Đặc khu kinh tế: Cần thiết kế cơ chế hành chính vì kinh tế chứ không phải ngược lại
(NQT) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đặc khu kinh tế thực chất chỉ là nhằm tạo ra khu kinh tế đặc biệt, chứ không phải nhằm tạo ra khu hành chính đặc biệt.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) của Việt Nam hiện vẫn đang được thảo luận, lấy ý kiến với nhiều thay đổi lớn so với dự thảo đầu tiên liên quan đến chính sách ưu tiên, ưu đãi, mô hình tổ chức bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị trong đặc khu tương lai.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Ủy viên ban chấp hành Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc xây dựng mô hình thể chế cho các đặc khu kinh tế cần phải xem xét 6 nhóm vấn đề như sau:
Thứ nhất:
Về mục tiêu tổng quát, dự thảo luật xây dựng đặc khu kinh tế phải đặt ra mục tiêu đột phá phát triền gấp hàng chục lần so với các khu vực không có đặc khu. Nếu chỉ tập trung vào việc tạo ra ưu đãi về tiền thuế, đất, tài nguyên thì chỉ là sự dịch chuyển kinh tế chứ không phải là tạo ra sự phát triển kinh tế.
Đặc khu khu kinh tế cần có môi trường kinh doanh tự do, thông thoáng về chính quyền, thủ tục hành chính và giải quyết tranh chấp, để phát triển mạnh kinh tế, tạo ra nhiều hàng hoá, dịch vụ, nhằm thu được nhiều thuế; chứ không thể là nơi dịch chuyển lợi ích từ địa bàn khác về do được giảm nghĩa vụ tài chính, tức giảm tiền đóng góp cho ngân sách ở nơi khác, cách khác để tăng thu ngân sách cho đặc khu.
Cần phải tránh tình trạng thành công hay thất bại của ba đặc khu là do sự chuyển công ty, chuyển nhà ở, chuyển nơi làm việc đồng thời do tự thân và xu thế phát triển của địa bàn đó chứ không phải do tạo ra năng suất, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, giá trị tốt hơn, cao hơn, nhiều hơn.
Thứ hai:
Về yêu cầu, đòi hỏi: Đặc khu kinh tế hành chính đặc biệt thực chất chỉ là nhằm tạo ra khu kinh tế đặc biệt, chứ không phải nhằm tạo ra khu hành chính đặc biệt. Sự đặc biệt của hành chỉnh chỉ nhằm phục vụ cho sự đặc biệt về kinh tế, chứ không có mục đích tự thân.
Vì vậy, cần thiết kế cơ chế hành chính vì kinh tế chứ không phải là ngược lại. Do đó chỉ cần gọi là đặc khu kinh tế thay vì gọi là đặc khu kinh tế, hành chính.
Thứ ba:
Chính quyền địa phương tại các đặc khu cần áp dụng cơ chế hành chính đặc biệt để tạo ra môi trường kinh doanh đặc biệt nhằm tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt, thay vì áp dụng cơ chế kinh tế đặc biệt này để tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt khác.
Đặc khu cần cân nhắc áp dụng một trong hai cơ chế sau: Thứ nhất, nếu có Hội đồng nhân dân (HĐND), thì không có Uỷ ban nhân dân (UBND) mà chỉ có thị trưởng; chế độ thủ trưởng lãnh đạo thay vì UBND với chế độ tập thể lãnh đạo. Thứ hai, nếu có UBND, thì không có HĐND.
Điều này sẽ dẫn đến việc Hiến pháp lại phải sửa; nhưng nếu không như vậy thì mô hình sẽ không đáng gọi là đặc khu.
Thứ tư:
Bộ máy hành chính, quản lý nhà nước tại các đặc khu dù có hay không có HĐND và UBND thì cũng chỉ nên có một đầu mối cơ quan hành chính quản lý nhà nước thay vì 5 – 7 cơ quan như dự thảo đề ra và cũng tương tự như đối với các huyện thị hiện hành.
Cần coi đặc khu kiểu giống như một khu công nghiệp hay khu chế xuất, chỉ có một ban quản lý khu công nghiệp. Đồng thời, nó không chỉ là các chính sách miễn giảm hay cơ chế ưu đãi như đối một khu công nghiệp.
Thứ năm:
Về đoàn thể và chính trị, cần phải chấp nhận đặc khu có sự đặc biệt cả về tổ chức hệ thống chính trị, chứ không chỉ có sự đặc biệt về kinh tế và hành chính.
Chẳng hạn, đặc khu cần không có cán bộ, chỉ có công chức, tập trung gần như toàn bộ vào phát triển kinh tế, không tổ chức các cơ quan, đoàn thể đầy đủ ban bệ như các cấp chính quyền khác.
Thứ sáu, về tranh chấp và toà án, cần có cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự và hành chính một cách nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả hơn và phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, mở rộng thủ tục xét xử rút gọn; hay Hội đồng xét xử cần cơ chế 1 hoặc 3 thẩm phán chuyên nghiệp thay cho cơ chế hội thẩm nhân dân thông thường.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC.
(949/949)
[1] Báo tự lấy tham luận chế thành bài.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——————
Nhà quản trị 21-5-2018: