(VTV.vn) – Sau 1 thời gian rà soát, Phòng TM&CN Việt Nam đã chỉ ra 160 điều khoản trong Bộ luật Dân sự không còn phù hợp với thực tế, trong khi có những quan hệ phát sinh nhưng lại không có trong quy định của Luật.
Được ban hành vào năm 2005, VCCI cho rằng, Bộ luật Dân sự cần phải sửa đổi cho hợp lý với sự phát triển của xã hội. Bởi những bất hợp lý trong cách hiểu, cách thực hiện luật dân sự hiện nay đang tạo ra những thủ tục rườm rà và làm tăng thêm chi phí cho người dân.
Một bộ hồ sơ pháp lý của công ty mang mô hình mẹ – con, người đại diện pháp lý của công ty mẹ cũng là người đại diện pháp lý của công ty con. Nếu giao kết hợp đồng đầu tư mua bán tài sản với nhau, hai doanh nghiệp này sẽ không tiến hành được, vì vi phạm vào Khoản 5 Điều 144 Bộ Luật dân sự. Và để làm đúng luật thì họ phải uỷ quyền cho một người khác để giao dịch với chính mình.
Ông Trần Minh Hải, GĐ công ty Luật B. cho rằng: “Trong trường hợp này, dù anh có uỷ quyền cho cấp phó hay cho người khác, thì bản thân hợp đồng ấy được ký kết từ ý chí của người đại diện là người uỷ quyền cho người thay mặt ký hợp đồng. Suy ra, gốc ban đầu vẫn chính là anh đã can thiệp vào việc ký kết hợp đồng ấy rồi. Nếu hiểu đúng ra thì việc này vẫn là vi phạm”.
Một điểm nữa cho thấy Luật có độ vênh so với thực tiễn. Sổ đỏ được cấp cho các hộ gia đình, tuy nhiên khi các hộ gia đình mang sổ đỏ đi thế chấp vay tiền, Ngân hàng không biết phải giải quyết trường hợp này như thế nào? Bởi vì, trong Bộ Luật dân sự từ Điều 106 đến 110 không quy định thế nào là hộ gia đình, vì thế Ngân hàng và Phòng Công chứng đã phải tự mình đưa ra giải pháp, mà cốt chỉ nhằm giải quyết về mặt tâm lý, chứ không mang tính pháp lý.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Ngân hàng tìm mọi cách để hợp lý tối đa, bắt được nhiều người đến ký thì càng tốt. Đây cũng là điều phiền hà cho người thế chấp giao dịch”.
Tại cuộc hội thảo rà soát về Bộ luật dân sự do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức vừa qua, các chuyên gia trong ngành Luật đã cho rằng, nhiều quy định trong bộ Luật mang tính hình thức, nhiều khi lãng phí cho xã hội lại xuất phát từ các quy định.
Ông Nguyễn Huyền Cường, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Thành phố HN cho rằng: “Bộ luật Dân sự ra đời cách đây đã lâu rồi mà cuộc sống thì thay đổi liên tục, đặc biệt là quan hệ dân sự, có những quan hệ chưa được điều chỉnh hoặc là đã được điều chỉnh, nhưng chưa điều chỉnh 1 cách thấu đáo thì nó lạc hậu là đương nhiên”.
Bộ luật Dân sự ra đời đã gần 6 năm, dự kiến, Bộ luật dân sự sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội khóa 13 trong năm 2012.
Tác giả : Trần Hiền
————————————–
VTV.vn 23-9-2011:
http://www.vtv.vn/Article/Get/Bo-luat-Dan-su-Nhieu-dieu-khoan-khong-con-phu-hop–037bc54abd.html