(ANVI) – Hội thảo Trung cấp Luật Thái Nguyên Thái Nguyên 12-5-2015
BÌNH LUẬN DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ DỰ THẢO NGÀY 19-4-2015[1]
Bình luận 8 vấn đề về Dự thảo Bộ luật Dân sự ngày 19-4-2015, đã được chỉnh lý sau khi lấy ý kiến nhân dân.
- Dự thảo dự định không quy định về các quyền nhân thân dưới đây (mặc dù đã được quy định trong Dự thảo lấy ý kiến nhân dân):
- Điều 43 về “Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”;
- Điều 44 về “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”;
- Điều 45 về “Quyền tự do đi lại và cư trú”;
- Điều 46 về “Quyền lao động”;
- Điều 47 về “Quyền tự do kinh doanh”;
- Điều 48 về “Quyền tiếp cận thông tin”;
- Điều 49 về “Quyền lập hội”;
- Điều 50 về “Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo”.
Lý do không quy định được giải thích rằng, đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và luật riêng là không thoả đáng vì các lý do sau đây:
- Hiến pháp là quy định về quyền con người và quyền công dân. Bộ luật Dân sự quy định về quyền nhân thân;
- Là những quyền dân sự cơ bản, quan trọng, phổ biến, nếu không được đề cập đến trong Bộ luật Dân sự, thì là một sự khiếm khuyến nghiêm trọng;
- Nhiều quyền chưa có luật riêng, như “Quyền tiếp cận thông tin”, “Quyền lập hội”,…;
- Các quyền còn để lại trong Bộ luật Dân sự nhưng sau này được quy định cụ thể trong các Luật khác, thì có tiếp tục được bỏ ra khỏi Bộ luật Dân sự hay không?;
- Nếu không đưa các quyền trên vào Dự thảo Bộ luật Dân sự lấy ý kiến nhân dân, thì rất có thể đa số ý kiến sẽ yêu cầu đưa vào;
- Không giải thích được tại sao nhiều quyền khác cũng đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và luật riêng nhưng vẫn được quy định nhắc lại trong Bộ luật như nêu tại điểm 1.3 dưới đây:
Các quyền nhân thân dưới đây, mặc dù cũng đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và luật riêng, nhưng vẫn được đưa vào Dự thảo Bộ luật Dân sự:
- Điều 35 về “Quyền đối với quốc tịch”: Đã được quy định tại Điều 17, Hiến pháp; Luật Quốc tịch năm 2008;
- Điều 37 về “Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể”: Đã được quy định cụ thể tại Điều 19 và 20, Hiến pháp; Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009,…
- Điều 38 về “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín”: Đã được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 20, khoản 1, Điều 21, Hiến pháp;
- Điều 39 về “Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể và hiến xác”: Đã được quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 20, Hiến pháp; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006;
- Điều 41 về “Quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”: Đã được quy định cụ thể tại Điều 21, Hiến pháp; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Viễn thông năm 2009; Luật Bưu chính năm 2010; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014,…
- Điều 42 về “Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình”: Đã được quy định cụ hêt tại Điều 36, Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Bên cạnh đó, Điều 40a về “Quyền chuyển đổi giới tính”: Đề nghị theo Phương án 1 “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật.”, vì đây là một yêu cầu tất yếu của cuộc sống, không thể phủ nhận. Không quy định theo Phương án 2 “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính.”
- Vì vậy, đề nghị quy định đầy đủ mọi quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự. Vấn đề chỉ là kỹ thuật thể hiện để bảo đảm bao quát và trách trùng lặp với các điều khoản đã và sẽ được quy định trong các đạo luật khác.
- Điều 51 về “Nơi cư trú”; Điều 52 về “Nơi cư trú của người chưa thành niên”; Điều 53 về “Nơi cư trú của người được giám hộ”; Điều 54 về “Nơi cư trú của vợ, chồng”; Điều 55 về “Nơi cư trú của quân nhân” và Điều 56 về “Nơi cư trú của người làm nghề lưu động” tương tự như quy định của Bộ luật hiện hành đã được nhắc lại gần như nguyên văn tại các điều tương ứng, từ Điều 12 đến Điều 17, Luật Cư trú năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013). Nay Dự thảo vẫn giữ nguyên, dẫn đến tình trạng tiếp tục bị là trùng lặp hoàn toàn với Luật Cư trú.
