241. “Bàn tay” quản lý giá

(DĐDN) – Ủy Ban thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Giá đã nhận được nhiều ý kiến bởi đây là dự luật quan trọng – đặt ra những cơ chế, nguyên tắc quản lý giá, khắc phục có hiệu quả sự độc quyền và liên minh độc quyền về giá, tăng giá vô tội vạ đối với hàng hóa nhạy cảm như đất đai, xăng dầu, vàng…

Dự thảo Luật Giá có quy định DN phải kê khai giá,
niêm yết giá, song không quy định phải bán đúng giá niêm yết

 

Theo tờ trình của Chính phủ, sự cần thiết phải ban hành Luật Giá xuất phát từ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá.

Hành lang pháp lý về giá: “áo” quá chật

Pháp lệnh Giá hiện hành chưa khẳng định nguyên tắc nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước, chưa có quy định các cơ chế cạnh tranh về giá. Pháp lệnh Giá quy định về các biện pháp bình ổn giá, trong đó có việc “trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hóa – dịch vụ quan trọng thiết yếu khác” không rõ về phạm vi, mức độ nên bị coi là chưa thực hiện đúng cam kết với WTO.

Trong khi đó, các biện pháp bình ổn giá có hiệu quả để điều tiết mặt bằng giá lại chưa được quy định. Có những quy định trong Pháp lệnh Giá chưa rõ hoặc khó thực hiện như quy định về chống bán phá giá. Pháp lệnh Giá không quy định các tiêu chí cụ thể độc quyền về giá và biện pháp kiểm soát giá độc quyền…

Theo đánh giá của Chính phủ thì những bất cập trong quản lý giá từ trước tới nay của hệ thống pháp luật về giá dẫn đến thiếu cơ chế cụ thể kiểm soát có hiệu quả tình trạng tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật. Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng chưa được kiểm soát một cách thích đáng.

Giá một số hàng hóa, dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ theo mặt bằng giá thị trường, có loại còn bao cấp, bù chéo… làm “méo mó” hệ thống giá trong nước do không phản ánh đúng giá trị hàng hóa, dịch vụ dẫn đến thị trường ngầm, buôn lậu diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết.

“Bàn tay” vô hình và hữu hình

Dự thảo luật này, theo Chính phủ, đã sử dụng một cơ chế hỗn hợp cả “bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình” trong quản lý giá. Đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường và thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính phù hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, Chính phủ đưa ra quan điểm: Bảo đảm được sự can thiệp của Nhà nước về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường. Cụ thể là: Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về giá bằng pháp luật, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động về giá của thị trường. Nhà nước chỉ quy định giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ độc quyền, công ích để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường.

Từ đó, Chính phủ đề ra cơ chế quản lý giá là: “Cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”, đồng thời Chính phủ cũng khẳng định: Đây cũng có thể coi là sử dụng một cơ chế hỗn hợp cả “bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình” trong quản lý giá.

Với cơ chế này Chính phủ trình UBTVQH 2 nguyên tắc quản lý giá: Một là, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; bảo hộ và khuyến khích cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thông qua các cơ chế tôn trọng quyền tự định giá, thoả thuận giá, đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Hai là, Nhà nước thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính phù hợp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Làm sao để theo kịp cuộc sống ?

Nhìn chung, các ý kiến thảo luận nhất trí với điểm mới quy định trong dự thảo Luật Giá về chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi trao đổi với DĐDN, Luật sư Vũ Xuân Tiền, GĐ Cty tư vấn VFAM, cho rằng: dự thảo có quy định DN phải kê khai giá, niêm yết giá, song không quy định phải bán đúng giá niêm yết, như vậy DN hoàn toàn có thể niêm yết giá một đằng, bán giá một nẻo. Ông đề nghị bổ sung thêm hành vi chào giá hoặc báo giá cho người tiêu dùng quá cao, bất hợp lý trong trường hợp người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác đồng thời bỏ quy định cấm áp dụng phân biệt về giá khi cung cấp cùng một loại hàng hoá, dịch vụ cho các tổ chức cá nhân khác nhau bởi quy định này không thực tế, khi mà người mua khác nhau về số lượng, cự ly vận chuyển, thời gian thanh toán, mức độ tín nhiệm, thậm chí kể cả quan hệ cá nhân giữa hai bên mua – bán. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cần xem lại “căn cứ định giá” bởi căn cứ này chỉ áp dụng với những hàng hoá, dịch vụ phải định giá.

Nói như ông Đức, “Luật phải tạo ra hành lang pháp lý để các DN, người kinh doanh thực thi chứ không nên đặt ra những yêu cầu viển vông, xa vời, chỉ áp dụng với một vài DN và dẫn tới tình trạng đa số “phạm luật” do các quy định thiếu thực tế”.[1]

 

Khánh Ly

————————————–

Diễn đàn Doanh nghiệp 03-10-2011:

http://www.vcci.com.vn/tin-tuc/20111003065728133/ban-tay-quan-ly-gia.htm

[1]   Câu này phát biểu tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Giá do VPCP và VCCI tổ chức ngày 07-6-2011. Đăng trên Báo Sài Gòn tiếp thị 08-6-2011, Báo Tuổi trẻ treo 1 tuần trên Mục “Mỗi ngày một câu nói”.

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/441603/Luat-phai-tao-ra-hanh-lang-phap-ly.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,124