235. Hệ lụy từ tăng trưởng nóng của hệ thống ngân hàng: Chất lượng nguồn nhân lực bị xem nhẹ

(KTĐT) – “Nhân sự ngân hàng hiện vừa thừa, vừa thiếu; thừa nhân lực yếu và thiếu nhân lực chất lượng cao. Sự tăng trưởng quá nóng của ngành ngân hàng trong thời gian trước khiến nhiều cán bộ chưa được đào tạo, thử thách, kiểm nghiệm, nhưng lại dễ dàng được giao những trọng trách, tiền bạc, nên dễ bị xô đẩy, lợi dụng”.

 

Chuyên gia tài chính ngân hàng Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đã chia sẻ như vậy khi trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những vấn đề nóng trong lĩnh vực nhân sự ngân hàng hiện nay.

Thừa mà thiếu

Thời gian gần đây, dư luận rộ lên thông tin về việc nhiều ngân hàng cho thôi việc hàng loạt nhân viên do những khó khăn về tài chính. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

– Về Luật, tùy từng trường hợp cụ thể mới đánh giá được việc ngân hàng sa thải hay cho nhân viên thôi việc là đúng hay sai. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi thấy việc sa thải là bình thường. Nếu anh không làm được việc thì tôi sa thải anh. Nhân viên làm việc tốt, không ông chủ nào dại gì cho thôi việc. Tất nhiên, tôi loại trừ những trường hợp vì mâu thuẫn cá nhân. Cũng phải biết rằng, nếu nhân viên có năng lực, trình độ thực sự bị sa thải, sẽ có những công ty khác sẵn sàng mời chào ngay.

Thực ra, nhân sự ngân hàng hiện nay vừa thừa, vừa thiếu. Thừa nhân lực non yếu và thiếu nhân lực chất lượng cao. Hiện, nhân viên bị ngân hàng sa thải rất nhiều. Nhưng ngược lại, những nhân sự mới có trình độ vẫn được mời mọc, đón chào với chế độ đãi ngộ rất tốt.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những người đứng đầu ngân hàng nên tìm hiểu, xem xét; tránh trường hợp áp đặt theo kiểu chèn ép, gây ra những bất mãn trong nhân viên.

Bên cạnh những nhân viên luôn bị “án” sa thải ám ảnh thì cũng có một thực tế khác là nhiều nhân viên ngân hàng muốn nghỉ việc nhưng không được. Cái lý của ngân hàng là anh gây ra nợ xấu, nợ khó đòi thì phải ở lại để giải quyết hậu quả. Điều này có đúng Luật không, thưa ông?

– Về lý, trong quá trình làm việc, anh gây hậu quả thì phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả đó. Tuy nhiên, trong thực tế, theo tôi, việc ép nhân viên ở lại là không nên. Một khi họ đã không còn gắn bó với ngân hàng nữa nếu bị buộc ở lại, họ sẽ làm việc theo kiểu đối phó cũng không giải quyết được vấn đề. Người ta ở lại nhưng người ta cứ ngồi đó với tâm lý chán nản và chắc chắn hiệu quả công việc cũng không cao.

Nhiều trường hợp ngân hàng giữ nhân viên ở lại vì sợ họ gây ra hậu quả gì mà ngân hàng chưa phát hiện ra. Thế nhưng, nếu họ gây hậu quả, liên quan đến pháp luật thì dù có chuyển qua ngân hàng khác hay nghỉ việc ở nhà, thậm chí đã về hưu vẫn bị triệu tập để điều tra. Nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng A gây hậu quả dù đã chuyển sang ngân hàng B vẫn bị cơ quan công an triệu tập đó thôi. Và tất nhiên, người ta sẽ không công bố thông tin rằng anh đó ở ngân hàng B, mà vẫn là cựu nhân viên ngân hàng A.

Còn nếu phát hiện ra nhân viên nào có sai phạm thời điểm xin nghỉ việc thì mới nên buộc họ ở lại để giải quyết. Sai vẫn cứ phải xử lý, còn chưa phát hiện ra thì nếu người ta muốn đi nên tạo điều kiện để họ đi. Đó mới là luật chơi sòng phẳng.

Nhân sự ngân hàng biến động mạnh trước sức ép tái cơ cấu, xu hướng mua bán và sáp nhập.

Ảnh: Trần Việt

Một vài ngân hàng không cho nhân viên được thôi việc có thể là một cách gây khó dễ cho nhau thôi. Anh ở lại, nếu làm việc không tốt, không hiệu quả sẽ bị sa thải. Khi đã sa thải có nghĩa là một hình thức kỷ luật. “Án” sa thải sẽ khiến nhân viên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này, nhất là khi đi xin việc mới.

Nếu nhìn nhận ở một góc độ khác, việc một số nhân viên ngân hàng không chịu nổi sức ép lúc khó khăn đã xin nghỉ việc. Ông đánh giá thế nào về khả năng ứng phó với khó khăn của nhân viên ngành này?

