(BĐS) – Việc trần lãi vay có thể được nâng từ 20% lên 30% theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8, NĐ 20 lại đặt ra vấn đề, nếu dự thảo được áp dụng, vậy các doanh nghiệp đã nộp thuế theo mức 20% có được “hồi tố”?
Nâng trần lãi vay lên 30%, cần hồi tố để tránh “thuế chồng thuế”
Nghị định 20 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/5/2017. Mục tiêu là để ngăn ngừa, phòng chống chuyển giá, đặc biệt là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong đó, nội dung quan trọng là khống chế “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Điều này có thể hiểu, phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, Nghị định 20 lại có ảnh hưởng “ngoài ý muốn” lên khối doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ – con, trong đó ngành bất động sản với đặc trưng là phải có nhiều công ty con để đứng ra đấu thầu và triển khai nên việc vay càng nhiều càng thiệt là điều khó tránh khỏi. Với những nhóm ngành cần vốn để tạo lợi nhuận và mở rộng quy mô, thì Nghị định 20 được ví như một “đòn” hạ gục quyết tâm của doanh nghiệp.
Sau những kiến nghị của doanh nghiệp, giới chuyên gia và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên khi công bố nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Tuy nhiên, vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là có “hồi tố” lại các kỳ tính thuế mà doanh nghiệp đã nộp trước đó hay không thì hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời.
Liên quan đến vấn đề này, dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện CEO Group cho rằng, Nghị định 20 ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp bất động sản bởi tỷ lệ lãi vay cao và đối tượng doanh nghiệp trong nước bị vạ lây, phải nộp thêm thuế: “Chúng ta đã đi được một bước kiến nghị là tăng tỷ lệ khống chế lãi vay lên. Tuy nhiên, điều này lại không áp dụng cho kỳ tính thuế 2017, 2018 mà chỉ tính năm 2019 nên khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ, nhất là khi tiền thuế năm 2017, 2018 của doanh nghiệp rất lớn, bị đội lên nhiều lần, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu sửa trần lãi vay 30% thì cần áp dụng tính hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này vì riêng tiền thuế năm 2017 và 2018 cũng khiến doanh nghiệp “sống dở chết dở”, hoặc từ lãi chuyển sang lỗ. Phương pháp có thể cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hằng năm sau này.
Việc “hồi tố”, theo các doanh nghiệp, sẽ tránh được nguy cơ thuế chồng thuế. Bởi theo Nghị định 20, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc sửa đổi những bất cập của Nghị định 20. Theo đó, Nghị định 20 nên được sửa đổi theo các hướng: Thứ nhất, tăng mức trần chặn chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, phù hợp với khung khuyến nghị của BEPS và tình hình thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam (Như Dự thảo Nghị định sửa đổi gần đây nhất).
Thứ hai, cho tính chặn theo lãi vay thuần (chi phí lãi vay – doanh thu lãi tiền gửi cho vay) vì phù hợp với bản chất của chi phí lãi vay và theo đúng hướng dẫn của OECD; cho phép chuyển tiếp chi phí lãi vay chưa được trừ (do vượt CAP hoặc do công ty chưa có/chưa đủ EBITDA) sang khấu trừ tiếp trong 5 năm. Việc chuyển tiếp CP lãi vay là phù hợp với nguyên tắc của Luật thuế TNDN (Doanh thu phù hợp với chi phí và được chuyển lỗ), hướng dẫn của OECD và thực sự là biện pháp tháo gỡ cho các kiến nghị của các doanh nghiệp trong suốt thời gian ban hành Nghị định 20 đến nay.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được xác định lại chi phí lãi vay được trừ phát sinh các năm 2017, 2018, 2019 theo các nguyên tắc trên.
Nên bỏ khoản 3, Điều 8
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước vào khoảng 3/1, tức 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Số liệu này cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.
Như vậy có thể thấy, khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp lỗ nặng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết, tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định số 20 không có đủ cơ sở pháp lý.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI
Theo vị luật sư này, trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định của Nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Thứ hai, khoản 3, điều 8 Nghị định 20 quy định “tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần…” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
Thứ ba, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng Giám đốc Eurowindow Holding nêu ý kiến, việc nâng trần lãi vay từ 20% lên 30% chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. “Bởi vì xét về bản chất, Khoản 3 Điều 8 đã trái với luật thì phải bỏ, chứ không phải doanh nghiệp kêu thấp nên cần tăng lên”, bà Chi bày tỏ.
Theo bà Chi, những vướng mắc trong Nghị định này cũng cần sớm được giải quyết, tránh việc lách thuế, chuyển từ nơi có lãi suất thấp sang thuế suất cao.
“Việc nâng trần lãi vay từ 20% lên 30% chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Bởi vì xét về bản chất, Khoản 3 Điều 8 đã trái với luật thì phải bỏ, chứ không phải doanh nghiệp kêu thấp nên cần tăng lên”.
Trước đó, tại một hội thảo về tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của Nghị định 20, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, cần phải bãi bỏ khoản 3 điều 8 của Nghị định này.
“Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Theo quy định thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?
Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế, đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.
Về cách làm, tôi cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách… cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường”, ông Phúc nêu ý kiến.
“Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn. Nội dung sửa đổi tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù…
Nguyễn Hà
—————
Bất động sản (Tài chính – Ngân hàng) 27-02-2020:
(344/1.999)