Nghìn tỷ thẻ cào
Một buổi chiều năm 2016, người bạn tôi nhận được tin nhắn qua Facebook Messenger từ tài khoản của người chị họ đang sống ở Hong Kong. Người chị kể đang khó khăn quá, cần vay một ít tiền. Chị có món nợ mà nếu không trả ngay, xã hội đen dọa bắt cóc cậu con trai đang học mẫu giáo.
Thương người chị ở xa, bạn tôi quýnh quáng hỏi phải làm thế nào. Người kia hướng dẫn, ra cửa hàng điện thoại mua 30 triệu đồng tiền thẻ cào Mobifone và Vinafone, cào lấy mã số, gửi vào “inbox” này. Bạn tôi ngay lập tức đi mua thẻ.
Trong bữa cơm, bà kể chuyện với chồng, ông tá hỏa: “Trời ơi, em bị nó lừa rồi. Tụi nó là bọn lừa đảo”. Bạn tôi gọi sang cho người chị ở Hongkong thì mới hay trang cá nhân của chị bị hack mấy hôm nay.
Nửa năm sau, công an quận Cầu Giấy gọi chị lên lấy lại lời khai. Họ cho biết đã khởi tố vụ án “lừa đảo” và vụ việc này có liên quan đến một đường dây đánh bạc trên Internet. Hai kẻ đã tấn công trang cá nhân của người bên Hong Kong được xác định là sống ở Quảng Trị. Tuy nhiên, đến bây giờ bạn tôi cũng không được nhận lại số tiền đã mất.
Sau này, chúng tôi mới biết hàng trăm người đã bị lừa bằng hình thức mua thẻ cào nhắn mã số trong những năm qua. Chiêu trò lừa đảo này vô cùng phổ biến nhưng vẫn liên tục có nhiều người bị mắc bẫy. Cuối năm ngoái, lại một người quen của tôi bị lừa mất 6 triệu đồng mua thẻ điện thoại cho một người bạn đang đi du lịch ở nước ngoài.
Vụ án đánh bạc trực tuyến lớn đang bị xét xử tại Vĩnh Phúc, mà mỗi phiên xét hỏi bóc ra một lớp áo của tội phạm lợi dụng phương tiện thẻ cào. Nó khiến chúng ta không khỏi thắc mắc, liệu còn bao nhiêu đường dây lợi dụng những chiếc thẻ cào để phạm tội qua mạng?
Điểm chung giữa những vụ lừa đảo trị giá vài triệu đồng qua tin nhắn Facebook và một đường dây đánh bạc hàng chục nghìn tỷ đồng, có cùng xuất phát điểm: thẻ cào điện thoại có thể được dùng làm công cụ thanh toán, một vật ngang giá không chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Thẻ cào vốn sinh ra với mục đích phục vụ cho các dịch vụ viễn thông chứ không phải để làm dịch vụ thanh toán. Nhưng trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ, cáo trạng xác định, các nhà mạng viễn thông đã hưởng lợi hơn 1.000 tỷ đồng từ đường dây đánh bạc, chủ yếu nhờ hoạt động thanh toán.
Ngạc nhiên ở chỗ, trước Toà, cả ba bộ, ngành liên quan là Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước, đều từ chối trách nhiệm quản lý phần thanh toán của thẻ cào. Bộ Thông tin – Truyền thông cho rằng việc cho phép sử dụng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông để thanh toán cho dịch vụ game bài RikVip/Tip.Club thuộc phạm vi của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương. Còn Bộ Công thương lại khẳng định việc cung cấp phạm vi sử dụng, thẩm quyền cấp phép và trách nhiệm quản lý đối với thẻ cào viễn thông, thẻ game là “lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Thông tin – Truyền thông”. Ngân hàng Nhà nước thì gửi công văn cho rằng, họ chỉ quản lý thẻ ngân hàng.
Việc “trái bóng” thẻ cào bị chuyền qua lại giữa các bộ cho thấy vấn đề đầu tiên của câu chuyện, là pháp luật đã không tường minh. Hệ thống luật pháp về dịch vụ thông tin và ngân hàng đã bỏ lọt hoàn toàn hình thức thanh toán này. Cho đến nay, vẫn không có bất kỳ quy định nào đối với việc thanh toán thông qua các loại thẻ cào. Thực tế, vẫn đang có nhiều dịch vụ được thanh toán bằng thẻ cào mà không thấy cơ quan nào lên tiếng. Còn người dân và doanh nghiệp thì chỉ biết dựa vào nguyên lý cơ bản lâu nay: cái gì không cấm thì được làm.
Khi sự đã rồi, cần phải có thái độ ứng xử rõ ràng, thì các cơ quan lại không phân định được nhiệm vụ và quyền hạn quản lý nhà nước. Vì vậy, bên nhà mạng thì khăng khăng chỉ quản lý thẻ nạp chứ không quan tâm đến việc vi phạm hay không vi phạm các quy định thanh toán; còn phía ngân hàng thì chỉ quản lý hoạt động thanh toán chứ không quan tâm đến việc quản lý thẻ cào, vì nó không phải là phương tiện thanh toán.
Nếu mỗi bên khăng khăng “ôm” một cái lý như vậy, khó mà tránh khỏi tình trạng nhà mạng thì vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng, còn các tổ chức tín dụng thì vi phạm Luật Phòng chống rửa tiền. Khi lỗ hổng to tướng ấy chưa được lấp, thì người dân, doanh nghiệp tiếp tục không biết thế nào là đúng, sai và khi nào mình có thể vi phạm các tội về an ninh trật tự xã hội như đánh bạc, rửa tiền, vi phạm hoạt động ngân hàng…
Phiên tòa vẫn tiếp tục, những tình tiết vi phạm sẽ còn lộ sáng và sự nhức nhối có thể rõ hơn. Những khoản thu lợi bất chính từ nhà mạng và ngân hàng có thể bị thu hồi. Nhưng công lý đòi hỏi câu trả lời rằng, cơ quan nào và những ai chịu trách nhiệm với lỗ hổng này?
Những vụ lừa đảo nêu ở đầu bài này sẽ gần như không thể diễn ra nếu như kẻ phạm tội không lập tức sử dụng thẻ cào để “chi tiêu” hay thanh toán được cho việc khác, mà chỉ sử dụng để chi trả dịch vụ viễn thông. Người dân đợi một lời giải sớm về ranh giới đúng, sai của hành vi sử dụng thẻ cào. Khi cơ quan công quyền chưa lên tiếng thì sẽ còn nhiều nạn nhân bị lừa qua mạng, hay cả những người vì “cả tin” mà trở thành tội phạm như một số bị cáo ở phiên tòa đang diễn ra.
Tôi vẫn ám ảnh với câu trả lời của bị cáo Anh Tuấn khi luật sư hỏi: “Các nhà mạng đã quản lý thẻ cào chặt chẽ đã chưa?”
“Nếu chặt chẽ thì giờ bị cáo đã không ngồi ở đây”, ông Tuấn đáp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——————
VNExpress (Góc nhìn) 18-11-2018:
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/that-ao-the-cao-3841021.html