238. Thấy gì qua vụ tranh chấp bảo lãnh trái phiếu giữa VVF và SeABank?

(ĐTCK) – Vụ tranh chấp giữa VVF và SeABank nếu đưa ra toà thì VVF cũng chưa chắc sẽ nắm phần thắng khi SeABank cho rằng, thư bảo lãnh được lập không đúng trình.

Tại cuộc họp báo do Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF) tổ chức hôm 28/11, đại diện VVF cho biết, Công ty đang tiếp tục đàm phán với các bên nhằm tìm ra giải pháp ôn hòa nhất để giải quyết vụ việc (xem ĐTCK số 143).

Việc này nhằm phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự ổn định hệ thống sản phẩm dịch vụ của ngành tài chính.

Trách nhiệm pháp nhân hay cá nhân?

Theo VVF, cho đến nay, việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn còn gặp nhiều ý kiến bất đồng trong việc phân định trách nhiệm theo các quy định của pháp luật và trách nhiệm trong quản lý nội bộ của SeABank. Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Sơn, luật sư của VVF liên tục đưa ra các bằng chứng bảo vệ tính hợp pháp của chứng thư bảo lãnh phát hành trái phiếu mà một Phó tổng giám đốc SeABank đã ký với các bên. Theo ông Sơn, VVF chỉ quan tâm đến tính pháp nhân của SeABank trong vụ việc, chứ không phải trách nhiệm cá nhân của vị phó tổng giám đốc đã ký bảo lãnh.

Luật sư của VVF cho biết, VVF chưa thực hiện quyết liệt đến cùng các biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình vì tin rằng, việc thỏa thuận với SeABank sẽ thành công. Đến thời điểm này, VVF chưa tính đến giải pháp đưa vụ việc ra tòa.

“Mong muốn của VVF là thu hồi được 150 tỷ đồng (VVF sở hữu 150 tỷ đồng trái phiếu do Vina Megastar phát hành, nhưng đơn vị phát hành mất khả năng thanh toán). SeABank phải làm việc với Vina Megastar để trả tiền cho VVF hoặc SeABank trả qua ủy thác cho Vina Megastar và đòi nợ công ty này sau”, ông Sơn cho hay và phủ nhận khả năng VVF bị lừa.

“Giấy ủy quyền (quyền Tổng giám đốc SeABank ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc được ký chứng thư bảo lãnh phát hành trái phiếu) đóng dấu đỏ SeABank, tiền của VVF cũng chuyển về tài khoản ngân hàng. Đối với VVF, không thể nói VVF bị cá nhân bà Giang lừa. Lừa đảo ở đâu tôi không biết, nhưng ở đây thì không”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, SeABank khẳng định, đây là vụ việc mang tính vi phạm cá nhân. Người ký thư bảo lãnh đã vi phạm quy trình phê duyệt bảo lãnh của Ngân hàng, không nhập vào hệ thống theo dõi sổ sách, cũng như không có phí bảo lãnh chuyển về cho Ngân hàng. Do đó, SeABank không chấp nhận thanh toán cho khoản bảo lãnh mà theo Ngân hàng là trái phép này và tiếp tục chờ kết luận của cơ quan điều tra.

 

Thiếu quy định rõ ràng để phân xử

Trên thực tế, loại tranh chấp nêu trên không phải xuất hiện lần đầu. Gần đây, hàng loạt vụ tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bảo lãnh phát hành giữa các ngân hàng và doanh nghiệp đã xảy ra. Theo thống kê sơ bộ, trong vòng 1 năm trở lại đây, Tòa án Việt Nam đã xử không dưới 20 vụ, trong đó Tòa kinh tế Hà Nội gần đây xử 3 vụ. Tình trạng này cho thấy, cùng với khó khăn của môi trường kinh doanh, quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp, giữa các tổ chức tài chính và doanh nghiệp ngày càng phát sinh những vụ việc tranh chấp phức tạp.

Trao đổi với ĐTCK, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nếu các bên không dàn xếp ổn thỏa, mà đưa vụ việc ra tòa án phân xử, thì tòa sẽ căn cứ vào nhiều điều luật, quy định để ra phán quyết. Tuy nhiên, do pháp luật trong lĩnh vực này có nhiều điểm chưa cụ thể, rõ ràng, nên gần đây có không ít vụ việc khi các ngân hàng quy trách nhiệm hình sự với các cá nhân, họ (ngân hàng) sẽ không phải thực hiện trách nhiệm bảo lãnh thanh toán.

Như vậy, vụ tranh chấp giữa VVF và SeABank nếu đưa ra toà thì VVF cũng chưa chắc sẽ nắm phần thắng, nhất là khi SeABank cho rằng, thư bảo lãnh được lập không đúng trình tự và họ không hề hưởng đồng phí bảo lãnh nào.

Vụ việc này đang đặt ra không ít vấn đề cần suy nghĩ với các tổ chức đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngay cả trong trường hợp được ngân hàng bảo lãnh thì đây cũng là thương vụ ẩn chứa không ít rủi ro cho bên mua trái phiếu. Thời điểm cuối năm 2011, trên thị trường bất động sản, Vina Megastar đã có không ít điều tiếng về việc dự án chậm tiến độ và bị đặt dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư trong nhiều dự án bất động sản. Đổ tiền cho những doanh nghiệp bất động sản như vậy chẳng khác nào bên mua trái phiếu “thả gà ra đuổi”.

Tại buổi họp báo, câu hỏi của ĐTCK dành cho VVF: “Thời điểm tháng 8/2011, thị trường bất động sản đang trượt dốc và bản thân Vina Megastar cũng đang rất ‘lùm xùm’, vì lý do gì mà VVF lại đầu tư vào trái phiếu của DN này?” chỉ nhận được câu trả lời chung chung từ vị luật sư: “VVF đã nghiên cứu rất kỹ cơ hội đầu tư và thực hiện chủ trương hỗ trợ cho thị trường bất động sản của Nhà nước”.

Một điểm đáng chú ý trong vụ tranh chấp giữa VVF và SeABank là sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước. Do cả VVF và SeABank đều là các tổ chức tín dụng, bởi vậy cơ quan quản lý không dễ để tình trạng căng thẳng giữa hai bên kéo dài, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các tổ chức tín dụng và sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có ý kiến về vụ việc này để các bên sớm có tiếng nói chung.

—————

Đầu tư Chứng khoán 01-12-2012:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/thay-gi-qua-vu-tranh-chap-bao-lanh-trai-phieu-giua-vvf-va-seabank-post21194.html

(100/1.120)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,674