(CL) – Hôm nay, 20/2, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để trình Chính phủ.
Chưa bảo đảm tính khả thi
Quang cảnh hội thảo (Ảnh Hoàng Hải)
Dự thảo nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, luật sư… Trong đó, có đại biểu cho rằng việc sửa đổi này là không mới, chủ yếu sửa sai, có chỗ còn luẩn quẩn… Đại biểu này kiến nghị cần bắt tay sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.
Thực tiễn hơn hai năm thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cho thấy nhiều bất cập, chưa bảo đảm tính khả thi. Cụ thể, Dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ KH&ĐT cho biết, Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng.
Đồng thời chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Bên cạnh đó, luật cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Quy định của Luật Đầu tư về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư (như điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư…) còn một số nội dung thiếu cụ thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện. Luật đầu tư chưa rõ mục đích, giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; hình thức đầu tư ra nước ngoài chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam; hồ sơ, trình tự quyết định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước chưa được quy định thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đối với Luật Doanh nghiệp, quy định về việc áp dụng chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp còn tồn tại một số vấn đề dẫn đến phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh. Một số quy định về quản trị doanh nghiệp còn thiếu linh hoạt.
Trước thực tế đó, Bộ KH&ĐT Dự thảo trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và sửa đổi 23 điều, bổ sung 1 điều của Luật Đầu tư 2014; sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp.
Cần hạn chế sự luẩn quản
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng kết luận Hội thảo (Ảnh Hoàng Hải)
Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) cho rằng, nội dung sửa đổi là khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75/289 điều của 2 Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác. Đó là chưa kể năm 2016 đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc sửa đổi này không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai. Đơn cử: Điểm b, Khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại Khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.
“Nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, đồng thời nêu dẫn chứng: “Doanh nghiệp Nhà nước từ chỗ là 100% vốn Nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại quay về trên 50% (Khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật)”.
Ngoài ra, tham luận và các ý kiến của các đại biểu còn chỉ ra nhiều bất cập khác về Dự thảo, như: Thủ tục đăng ký và công bố thông tin, loại hình công ty, chủ thể kinh doanh, con dấu doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật… Trong đó, vấn đề chủ thể kinh doanh đặc biệt được các đại biểu quan tâm.
Ông Lê Xuân Hiền, cán bộ Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương đưa ra quan điểm cần loại bỏ hộ kinh doanh, để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân… Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng cần thay đổi căn bản, bắt tay chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đánh giá các đại biểu ý kiến rất tâm huyết và xác đáng. “Ý kiến của các đại biểu được chia làm 2 nhóm, gồm nội dung mang tính chất nguyên tắc và vấn đề cốt yếu Dự thảo sửa đổi Luật lần này. Ví dụ như xây mới Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Hay xây dựng hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn mời gọi doanh nghiệp có công nghệ cao, hoạt động hiệu quả vào đầu tư”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Còn việc loại bỏ hộ kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định đây là đại vấn đề: “Trong khuôn khổ Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi chỉ được giao sửa đổi một số điều của 2 luật. Nếu hoàn thiện mới hoàn toàn để đáp ứng được nhu cầu, chúng tôi phải báo cáo lại”. Song, về căn bản Thứ trưởng Vũ Đại Thắng hoàn toàn đồng tính với các ý kiến các đại biểu đã đưa ra.
———————————————
Công luận (Kinh tế) 20-02-2019:
https://congluan.vn/du-thao-sua-doi-luat-dau-tu-luat-doanh-nghiep-con-nhieu-y-kien-chua-nga-ngu-post57018.html
(276/1.248)