- Vì vậy, đề nghị Dự thảo Bộ luật này chỉ thiết kế 1 điều khái quát về nơi cư trú, còn nội dung cụ thể thì viện dẫn đến Luật Cư trú.
- Về con dấu của pháp nhân (không quy định):
- Dự thảo quy định 26 điều về pháp nhân (từ Điều 89 đến Điều 114), nhưng không có quy định nào về con dấu của pháp nhân. Trong khi các pháp nhân công ty (và cả doanh nghiệp tư nhân) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 sẽ được tự quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu thì các pháp nhân tư cũng cần được áp dụng cơ chế tương tự. Chẳng hạn công ty Luật thành lập và hoạt động theo Luật Luật sư, Hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã,…
- Vì vậy, cần có một điều quy định về con dấu của pháp nhân theo hướng mở không bắt buộc phải khắc dấu, quản lý và sử dụng con dấu như đối với các pháp nhân công.
- Về tài sản hình thành trong tương lai (Điều 124a):
- Khoản 2, Điều 124a về “Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai” quy định:
“2. Tài sản hình thành trong tương lai là bất động sản hoặc động sản chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác sau thời điểm xác lập giao dịch.
Việc xác định tài sản hình thành trong tương lai do luật có liên quan quy định.”
Quy định trên không thống nhất với quy định tại khoản 4, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: “4. Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.” và khoản 19, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Nhà ở năm 2014: “19. Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.”
Như vậy nhà, nhà ở và công trình xây dựng “đã hình thành”, đồng thời “đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng” và “chủ thể xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác sau thời điểm xác lập giao dịch” (chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu), thì lại được xác định hoàn toàn khác nhau:
- Dự thảo Bộ luật Dân sự thì xác định đó là tài sản hình thành trong tương lai;
- Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở thì lại xác định đó không phải là tài sản hình thành trong tương lai.
- Vì vậy đề nghị sửa lại quy định trên của Dự thảo Bộ luật theo hướng bao quát và không mâu thuẫn với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở năm 2014.
- Về hình thức giao dịch dân sự (Điều 136 và 145):
- Điều 136 về “Hình thức giao dịch dân sự” quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.” Điều 145 về “Giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức” (tương tự là quy định tại Điều 135 của Bộ luật Dân sự hiện hành) quy định:
“1. Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ nhưng các bên đã thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch và một hoặc các bên có yêu cầu thì Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch.
Trường hợp các bên chưa thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch thì Toà án ra quyết định về việc cho phép một hoặc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn hợp lý, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch bị vô hiệu.”
Theo các quy định trên thì hình thức giao dịch dân sự chỉ gồm 3 loại: lời nói, văn bản và hành vi. Điều đó có nghĩa là, các quy định về hiệu lực của giao dịch không tuân thủ quy định về hình thức là không bao gồm việc công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, thực tế lại đang được hiểu và áp dụng theo hướng hình thức giao dịch là bao gồm cả công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch.
Ngoài ra, “hình thức giao dịch” nói trên lại khác với “hình thức giao dịch” được nêu tại khoản 1, Điều 494 về “Họ, hụi, biêu, phường” như sau: “1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản…”.
- Vì vậy, đề nghị quy định rõ “Trường hợp luật quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là phải bằng văn bản” (không có quy định nào về việc điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là phải bằng lời nói hay hành vi) để tránh việc nhầm lẫn sang yêu cầu về công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch.
- Về hậu quả pháp lý của giao dịch không tuân thủ quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch (Điều 145, 344, 428, 528):
- Dự thảo Bộ luật đã quy định rõ về hậu quả pháp lý vô hiệu trong trường hợp giao dịch không tuân thủ về hình thức. Tuy nhiên, lại không có quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp giao dịch không tuân thủ về thủ tục công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch trong các trường hợp sau:
- Vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 344 về “Thế chấp tài sản”: “ Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng chính. Trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng hoặc đăng ký.”;
- Vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 482 về “Tặng cho bất động sản”: “ Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.”;
- Vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 528 về “Hợp đồng hợp tác” “ Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản; trường hợp pháp luật quy định thì hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực.”;…
- Vì vậy, Dự thảo Bộ luật cần quy định rõ về hậu quả pháp lý (vô hiệu hay không vô hiệu) trong trường hợp vi phạm về yêu cầu bắt buộc công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch tương tự như đối với trường hợp không tuân thủ quy định về hình thức giao dịch dân sự.
