(ĐN) – Trên nhiều tờ báo tuần qua đã đăng tải nội dung cuộc hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Đất đai 2003 và Luật Kinh doanh bất động sản” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 21-9. Nhiều ý kiến bức xúc xung quanh chính sách pháp luật và quản lý đất đai hiện nay rất đáng quan tâm. Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Quang và cộng sự, cho biết sau nhiều năm thực hiện Luật Đất đai đã nổi lên nhiều vấn đề mà ai cũng có thể nhìn thấy. Đó là tình trạng giá cả đất đai tăng chóng mặt và không bình thường. Quan hệ cung cầu về nhà ở tiếp tục mất cân đối khi thực tế nhà nhiều nhưng người dân không có tiền mua và nhà để trống trong khi người dân vẫn cứ thiếu chỗ ở. Vốn đầu tư của xã hội tập trung một cách mất cân đối vào khu vực bất động sản. Giảm quá nhiều đất nông nghiệp và đất trồng lúa, đồng thời với việc nông dân mất ruộng và bỏ ruộng. Tranh chấp và khiếu kiện về đất đai bùng nổ. Một tầng lớp đại gia hình thành từ đầu cơ, kinh doanh bất động sản do trục lợi từ cơ chế chính sách, góp phần làm rộng hơn khoảng cách giàu nghèo.
Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, chỉ ra nhiều “cái nhất kinh khủng” trong lĩnh vực đất đai. Đó là: lãng phí tài nguyên, công của nhiều nhất; lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất; giao dịch phi pháp, mập mờ nhiều nhất; kiện cáo nhức nhối, phức tạp nhiều nhất; hậu quả ngang trái, oan sai nhiều nhất; khuyến khích bội tín, lật lọng nhiều nhất; chống lại tử tế, lương thiện nhiều nhất. TS Phạm Thanh Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận xét: Dù rằng Điều 40 Luật Đất đai xác định mục đích phát triển kinh tế chỉ là “xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ” thì vẫn là không nên. Người dân có quyền hỏi: thế thu hồi đất nông nghiệp để cấp cho dự án sân golf thì vì mục đích cao cả nào vậy? Vì mở rộng tràn lan phạm vi thu hồi đất ra quá tầm kiểm soát như vậy nên không có gì lạ khi thu hồi đất đã trở thành tiêu điểm của phần lớn bất ổn xã hội và cũng là cơ hội tham nhũng cho một số quan chức.
Nhiều nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế và giới luật gia cho thấy, dường như đất đai đang trong trạng thái có chủ mà như vô chủ vô hình trung tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích “tranh thủ” lạm dụng tràn lan trong việc sử dụng quỹ đất. Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, của người giao lại quyền sử dụng đất và của nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng đất đai có hiệu quả; khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí và tham nhũng đất đai…”. (Trích văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, trang 212 – Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia năm 2011).
Đó cũng là một trong những yêu cầu bức thiết nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển lành mạnh, bền vững và đảm bảo an dân.
Xuân Phú
————————————-
Báo Đồng Nai 27-9-2011