(TT) – Thông tin sửa Luật thuế thu nhập cá nhân đã tạo phấn khởi cho người nộp thuế. Nhưng chính chuyên gia trong ngành thuế cũng không thể hiểu nhiều quy định hiện hành dưới luật đang “có vấn đề”.
“Khi ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn phải quán triệt tinh thần của luật là khoan sức dân, để người dân không cảm thấy nộp thuế là gánh nặng” – Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
* TS Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế):
Công bằng giữa người VN và người nước ngoài
Tôi rất mừng vì sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Quốc hội đã đồng ý nâng mức giảm trừ cho người lao động lên mức 9 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng. Cũng theo tinh thần này, tôi đề nghị tất cả những quy định không còn phù hợp mà trong phạm vi nghị định, thông tư có thể sửa được thì nên điều chỉnh. Dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn cũng cần đưa ra lấy ý kiến công khai.
Cũng cần công bằng khi quy định các mức giảm trừ giữa người VN và người nước ngoài. Theo hướng dẫn tại thông tư 62, một số khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhưng chỉ áp dụng cho người nước ngoài mà không áp dụng cho công dân là người VN như khoản tiền mua vé máy bay đi và về phép trong năm, khoản tiền học phí cho con theo bậc học phổ thông. Vậy để công bằng trong việc xác định thu nhập chịu thuế, cần bổ sung thêm công dân VN cũng được hưởng các khoản phụ cấp, trợ cấp này.
* Bà Đỗ Thị Thìn (tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn thuế VN):
Nhiều quy định thiếu thực tế
Hiếm có luật nào lại có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện như sắc thuế thu nhập cá nhân. Sau hơn ba năm thực hiện, Bộ Tài chính ban hành tới 23 thông tư và vô vàn công văn hướng dẫn. Nhưng có những quy định khiến chúng tôi làm trong ngành thuế lâu năm cũng thấy khá bất ngờ. Cụ thể từ năm 2011, ngành thuế yêu cầu doanh nghiệp hằng tháng kê khai chỉ tiêu thu nhập của lao động. Quy định này tạo khó khăn cho doanh nghiệp, đi ngược với cải cách. Vì thuế thu nhập cá nhân được tính theo năm nên cuối năm, cơ quan chi trả sẽ làm tờ khai thu nhập của từng lao động. Ví dụ doanh nghiệp có 100 lao động, cuối năm doanh nghiệp nộp cho cơ quan thuế mẫu chi tiết thu nhập của 100 lao động. Nay cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp hằng tháng phải nộp là thừa.
Những khoản thu nhập cần quản chặt thì lại bỏ qua và ngược lại. Ví dụ như những hợp đồng tư vấn chẳng hạn, giá trị lên đến hàng tỉ đồng nhưng thuế thu nhập cá nhân chỉ tính ở mức 10%. Thực tế nếu tính đúng theo biểu thuế lũy tiến thì mức thuế suất phải nộp cao hơn rất nhiều. Còn đối với những cán bộ về hưu, mỗi năm được mời giảng bài vài buổi, hay tham gia viết sách thì bị trừ nghiến tiền thuế ít nhất 10%, trong khi thu nhập của họ cả năm chưa đến mức chịu thuế.
Một quy định nữa gây thiệt thòi cho người nộp thuế, đó là mức thu nhập tối thiểu của người phụ thuộc. Để được tính là người phụ thuộc thì tổng các khoản thu nhập của người đó phải dưới 500.000 đồng/tháng. Với tình hình giá cả mấy năm gần đây, tôi cho rằng mức này đưa ra là quá thấp và đã rất lạc hậu.
* LS Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI):
Nên quy định một mức thuế đối với nhà đất
Để tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đưa ra hai phương pháp tính. Phương pháp thứ nhất: áp mức thuế 25% trên giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lý khi chứng minh được; phương pháp thứ hai là 2% trên giá trị hợp đồng. Với thực tế hiện nay, việc chứng minh các chi phí hợp lý là điều cực kỳ khó. Hiện hầu hết các giao dịch bất động sản đều phải đóng thuế theo phương pháp tính trên 2% giá trị hợp đồng. Theo tôi, tốt nhất Nhà nước chỉ nên để một phương pháp với mức thuế 0,5-1%, để nâng cao tính tuân thủ nghĩa vụ thuế của người dân.