- Khoản 3, Điều 491 về “Lãi suất” quy định “ Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác.” Quy định “Không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản” thì có thể hiểu theo 2 cách khác nhau, đó là tối đa bằng 200% lãi suất cơ bản và tối đa bằng 300% lãi suất cơ bản. Nếu hiểu là tối đa bằng 200% lãi suất cơ bản, thì là quy định quá xa thực tế hàng chục năm nay. Lãi suất cho vay trong giao dịch kinh tế, dân sự nói chung, cho vay cầm đồ nói riêng và kể cả của một số tổ chức tín dụng hiện nay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua, thì cũng vẫn tương đối phổ biến ở mức 50 – 70%/năm, trong khi theo quy định của Dự thảo Bộ luật thì chỉ có 18%/năm. Ngược lại, quy định tại khoản 5, Điều 489 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay” thì lại quá cao: “5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Đặc biệt thực tế nhiều năm nay, nếu cho vay vượt 150% mức lãi suất cơ bản cho đến mức dưới 10 lần mức lãi suất cao nhất do pháp luật quy định thì hoàn toàn không bị xử phạt hành chính. Thậm chí vượt quá 10 lần lãi suất cao nhất nhưng chưa “có tính chất chuyên bóc lột” thì cũng không bị xử phạt.
- Vì vậy, đề nghị quy định theo một trong 2 phương án sau:
- Phương án 1: Không quá 30%/năm và giao cho Chính phủ điều chỉnh khi cần thiết;
- Phương án 2: Tối đa bằng 300% lãi suất cơ bản (tức hiện nay là 9 x 3 = 27%/năm);
- Riêng lãi suất phạt thì không quá 120% lãi suất trong hạn (Phạt vi phạm trong thương mại và xây dựng tối đa chỉ là 8 và 12% phần giá trị bị vi phạm).
- Từ ngữ, bố cục và kỹ thuật soạn thảo:
- Nhận xét chung:
- Còn khá nhiều từ ngữ, bố cục, kỹ thuật soạn thảo không thống nhất, không hợp lý.
- Dưới đây chỉ là một số ví dụ nhặt được trong quá trình tra cứu các vấn đề khác.
- Tên chương và tên mục:
- Chương 1 là “Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản và áp dụng pháp luật dân sự”, gồm có 3 vấn đề, được chia thành 2 mục. Tuy nhiên tên 2 mục lại không khớp với tên chương. Cụ thể Mục 2 là “Áp dụng pháp luật dân sự”, thì Mục 1 sẽ phải là phần còn lại “Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”. Nhưng tên Mục 2 lại là “Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” (thừa “của Bộ luật Dân sự” và chữ “các”)
- Vì vậy, đề nghị rà soát lại các tên chương, mục, điều tương tự để bảo đảm tính lô gic và thống nhất.
- Đoạn văn không thuộc khoản nào (Điều 13,…):
- Điều 13 về “Căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự” có 10 khoản. Tuy nhiên trước đó lại có câu sau “Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:” không thuộc khoản nào trong điều luật được bố cục theo khoản điểm
- Vì vậy, đề nghị rà soát lại vài chục điều tương tự để loại bỏ toàn bộ các đoạn văn không nằm trong bất cứ trật tự bố cục nào (bằng cách bỏ hẳn đi hoặc sửa tên điều hoặc sửa lại bố cục các khoản, điểm).
- “Cơ quan” và “tổ chức” (các điều 20, 36,…):
- Dự thảo Bộ luật nhiều lần nhắc đến cơ quan, tổ chức, như Điều 20 về “Hủy bỏ quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức”; đoạn 2, khoản 2, Điều 36 về “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” quy định: “Trong trường hợp vì lợi ích công cộng, vì sự nghiệp nghệ thuật, tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hình ảnh của người khác,…”
- Đề nghị thay từ “cơ quan”, “tổ chức” bằng “pháp nhân”, vì chỉ có cả nhân và pháp nhân mới là chủ thể pháp lý chịu trách nhiệm dân sự. Cơ quan, tổ chức chỉ được phép tham gia quan hệ dân sự với tư cách của pháp nhân. Nếu không phải là pháp nhân, thì phải tham gia với tư cách cá nhân.
