240. Luật trái luật

Luật trái luật

Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành điều hiển nhiên. Nhưng khi chính các luật và văn bản quy phạm pháp luật lại trái luật, doanh nghiệp và người dân biết dựa vào đâu?

Suốt từ 2014 đến 2016, tôi tham gia cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đấu tranh đòi bãi bỏ một thông tư. Nó đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Câu chuyện diễn ra từ 2009 đến 2016. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải trả chi phí thêm hàng trăm tỷ đồng cho việc kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may. Đó là tiền họ phải chi trả cho các tổ chức thử kiệm, giám định, chứng nhận chất lượng, dịch vụ lưu kho bãi… với hàng hóa của mình.

Thực tế, điều này không những không có tác dụng gì mà còn là sự đòi hỏi quá cao, ngay cả các nước văn minh cũng không yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu đựng việc vô lý này suốt bảy năm là do phải thực hiện theo Thông tư số 32/2009 và số 37/2015 của Bộ Công thương.

“Không thể hiểu nổi quy định này nhằm mục đích gì. Nó đã gây khốn khổ, tốn kém cơ man tiền bạc của chúng tôi” – một lãnh đạo doanh nghiệp nói với chúng tôi, rằng đòi hỏi về hóa chất trong sản phẩm dệt may của Bộ Công thương như trên không chỉ cao hơn các nước châu Âu, mà quan trọng là nó trái luật.

Quy định này trái với Luật Chất lượng hàng hóa năm 2007, nhưng mãi tới năm 2016, nó mới được bãi bỏ.

Các doanh nghiệp dệt may sẽ không bao giờ được bồi thường thiệt hại từ sai phạm đó. Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ cho phép doanh nghiệp khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trái luật, chứ không cho phép kiện văn bản quy phạm pháp luật.

Trong nhiều năm hành nghề luật sư, tôi gặp vô số đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật khác cũng bất cập từ gốc rễ. Chẳng hạn như Điều 64 về “Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai” của Luật Đất đai năm 2013 quy định: nếu nhà đầu tư chậm triển khai dự án được Nhà nước cho thuê đất thì sẽ bị thu hồi đất mà không bồi thường về cả đất và tài sản gắn liền với đất. Trên thực tế xử lý việc này vô cùng vướng mắc, vì tài sản dự án thuộc sở hữu hoàn toàn hợp pháp của nhà đầu tư, nếu thu hồi có thể sẽ là việc tịch thu tài sản không có căn cứ, thậm chí là vi hiến.

Hay là việc luật có các quy định trùng lặp dẫn đến người dân không biết phải thực hiện theo quy định nào. Ví dụ khái niệm “người có liên quan” từ năm 1997 đến 2018 liên tục “nhảy múa” theo sự thay đổi của việc sửa từng luật và hiện nó được quy định khác nhau trong đồng thời bốn đạo luật, gồm: Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Chỉ riêng năm ngoái, cả nước ban hành 40.350 văn bản quy phạm pháp luật, thì trong đó có tới 14% văn bản bị phát hiện có nội dung trái luật. Tính trung bình, mỗi ngày làm việc, các cơ quan nhà nước cho ra đời 22,3 văn bản trái luật. Đó là chưa tính các văn bản của Thủ tướng và Chính phủ trở lên đến Quốc hội chưa được ngành Tư pháp rà soát, kiểm tra. Một khi cả tỷ lệ tương đối và con số tuyệt đối văn bản trái luật đều quá nhiều, thật khó có thể chấp nhận khi ta theo đuổi nền tư pháp lành mạnh.

Tôi thử tự trả lời cho câu hỏi tại sao có tình trạng này. Nguyên nhân thứ nhất, theo tôi là ở tư duy, trình độ, nhận thức của đội ngũ công chức tham gia soạn thảo và ban hành văn bản. Họ chưa đủ tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong đó có hiện tượng các cấp chính quyền sa đà quá nhiều vào sự vụ, không còn thời gian và nguồn lực tập trung vào công tác xây dựng pháp luật.

Thứ hai là cơ chế đã cho phép quá nhiều cơ quan được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có tới 26 loại văn bản quy phạm pháp luật, do khoảng 10.871 cơ quan, cá nhân ban hành; 27 cơ quan ở Trung ương, khoảng 10.844 hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở ba cấp địa phương tỉnh, huyện, tới cả cấp xã.

Thứ ba, việc xác định và quy kết trách nhiệm vẫn không rõ ràng đối với các sai phạm trong việc ban hành văn bản. Mặc dù đã có quy định về “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành” trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng nội dung về “trách nhiệm” còn quá chung chung.

