240. “Loạn” quy hoạch sử dụng đất

(FE) – Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015).

Bức xúc vì sử dụng thiếu hiệu quả

Trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội khá bức xúc với tình trạng sử dụng đất không hiệu quả của đất xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, sân bay, cảng nước sâu, sân golf, khu nghỉ dưỡng.

Cụ thể, theo GS.TS. Đặng Hùng Võ, cả nước đến năm 2010 có 752 đô thị, trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 40 thành phố thuộc tỉnh trên diện tích 105.000 ha với số dân đô thị là 22,3 triệu người và theo chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 1,3 triệu ha hiện nay lên đến 2 triệu ha, tỷ lệ đô thị hoá sẽ tăng từ 29% hiện nay lên đến 45%. Phát triển đô thị cũng đặt ra nhu cầu sử dụng đất mỗi năm tăng thêm khoảng 70.000 ha.

Trong đất phát triển đô thị, đất ở tại đô thị cũng được các địa phương giao vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Quốc hội đã duyệt chỉ tiêu đất ở tại đô thị vào năm 2010 là 111 nghìn ha, Các địa phương đã giao tới 134 nghìn ha, vượt 120,72%.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước đang triển khai hơn 2.500 dự án nhà ở và khu đô thị mới. Lượng nhà ở mỗi năm tăng lên từ 20 tới 25 triệu m2. Một mặt, đây là một dấu hiệu tích cực. Mặt khác, đây chính là phân khúc hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản, đã mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chỉ tiêu quy hoạch này cũng cần được giám sát chặt chẽ để tránh mất cân đối cung – cầu trong thị trường nhà ở.

Cùng với đó, theo quy hoạch sân golf đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009, cả nước có 90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố. Trong 90 sân golf này, có 24 sân đang hoạt động, 25 sân đang triển khai xây dựng, 13 sân mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 23 sân đã được chấp nhận chủ trương đầu tư và 5 sân không khả thi bị đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.

Nhìn dưới góc độ sử dụng đất, chỉ có 13 chủ đầu tư sử dụng đất đúng mục đích, xây dựng đúng tiến độ và đúng quy hoạch chi tiết được duyệt, 46 chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chậm tiến độ hoặc sai quy định, 9 chủ đầu tư chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung thêm 28 sân golf với tổng diện tích đất 3.812 ha, nâng tổng số sân golf đến năm 2020 là 115 sân.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện 27 sân golf nằm ngoài danh mục quy hoạch đã được duyệt, trong đó, có 5 sân đang triển khai xây dựng, 5 sân đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước khi quy được duyệt.

Cùng với đó, vấn đề quy hoạch đất xây dựng cảng và sân bay cũng gây không ít dư luận. Thực tế, Việt Nam hiện có tới 266 cảng biển lớn, nhỏ. Trong số lượng cảng này hầu hết là cảng nhỏ và manh mún, năng lực tiếp nhận hàng qua cảng rất thấp so với cảng của các nước khác trong khu vực. Cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế thiếu rất nhiều. Từ tình trạng này, các địa phương ven biển đều hình thành dự án cảng nước sâu. Đến nay, dự án xây dựng cảng nước sâu được bung ra đến mức bất hợp lý.

Còn với sân bay, cả nước ta hiện có 22 sân bay, trong đó, 8 sân bay quốc tế và 14 sân bay nội địa đang hoạt động. Nhiều tỉnh chưa có sân bay hoặc đã có nhưng không còn hoạt động đều đang có dự án khôi phục hoặc xây dựng mới sân bay cho tỉnh mình. Điều này dẫn đến khả năng sử dụng đất một cách lãng phí cho xây dựng sân bay.

Cơ chế tạo tham nhũng

Xuất phát từ lý luận và thực tế cuộc sống đòi hỏi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai, song do sự thiếu minh bạch trong đền bù, bồi thường thu hồi đất và giao đất, những rào cản và những điều khoản mập mờ trong việc tiếp cận với quyền sử dụng đất của các DN và cá nhân đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa giá thị trường và giá đền bù của Nhà nước đã tạo cơ hội cho những ai nắm quyền chi phối đất đai tham nhũng. Và đó cũng là một căn nguyên khiến người dân bức xúc và khiếu kiện kéo dài suốt thời gian qua.

Thực tế, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp được đưa vào sử dụng đã vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép là một hiện tượng không lành mạnh. Cách làm này của các địa phương vừa gây khó khăn cho các khu công nghiệp, vừa dẫn tới những khó khăn về ô nhiễm môi trường cần phải giải quyết trong tương lai.

Mặc dù, đất cho DN vẫn thiếu nhưng đất không đưa vào sử dụng, đất nông nghiệp chuyển sang công nghiệp còn bỏ trống lại khá lớn. Theo Bộ TN& MT, cả nước hiện có 1.649 khu vực qui hoạch “treo” với tổng diện tích 244.665 ha, 1.288 dự án “treo” với tổng diện tích 31.650 ha do chậm giải tỏa mặt bằng. Nhiều DN có nhu cầu sử dụng đất lại phải đi thuê của các cá nhân, hộ gia đình với giá cao vẫn không thể tiếp cận với những quĩ đất bị “bỏ hoang”, những người nông dân thì thất nghiệp do mất đất và ít cơ hội chuyển nghề khác bởi hạn chế về khả năng và trình độ.

Theo ông Trương Thanh Đức- Giám đốc Công ty Luật ANVI, vấn đề gốc rễ căn bản của Luật Đất đai chính là phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, đừng “đánh tráo” khái niệm. Người sử dụng đất có tất cả các quyền liên quan đến đất, từ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cho đến quyền định đoạt, nhưng vẫn không được thừa nhận bản chất là quyền sở hữu.

Điều này dẫn đến chuyện mua bán đất đai rành rành, nhưng vẫn không được gọi là mua bán, mà phải vòng qua chuyển nhượng. Rõ ràng là thế chấp đất đai, nhưng vẫn phải viết là “thế chấp quyền sử dụng đất”. Đất đai là tài sản, mà tài sản và quyền tài sản là hai thứ khác biệt. Luật đã nhập nhằng giữa mua bán, thế chấp tài sản với mua bán, thế chấp quyền tài sản, dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài trong dân.

Đề cập vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN chia sẻ, một số địa phương cho thuê đất rừng rộng mênh mông, sân golf khắp nơi, khai khoáng tràn lan, thu hồi đất nông nghiệp tùy tiện, phá núi lấn biển thoải mái…, đất đai là lĩnh vực có tham nhũng hàng đầu, mà không ai phải chịu trách nhiệm.

(T.Hương)

—————————————–

eFinance Online 28-9-2011: 

http://www.taichinhdientu.vn/Home/Loan-quy-hoach-su-dung-dat/20119/116759.dfis\

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.894. Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn...

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn nhiều băn khoăn. (VOV.VN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,484