Ghê thế chấp hàng
(ANVI) – Thế chấp hàng hóa để vay vốn ngân hàng trên khắp nhân gian là chuyện miễn bàn vì thuộc dạng phổ biến, thường xuyên, ưu tiên, tiện lợi đủ đường ở chốn thương trường, và đương nhiên rất hợp pháp.
Hàng hóa thế chấp bao gồm 2 loại chính là hàng tồn kho và hàng hóa luân chuyển trong quá trình kinh doanh. Đã gọi là thế chấp thì hàng của ai người đó giữ gìn, quản lý, xuất nhập, mua bán; còn phía ngân hàng chỉ theo dõi, giám sát và thu hồi phát mại khi phải xử lý nợ xấu mà không còn bấu víu, níu kéo vào đâu.
Đặc biệt, đối với hàng hóa luân chuyển được tuyển vào đội thế chấp, thì 3 đời Bộ luật Dân sự 1995, 2005 và 2015 hiện hành đều cho phép bên thế chấp có quyền đem bán, tặng cho, thay thế, chế biến, đổi chác, vác đi, di dời, chơi đủ kiểu. Thực tế thì chẳng khác nào, ngân hàng vác luật đứng ngó canh chừng vòng ngoài, còn vợ chồng thằng thế chấp cứ việc ấp ủ trong buồng diễn tuồng thò thụt ra vào, nhào nặn, mặn nồng, gồng cuộn, lên xuống, buông ấp, sấp ngửa thả cửa.
Không may, tiền vay bị mất, tất phải thu hàng bán gỡ mà nhỡ nó thiếu hụt, tụt mất giá hay chơi đủ trò chán chê mê mỏi xong rồi rút ra tuồn tuột mà ông giám sát không cấm cản được thì nguy cơ tội lỗi tày đình dính đến thất thoát thiệt hại.
Ấy gọi là nỗi ám ánh của cán bộ ngân hàng bị luật phang cho sấp mặt vì cái tội nó ăn ốc, mình đổ vỏ, từ chỗ nạn nhân biến dần thành thủ phạm.
Ngày 28-3-2018