng trước tiền của chính khách hàng vay.
Vì trong mọi trường hợp, cho vay đều là ứng trước tiền của ngân hàng. Chỉ có mua bán giấy tờ có giá thì mới là ứng trước tiền của khách hàng. Nhưng đáng tiếc rằng thẻ tiết kiệm không phải là giấy tờ có giá và đây là cho vay cầm cố thẻ tiết kiệm thì vẫn quan hệ cho vay, chứ không phải là chiết khấu hay mua bán giấy tờ có giá.
7. Về việc khấu trừ tiền gửi:
Xin đừng cãi rằng, theo thoả thuận trong hợp đồng cầm cố, thì Vietinbank được quyền tự động trích tiền gửi của khách hàng để tất toán khoản vay.
Vì không ai lại đi lý giải một hành động đúng luật dựa trên một hợp đồng cầm cố giả, hoàn toàn trái luật?
8. Về việc tiền bị chiếm đoạt:
Xin đừng cãi rằng, Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Vì Huyền Như chỉ chiếm đoạt được tiền của khách hàng nếu như họ bị dẫn dụ chuyển tiền vào tài khoản giả, tài khoản lừa đa, tài khoản của người khác mà không rõ tiền đi đâu về đâu. Còn trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 472 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2005: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.”. Còn gì vô lý hơn khi nhân viên Vietinbank lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút ruột tiền thuộc quyền sở của chính Vietinbank, nhưng lại gây thiệt hại cho ngân hàng khác?
9. Về thẩm quyền của Huyền Như:
Xin đừng cãi rằng, Huyền Như không phải là người quản lý của Vietinbank, nên không có trách nhiệm quản lý tài khoản, nên Vietinbank cũng khỏi chịu trách nhiệm.
Vì đúng là Huyền Như không phải là người quản lý pháp nhân, nhưng không thế chối cãi rằng, Trưởng phòng Vietinbank mà lại không phải là người có thẩm quyền quản lý công việc, quản lý nghiệp vụ và quản lý tài khoản.
10. Về trách nhiệm với tiền gửi:
Xin đừng cãi rằng, tiền gửi trong tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng là chuyện của khách hàng, Vietinbank không chịu trách nhiệm về việc mất còn số tiền đó, dù khách hàng không có lỗi trong việc hàng trăm tỷ tự nhiên đội nón ra đi.
Vì như vậy thì Vietinbank không còn là ngân hàng, vì không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu nhất đối với một ngân hàng thương mại.
III. KẾT LUẬN VỀ MÂU THUẪN VÀ NGHỊCH LÝ CỦA VKS:
1. Kết luận của VKS:
1.1. Khi phân tích về các giao dịch hợp pháp, hợp lệ của 5 công ty và về trách nhiệm của Vietinbank đối với tiền gửi của khách hàng: Không còn gì đúng đắn, chính xác, hợp tình, hợp lý, hợp pháp, đầy đủ, chặt chẽ, thuyết phục hơn lập luận của Kiểm sát viên.
1.2. Nhưng, chính điều đó lại là sự không thể tưởng tượng được, vì nó lại mâu thuẫn khủng khiếp, trái ngược 180 độ, đảo lộn tất cả đối với phần tiền gửi của 4 nhân viên Navibank. Thậm chí, vô lý đến mức Vietinbank đã không phải chịu bồi thường, lại còn được “tặng thêm” hơn 1,8 tỷ đồng, mà VKS vẫn không đối đáp.
2. Mâu thuẫn của VKS:
2.1. Không thể nảo hiểu nổi, VKS đã đồng tình với các ý kiến của tôi về 5 sai lầm của Bản án sơ thẩm đối với Navibank, gồm:
– Xác định sai tư cách tham gia tố tụng của Navibank;
– Xác định sai việc gửi tiền của 4 nhân viên Navibank;
– Xác định sai nguyên nhân dẫn đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt;
– Xác định sai trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank;
– Xác định một số điểm sai lầm khác liên quan đến quyền lợi của Navibank.
2.2. Đó đều là những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cả tội danh và trách nhiệm dân sự, mà Bản án phúc thẩm không thể nào sửa chữa được. Nhưng thật là mâu thuẫn khi KSV lại chỉ xác định đó là nghiêm trọng với 5 công ty, còn không hề có nghĩa lý gì với Navibank.
3. Nghịch lý của VKS:
Nếu cứ theo ý kiến của VKS đối với Navibank, thì Bản án phúc thẩm sắp tuyên có nguy cơ phải chấp nhận nghịch lý chặt đôi giữa ngọn và gốc của 1 sự việc, chia đôi 1 nhóm nạn nhân, tách đôi 1 sự thật, xẻ đôi 1 bản chất vấn đề, chẻ đôi 1 điều luật, để thành 2 phán quyết hoàn toàn trái ngược nhau.
Luật sư Trương Thanh Đức.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,713