244a. Tín dụng 2012: Chặt chẽ và có trọng điểm

(TN) – Tín dụng 2012 sẽ chặt chẽ và có trọng điểm tránh tình trạng cào bằng chỉ tiêu tăng trưởng, hạn chế nhất định sự phân bổ nguồn vốn trong hệ thống.

Đó là định hướng hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2012 sẽ được Ngân hàng Nhà nước thông báo chính thức vào khoảng đầu tháng 11/2011.

Điểm nổi bật trong định hướng là các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ được xác định phù hợp với trạng thái hoạt động của từng ngân hàng để tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, ở chỉ tiêu tổng thể, có thể Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định một giới hạn nhất định, nhưng với mỗi tổ chức tín dụng sẽ có sự linh hoạt phù hợp với yêu cầu và thực tế hoạt động của tổ chức đó.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát để công bố một số đối tượng không nằm trong danh mục các ngành phi sản xuất, tạo điều kiện về lãi suất cho vay.

Trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng của hệ thống cả năm là dưới 20%. Đây cũng là giới hạn áp dụng chung cho tất cả các tổ chức tín dụng. Nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua đã có ý kiến cần xem xét lại quy định này, do đặc thù hoạt động của mỗi thành viên là khác nhau.

Giới hạn tăng trưởng tín dụng dưới 20% không phù hợp với một số ngân hàng thương mại vừa tăng mạnh vốn điều lệ, quy mô vừa mở rộng trong khi dư nợ trong năm 2010 ở mức thấp nên cần một mức tăng trưởng cao hơn để cân đối. Có thành viên đã đề xuất được tăng trưởng tới 100% hoặc 50%; hay từ đầu năm nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng trưởng dự kiến cao hơn nhiều so với giới hạn đó theo yêu cầu cân đối trong kinh doanh nhưng buộc phải điều chỉnh lại…

Bên cạnh đó, với giới hạn tăng trưởng tín dụng cào bằng như vậy, có những ngân hàng có các hệ số an toàn cao, tiềm lực vốn mạnh nhưng không thể đẩy mạnh cho vay dẫn đến hạn chế sự phân bổ nguồn lực vốn trong hệ thống.

Chuyên gia Trương Thanh Đức – Hiệp hội Ngân hàng VN cho rằng, việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm là cần thiết, nhưng giảm theo cách cào bằng giữa các ngân hàng như hiện nay sẽ bất lợi cả cho ngành ngân hàng và nền kinh tế.

Điều chỉnh tăng trưởng tín dụng (TTTD), một trong những biện pháp kiểm soát lạm phát, nhưng ngoài hạn chế quy mô TTTD, đòi hỏi kiểm soát nhiều lĩnh vực khác, như giảm đầu tư công. Mục tiêu giảm TTTD là cần thiết, nhưng giảm theo cách cào bằng giữa tất cả các ngân hàng (NH) như hiện nay thì lại là vấn đề. Nó sẽ gây bất lợi cho ngành NH và cả nền kinh tế, nếu chỉ khống chế bằng con số, mà không nhằm tới hiệu quả dịch chuyển của dòng tiền cũng như tăng chất lượng tín dụng.

Việc giảm TTTD là rất khó cho các NH, bởi phải chịu sức ép về yêu cầu tăng trưởng và tỷ lệ cổ tức tính trên số vốn điều lệ, mà số vốn này hiện tăng lên rất lớn. Mặt khác, nhu cầu vay vốn của DN đang rất lớn. Do đó, các NH cũng phải chạy đua mở chi nhánh, lôi kéo khách hàng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lãi suất cao thêm, chất lượng tín dụng không bảo đảm.

Theo Chuyên gia Trương Thanh Đức, sở dĩ có tình trạng này là do sự dồn nén bất cập trong nhiều năm, từ việc thiếu định hướng chuẩn, cơ chế không dứt khoát … đến việc sử dụng quá nhiều biện pháp chỉ đạo hành chính thay cho công cụ thị trường. Cụ thể, muốn giảm TTTD để giảm lạm phát, thì phải chấp nhận tăng lãi suất, chứ không thể đề cao cả hai mục tiêu giảm lạm phát đồng thời với yêu cầu giảm lãi suất. Tín dụng NH là hoạt động kinh tế thị trường điển hình, vì vậy muốn điều chỉnh nó, cần phải ưu tiên sử dụng các công cụ kinh tế, chứ không nên khống chế cụ thể con số tăng trưởng, lãi suất huy động và cho vay.

Chuyên gia Trương Thanh Đức cho rằng, việc giảm TTTD đồng thời liên quan đến lãi suất, chất lượng tín dụng. Một mặt, lãi suất cao hơn sẽ giúp loại bớt các phương án kinh doanh có hiệu quả thấp, cho vay ít hơn, đòi hỏi sự sàng lọc, lựa chọn khách hàng có chất lượng hơn và có điều kiện quản lý khoản vay tốt hơn. Xét như vậy, chất lượng tín dụng sẽ tốt hơn nhưng ở mặt khác, lại không đơn giản như vậy. Giảm dư nợ lập tức làm tăng nợ quá hạn, nợ xấu. Nợ xấu luôn có độ trễ từ 6 tháng đến một vài năm so với dư nợ. Vì vậy tăng trưởng càng nhanh, dư nợ càng lớn thì nợ xấu càng thấp. Nợ xấu chỉ tăng nhanh nếu dư nợ tăng chậm hoặc dừng lại. Tăng trưởng trước đây là 40%, bây giờ là dưới 20%, mức nợ xấu sẽ rất lớn vào năm sau. Nợ xấu tăng, đương nhiên NH bị ảnh hưởng, nguy cơ DN bị thua lỗ và phá sản cao, nền kinh tế phải gánh hậu quả.

 

Thanh Anh

————————————

Tầm nhìn 07-10-2011:

http://tamnhin.net/tieu-diem/15318/Tin-dung-2012-Chat-che-va-co-trong-diem.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.894. Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn...

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn nhiều băn khoăn. (VOV.VN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,510