Băn khoăn nhất hiện nay là chính sách thuế đối với những trường hợp chuyển nhượng nhà hình thành trong tương lai như các chung cư. Tại thông tư 113, Bộ Tài chính quy định hướng dẫn cụ thể: đối với hợp đồng chuyển nhượng nhà hình thành trong tương lai sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân 25% tính trên lợi nhuận. Trường hợp giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn giá đất, giá tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định nếu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh chi phí và giá chuyển nhượng thì cơ quan thuế ấn định giá chuyển nhượng và tính thuế 2% trên giá chuyển nhượng ấn định. Quy định này cho thấy cơ quan quản lý quan liêu là mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch được thực hiện khi nhà chưa có thì làm sao đã có giá tính lệ phí trước bạ. Tôi cũng không hiểu tại sao cơ quan thuế lại đưa ra quy định này.
* Ông Nguyễn Hoàng Hải (tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư chứng khoán VN):
Lỗ vẫn phải nộp thuế
Trong dự án Luật thuế thu nhập cá nhân vừa được Quốc hội thông qua, điểm mới là tới đây nhà đầu tư chứng khoán không phải đăng ký phương pháp nộp thuế mà kỳ tính thuế sẽ theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm. Có lần Bộ Tài chính đã giải thích quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được đảm bảo. Trong trường hợp thị trường sụt giảm, nếu bị lỗ thì nhà đầu tư sẽ không phải nộp thuế. Thế nhưng, chúng tôi không hi vọng quy định này có thể làm giảm được bức xúc của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Hay nói cách khác, những bức xúc của nhà đầu tư chưa được giải quyết. Vì vẫn hai phương pháp tính, một là 20% trên giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lý nếu chứng minh được, hoặc phương pháp hai là nộp 0,1% giá trị hợp đồng.
Phải nói riêng việc chứng minh các khoản chi phí, đối với nhà đầu tư cá nhân thì vô cùng khó hay có thể nói có chứng minh được thì cũng không thể được trừ. Cho nên, hầu hết nhà đầu tư buộc phải áp dụng tính thuế trên mỗi lần chuyển nhượng với phương pháp áp mức thuế 0,1% trên giá hợp đồng dù có bị thua lỗ.
Anh P.V.T. (người nộp thuế ở TP.HCM): Nên đơn giản thủ tục hoàn thuế Năm 2010 tôi có làm thời vụ ba tháng tại một công ty truyền thông và quảng cáo ở quận Phú Nhuận, công ty khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10%. Thu nhập trong năm 2010 của tôi chưa đến mức chịu thuế nên tôi được hoàn lại 1,8 triệu đồng. Năm 2012 tôi đi hoàn thuế thì chi cục thuế nơi tôi sinh sống không chịu hoàn thuế cho tôi với lý do “công ty đóng thuế ở đâu thì đến đó lấy”. Tìm hiểu, tôi được biết đối với thuế thu nhập cá nhân năm 2010 phải hoàn thuế ở nơi cư trú, nhưng nơi này không chấp nhận mà ra văn bản dẫn quy định hoàn thuế năm 2011, rồi yêu cầu tôi phải quay về cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị chi trả thu nhập cho tôi là Chi cục Thuế Phú Nhuận để nơi này giải quyết. Sau đó tôi lên Cục Thuế TP.HCM để khiếu nại, chính Cục Thuế thừa nhận cách giải quyết của chi cục thuế nơi tôi sinh sống sai, đồng thời chỉ đạo thẳng xuống nơi này thì tôi mới được giải quyết hoàn lại tiền thuế. Tổng cộng tôi mất ba tháng và 7-8 lần đi lại mới lấy được tiền hoàn thuế. Tôi kiến nghị lần sửa này cơ quan thuế nên chú ý đến sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục hoàn thuế sao cho đơn giản, thuận tiện, tránh việc mỗi năm mỗi thay đổi như hiện nay. |
LÊ THANH – ÁNH HỒNG
—————
Tuổi Trẻ 26-11-2012:
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/522145/Sua-luat-chua-han-da-xong.html
(327/1.531)