Thứ tư, việc xác định các nguyên tắc áp dụng pháp luật không hợp lý; lại không gắn với giải quyết hậu quả pháp lý và thiệt hại tài sản, nên ít hiệu quả, không gây được sức ép thay đổi. Đây là nguyên nhân luật sai từ gốc.

Với những quy định sai luật, người dân, doanh nghiệp là đối tượng đầu tiên gánh chịu hậu quả – mà có khi tính bằng đời người. Còn những cơ quan chức năng đã ban hành văn bản sai có gánh chịu gì hay không, tôi thật chưa nhìn thấy.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

———————————————————————————-

 (1.064/1.064)
Tham khảo

Luật sai từ gốc.

Một quy định sai điển hình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2003, đã bị bãi bỏ trong Luật năm 2008, nhưng lại được phục hồi trong Luật năm 2015, đó là, khi văn bản gốc hết hiệu lực, thì văn bản hướng dẫn cũng hết theo. Mục tiêu quy định này hướng tới là, văn bản hướng dẫn phải được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng với văn bản gốc, nhưng thực tế lại là điều không tưởng. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn chỉ có thể giảm bớt, chứ không thể chấm dứt trên thực tế. Quy định như vậy, đã dẫn đến tình trạng, văn bản cũ thì đã hết hiệu lực, văn bản mới thì chưa có, tự dưng đẩy người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước vào tình thế không biết phải làm thế nào. Chẳng hạn, khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01-7-2015 thì các nghị định, thông tư về đăng ký kinh doanh cũng hết hiệu lực. Nếu cứ theo nguyên tắc trên, thì có khoảng trống pháp luật 4 tháng, cho đến ngày 01-11-2015, khi Nghị định mới số 78/2015/NĐ-CP có hiệu lực. Thậm chí là đến tận ngày 15-01-2016 khi Thông tư thay thế số 20/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực.

Rồi nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có sự khác nhau là phải theo văn bản có hiệu lực cao hơn và theo văn bản ban hành sau. Điều này chỉ đúng với việc ban hành và áp dụng văn bản của Nhà nước để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Còn đối với người dân và doanh nghiệp thì lẽ ra phải theo nguyên tắc khác, nếu họ đã thực hiện theo đúng các quy định cụ thể thì dù là theo văn bản nào cũng phải được bảo vệ. Đáng tiếc là dù người dân đã thực hiện đúng quy định, nhưng không may đó là quy định trái luật (hầu như không thể biết), thì họ vẫn chịu thiệt hại đầu tiên và cuối cùng, mà nhà nước không chịu. Bởi trong lĩnh vực hành chính và dân sự, chưa có luật bồi thường oan sai như trong hình sự.

Với những quy định sai luật, cuối cùng thì người dân, doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu, cơ quan nhà nước ban hành không chịu trách nhiệm hoặc có chịu thì cũng như không. Vì Luật Tố tụng hành chính năm 2010 cũng như 2015 chỉ cho phép doanh nghiệp và công dân khởi kiện quyết định hoặc hành vi hành chính trái luật gây thiệt hại cho mình, chứ không cho phép kiện văn bản quy phạm pháp luật cho dù nó có trái luật. Do đó, các doanh nghiệp ngành dệt may đã phải chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do phải trả chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, amin thơm và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài trong khoảng 7 năm do phải thực hiện các Thông tư của Bộ Công thương trái với Luật Chất lượng hàng hóa năm 2007.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định nhiều nội dung thiếu thực tế, không hợp lý, thậm chí sai nguyên tắc, nên đã dẫn đến hệ thống văn bản được ban hành và áp dụng sai theo, cuối cùng là gây ra sự xung đột, chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí là bế tắc.

Luật Công đoàn năm 2012 quy định doanh nghiệp phải đóng 2% kinh phí cho Công đoàn, cùng với việc cán bộ công đoàn hầu như là người lao động làm thuê, ăn lương của chủ doanh nghiệp. Như vậy, thì đương nhiên vai trò của Công đoàn là hình thức vì không còn là đối trọng độc lập để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Ví dụ khái niệm “người có liên quan” được quy định khác nhau trong đồng thời 4 đạo luật là Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Doanh nghiệp năm 2014. Khi đó, Luật làm luật không quy định phải áp dụng theo quy định chuyên ngành, mà lại quy định áp dụng theo văn bản ban hành sau. Như vậy, cùng một vấn đề không nhẽ cứ nay theo luật này, mai lại theo luật khác? Rõ là phi lý khi chỉ riêng khái niệm “người có liên quan” trong cặp Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp thì phải lần lượt quay đi lật lại theo các năm như sau:

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——————

VNEpress (Góc nhìn) 21-08-2018:

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/luat-trai-luat-3795440.html

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,570