- 1 hay 2 điều quy định về họ tên (các điều 31 và 32):
- Nhìn chung, quyền nhân thân bao gồm quyền phát sinh ban đầu và quyền thay đổi, như “Quyền đối với quốc tịch” hay “Quyền xác định dân tộc”,… Mỗi quyền đó được thiết kế thành một điều luật. Tuy nhiên riêng họ tên lại được thiết kế thành 2 điều, đó là Điều 31 về “Quyền đối với họ, tên” và Điều 32 về “Quyền thay đổi họ tên”.
- Vì vậy, đề nghị chỉ thiết kế 1 điều về “Quyền đối với họ tên”, trong đó bao gồm cả quyền xác định họ tên và quyền thay đổi họ tên hoặc nếu giữ nguyên thiết kế 2 điều thì cần sửa tên điều thành “Quyền xác định họ tên” và “Quyền thay đổi họ tên”.
- “Luật phá sản” và “pháp luật về phá sản” (các điều 112 và 113):
- Điều 112 về “Phá sản pháp nhân” quy định “Việc phá sản pháp nhân, thanh toán tài sản của pháp nhân bị tuyên bố phá sản và chấm dứt pháp nhân do bị tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của Luật phá sản.” Nhưng đến điểm b, khoản 1, Điều 113 về “Chấm dứt pháp nhân” lại quy định một trong các trường hợp chấm dứt pháp nhân là “Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.”
- Vì vậy, đề nghị quy định thống nhất theo “pháp luật về phá sản, vì Luật phá sản hiện hành chỉ quy định phá sản doanh nghiệp và hợp tác xã, mà không bao gồm tất cả các pháp nhân (nhưng lại có doanh nghiệp tư nhân).
- “Giao kết” và hoặc “thực hiện” hợp đồng (Điều 364):
- Khoản 1, Dfd 364 về “Đặt cọc” quy định: “ Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.” Việc đặt cọc có thể nhằm bảo đảm cho cả việc giao kết và hoặc thực hiện hợp đồng, chứ không chỉ có hoặc là để giao kết hoặc là để thực hiện hợp đồng.
- Vì vậy, đề nghị sửa từ “hoặc” trong cụm từ “để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng” thành dấu phảy để cho đúng với bản chất vấn đề và tránh xảy ra tranh chấp phức tạp trên thực tế.
- “Mai táng”, “hoả táng” và “an táng” (các điều 375b, 614, 684):
- Khoản 2, Điều 375b về “Quyền được thanh toán trước chung” quy định một trong các trường hợp được áp dụng quyền được thanh toán trước chung là “Chí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng”. Tương tự là quy định tại Điều 614 và 684). Mặc dù hầu hết các đạo luật đang sử dụng từ “mai táng”, nhưng đó là điều không chính xác, không bảo đảm tính bao quát. Chính vì thế, nên một số đạo luật đã sử dụng từ “hoả táng” bên cạnh “mai táng” hoặc từ khác là “an táng”, như:
- Khoản 10, Điều 8 về “Những hành vi bị nghiêm cấm”, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 đã quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS” và Điều 84 về “Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã phân biệt giữa mai táng và hoả táng;
- Khoản 1, Điều 84 về “Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định “ Khu mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu sau:”;
- Khoản 8, Điều 37 về “Nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị”, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã quy định: “ Quy hoạch nghĩa trang bao gồm việc xác định nhu cầu an táng, vị trí, quy mô và ranh giới nghĩa trang, phân khu chức năng, bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật và khoảng cách ly vệ sinh của nghĩa trang.”;
- Khoản 2, Điều 162 về “Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa”, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định: “ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa bảo đảm tiết kiệm và có chính sách khuyến khích việc an táng không sử dụng đất.”
- Vì vậy, đề nghị sửa từ “mai táng” tại các điều nói trên thành từ “an táng”.
- “Bên kia”, “hai bên” và “các bên” (Điều 443):
- Điều 443 về “Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản” có 1 lần nhắc đến cụm từ “bên kia”, 2 lần nhắc đến cụm từ “hai bên” và 4 lần nhắc đến cụm từ “các bên”. Ví dụ, một trong các điều kiện điều chỉnh hợp đồng là “Hoàn cảnh thay đổi và rủi ro phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh không phải do lỗi của một bên hoặc cả hai bên” hoặc “theo yêu cầu của một bên hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định chấm dứt hợp đồng…”
- Vì vậy, đề nghị thống nhất sử dụng cụm từ “các bên”, vì hợp đồng có thể có nhiều hơn “hai bên”, và không chỉ có “bên này” và “bên kia”.
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070
[1] Bài thứ 26 trong loạt bài tham gia xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.