– Vấn đề này cũng tùy trường hợp để đánh giá. Ngành ngân hàng chúng ta đã có một thời gian phát triển quá gấp, quá nóng. Hậu quả là tuyển vào một loạt nhân viên, thậm chí cả nhân sự cấp cao như Giám đốc, Phó Giám đốc các phòng giao dịch thiếu kỹ năng, trình độ chuyên môn, dẫn đến việc lúc thị trường không thuận lợi, đội ngũ này không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đa số các ngân hàng khi muốn giảm thiểu nhân sự đều động viên nhân viên nghỉ. Nếu tự nguyện, anh sẽ được đền bù một khoản tiền đãi ngộ. Còn nếu chống đối, anh sẽ bị ép chỉ tiêu huy động, cho vay rất cao. Không hoàn thành nhiệm vụ, không chấp hành kỷ luật, anh sẽ bị sa thải. Mà cái “án” sa thải thì như tôi nói ở trên, là rất ghê gớm.

Như ông vừa nói, có vẻ như sự tăng trưởng quá nóng của ngành ngân hàng một thời cũng gây nhiều hệ lụy về nhân sự, thưa ông?

– Đúng vậy, sự tăng trưởng quá nóng đã khiến nhiều cán bộ chưa được đào tạo, thử thách, kiểm nghiệm, nhưng đã được giao nhiều trọng trách, quyền hành, tiền bạc, nên dễ bị xô đẩy, lợi dụng. Và cũng vì phát triển “nóng”, nên việc theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý cũng không theo kịp cả về con người cũng như cơ chế, chính sách.

Sốc lại đội ngũ sẽ góp phần tích cực tái cơ cấu lại ngân hàng

Thực tế là nhiều nhân viên dù bị ngân hàng ép nghỉ nhưng không dám lên tiếng. Tại sao, thưa ông?

– Mỗi ngân hàng đều có đội ngũ pháp chế am hiểu rành rẽ pháp luật nên việc nhân viên “kiện” ngân hàng chẳng khác gì “con kiến kiện củ khoai”. Hơn nữa, ngân hàng luôn “cầm đằng chuôi” trong các điều khoản hợp đồng. Ví dụ, họ giữ lại các loại bằng cấp chuyên môn trong thỏa thuận hợp đồng với nhân viên. Về luật, cán bộ nhân viên phải tuân thủ mọi sự sắp xếp, thuyên chuyển của cơ quan sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu ai đó đang có gia đình, chồng con, bố mẹ ở Hà Nội, sao có thể “khăn gói” vào Nghệ An hay sang Campuchia làm việc được. Về lý, đương nhiên là ngân hàng đúng. Nhưng nếu căn cứ vào thực tế thì việc thuyên chuyển này là bất khả kháng.

Vấn đề quan trọng nhất là tâm lý người Việt Nam. Ở nước ngoài, việc sa thải là rất bình thường. Nhưng ở Việt Nam, “định kiến” xã hội với các thành phần “nổi loạn” khiến nhiều nhân viên ngân hàng dù có bị ép nghỉ cũng không dám lên tiếng. Hơn nữa, những hồ sơ có “án sa thải” cũng dễ mất điểm khi đi xin việc mới.

Cũng có một nguyên nhân nữa là nhiều khi “chờ được mạ thì má đã sưng”. Bởi vậy, hệ thống pháp luật phải làm sao khuyến khích và bảo vệ những người dám nói lên sự thật. Thời khó khăn, việc nhân viên ngân hàng bị bắt, bị tạm giữ… không còn là chuyện hiếm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề đạo đức ở ngành ngân hàng – một ngành vốn rất cần sự minh bạch?

– Thực ra, câu chuyện đạo đức cán bộ đâu chỉ nóng ở riêng lĩnh vực ngân hàng. Đạo đức con người là tổng hòa của bản chất, quá trình đào tạo, giáo dục và quản lý. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều khi cơ chế hành chính không phù hợp lại tạo ra kẽ hở cho nhân viên “làm liều”.

Ví dụ như việc áp trần lãi suất. Nếu anh có 1 – 2 tỷ đồng, mỗi ngày anh phải nhận được chục cuộc điện thoại mời chào lãi suất từ các ngân hàng. Ngân hàng cạnh tranh, thậm chí là giành giật nhau. Có vượt trần, tức là có hai chế độ sổ sách để hợp thức hóa khoản vượt trần đó.

Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc “chiếc áo” hành chính quá chật nên mới có những kẽ hở cho nhân viên ngân hàng lách.

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, những sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng tăng lên là do sự non nớt về trình độ nghiệp vụ, nhận thức, kinh nghiệm ứng xử và bản lĩnh nhân viên trước những cám dỗ.

Năm 2012 có thể nói là một năm nở rộ nhân sự “ngoại” trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp của ngân hàng. Có phải vì nhân sự trong nước chưa đủ niềm tin để HĐQT ngân hàng mời vào những vị trí chủ chốt không, thưa ông?

– Thực ra, nhân sự nội hay ngoại đều có những ưu, khuyết điểm của nó. Nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam, Tổng Giám đốc, Phó Tổng đều là người Việt Nam nhưng vẫn hoạt động tốt đấy thôi. Theo tôi điều quan trọng hiện nay là phải có những giải pháp chấn chỉnh ngay những yếu kém, sốc lại chất lượng đội ngũ nhân lực ngành ngân hàng. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đang được triển khai.

Xin cảm ơn ông!

Đinh Nguyễn thực hiện

1/4 trang nhất và cả trang 3 (A3)

—————

Kinh tế và Đô thị 24-11-2012:

http://ktdt.com.vn/news/detail/349625/chat-luong-nguon-nhan-luc-bi-xem-nhe.aspx

(1.796/1.796)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,320