245. Vì sao tòa “bác” quyết định xử phạt?

(TBNH) – Trở lại với nội dung của quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Vinasun vì có hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ trái phép. Lập luận của Tòa án này cho rằng, hành vi vi phạm của Công ty Vinasun được điều chỉnh bởi Nghị định 202 và Nghị định 95.

Điều 2 Nghị định 95/2011/NĐ-CP (Nghị định 95) ngày 20/10/2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ (Nghị định 202) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Tuy nhiên, Tòa cho rằng, Nghị định này chỉ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Nhờ Nghị định 95, quản lý ngoại hối đã đi vào ổn định

Trở lại với nội dung của quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Vinasun vì có hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ trái phép. Lập luận của Tòa án này cho rằng, hành vi vi phạm của Công ty Vinasun được điều chỉnh bởi Nghị định 202 và Nghị định 95.

Theo Điểm d Khoản 3 Điều 18 Nghị định 202, hành vi niêm yết hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng theo quy định pháp luật bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Trong khi đó, tại Điểm d Khoản 5 Điều 18 Nghị định 95 mức phạt với cùng hành vi là từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo Khoản 1 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, “Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, nhưng phải được đăng ngay trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là Công báo) chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”.

Điều 103 Khoản 6 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về nhiệm vụ của Chủ tịch nước “căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”. Như vậy chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp.

Trong thời điểm Công ty Vinasun có hành vi vi phạm là ngày 29/11/2011 thì Chủ tịch nước không ban bố tình trạng khẩn cấp. Tại Điều 83 của Luật Ban hành văn bản pháp luật cũng nêu rõ “1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. 2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

Do đó, Nghị định 95 quy định hiệu lực của văn bản có hiệu lực ngay khi ký là không đúng với Khoản 1 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên, mà thời điểm Nghị định 95 có hiệu lực phải là ngày 5/12/2012, tức sau ngày Công ty Vinasun có hành vi vi phạm hành chính nêu trên. Trong trường hợp này phải áp dụng Nghị định 202 để xử phạt hành vi vi phạm với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng mới đúng.

Tương tự như vậy, quan điểm không công nhận Nghị định 95 có hiệu lực từ ngày ký ban hành cũng được Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh áp dụng trước đó với Bản án số 1408/2012/HC-ST về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng với bà Phạm Thị Ngà.

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia pháp luật, việc Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh không công nhận Nghị định 95 là không có căn cứ pháp lý. Bởi theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, Tòa án không có thẩm quyền không công nhận hiệu lực của nghị định này.

Điều 80 về ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật của Luật này nêu rõ:

  1. Văn bản quy phạm pháp luật bị đình chỉ việc thi hành thì ngưng hiệu lực cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định huỷ bỏ thì văn bản hết hiệu lực, nếu không huỷ bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực.
  2. Thời điểm ngưng hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực của văn bản hoặc hết hiệu lực của văn bản phải được quy định rõ tại quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
  3. Quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 81 về những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực cũng nêu rõ, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây: 1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; 2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan Nhà nước đã ban hành văn bản đó; 3. Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

“Về nguyên tắc, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều quy định rõ hiệu lực của văn bản có hiệu lực từ ngày nào. Nghị định 95 có hiệu lực từ ngày 20/10/2011 đến nay chưa có cơ quan thẩm quyền nào ra quyết định sửa đổi hoặc hủy nên nghị định này vẫn còn hiệu lực pháp luật. Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh không công nhận hiệu lực pháp luật của nghị định này là không có căn cứ pháp lý”, một chuyên gia phân tích.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, trong trường hợp này, tuy quyết định hành chính căn cứ vào điều khoản quy định về hiệu lực thi hành của Nghị định, nhưng chưa đủ căn cứ pháp lý để Toà án tuyên huỷ quyết định hành chính, vì không thuộc trường hợp hai văn bản quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Trong tình huống này, việc kết luận và bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ Nghị định của Chính phủ nếu chưa đúng quy định của pháp luật, là thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Điều 89 “Giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật” của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Khoản 2, Điều 10 “Thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát” của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003.

—————

Thời báo Ngân hàng 02-01-2013:

(165/1.396)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,128