246. Cản trở pháp lý đối với việc xử lý nợ xấu.

(ANVI) – Hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015                                    Hà Nội 12-6-2015 

dưới góc nhìn pháp lý” – Hội Luật gia VN

 

Vướng mắc lớn nhất gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu ngân hàng chính là sự cản trở pháp lý, với 4 nhóm như sau: Cản trở pháp lý do xung đột pháp luật, cản trở pháp lý do bất cập pháp luật, cản trở pháp lý do áp dụng sai luật và cản trở pháp lý do bất chấp pháp luật.   

1.         Cản trở pháp lý do xung đột pháp luật:

1.1.    Quyền có như không:

Theo quy định tại Điều 336 về “Xử lý tài sản cầm cố”, Điều 355 về “Xử lý tài sản thế chấp”, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về “Giao dịch bảo đảm” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-02-2012), thì các TCTD có đầy đủ quyền hạn tự mình và chủ động xử lý nợ nếu như đã có thoả thuận trong hợp đồng bảo đảm. Đó là: Thu giữ tài sản bảo đảm; bán tài sản bảo đảm; nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ;…. Tuy nhiên, các TCTDhầu như không tự thực hiện được quyền này trên thực tế. Bởi có xung đột pháp luật do hành động xử lý nợ liên quan đến nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng, hình thức và nội dung hợp đồng, thủ tục hành chính, trách nhiệm liên quan đến tài sản và giao dịch,… được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng,… Vì thế, quy định cụ thể, rõ ràng dưới đây như tại đoạn 2, khoản 4, Điều 58 về “Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) cũng gần như vô nghĩa trên thực tế: “Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm.”

1.2.    Mất quyền theo kiện:

Một trong các cách thức xử lý nợ chủ yếu trong thời gian qua là bán nợ cho các Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của các ngân hàng (AMC) nói chung và Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) nói riêng. Nhưng bán cho VAMC xong rồi, vẫn phải trích lập đủ dự phòng, cơ bản vẫn phải quản lý, xử lý nợ và chịu trách nhiệm như chưa bán nợ. Nhưng khi muốn ra tay xử lý thật bằng khởi kiện ra Toà, thì lại gặp vướng mắc, vì Toà án không thụ lý vụ kiện hoặc không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của các TCTD. Lý do là, TCTD đã bán chuyển tài sản thuộc sở hữu của mình cho pháp nhân khác, thì làm gì còn quyền khởi kiện? Nếu VAMC uỷ quyền cho TCTD khởi kiện và tham gia tố tụng, thì phải với tư cách của VAMC kiện, chứ sao lại sử dụng tư cách của TCTD? Chưa nói, hệ thống Toà án còn căn cứ vào quy định không rõ ràng của Bộ luật Dân sự năm 2005 để gạt bỏ rất vô lý: Pháp nhân này không được phép uỷ quyền cho pháp nhân khác. Thế là luật này làm hại luật khác. Luật này cởi, luật khác trói. Luật này cho, lệ kia rút. Luật này bắt, luật khác cấm. TCTD chỉ còn biết trân mình chịu trận.

2.         Cản trở pháp lý do bất cập pháp luật:

2.1.    Chây ỳ thì lợi:

Các TCTD và pháp luật đang bất lực với việc chây ỳ trả nợ của con nợ. Khi đã bị kiện ra toà, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn tiếp tục tìm đủ cách để trì hoãn, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Cuối cùng, hậu quả pháp lý là thời hạn để xử lý một khoản nợ phải tính bằng nhiều năm. Và đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng nợ xấu tích tụ chồng chất qua suốt nhiều năm tháng. Kết quả xử lý nợ phụ thuộc quá nhiều vào lòng tốt và thiện chí của con nợ, vào sự ban ơn, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, thay vì phải dựa vào luật.

“Thủ phạm” chính là hệ thống pháp luật lộ cộ, đã dẫn đến tình trạng khuyến khích cách hành xử tha hồ chây ỳ, thậm chí càng chây ỳ càng có lợi. Quy định của pháp luật về lãi suất chậm thi hành án là một ví dụ điền hình. Chẳng hạn, lãi suất nợ vay ngân hàng trong hạn là 10%/năm, thì lãi suất quá hạn cao nhất là 15%/năm (theo quy định tại khoản 2, Điều 11 về “Lãi suất cho vay”, Quy chế Cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) hoặc 19%/năm (theo quy định tại khoản 5, Điều 474 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay”, Bộ luật Dân sự năm 2005). Phần lớn nợ quá hạn có “nguồn gốc” từ một số năm trước, thì lãi suất quá hạn thường cao hơn thế, thậm chí lên đến cỡ 30%/năm. Trong khi đó, nếu đã kiện ra Toà, thì sau khi có bản án, con nợ phải trả lãi suất chậm thi hành án 9%/năm. Vậy là lãi suất này rẻ hơn cả lãi suất vay trong hạn và tất nhiên càng thấp so với lãi suất khi bị quá hạn. Hậu quả nhãn tiền của việc chậm thi hành án là đương nhiên, vì càng chây ỳ, trì hoãn càng có lợi (so với trước khi có bản án). Vậy hoá ra, chây ỳ nhiều khi lại có lợi.

2.2.    Luật lệ cản trở:

2.2.1. Điểm nghẽn pháp luật:

Nhiều khi luật pháp ở đâu đó, nhưng lại làm khó xử lý nợ. Quy định pháp luật tưởng chừng chẳng liên quan gì đến việc xử lý nợ xấu của ngân hàng, nhưng cuối cùng lại trở thành những điểm nghẽn ngăn trở việc xử lý nợ xấu. Con đường cơ bản nhất, đó là xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, chính là nơi bị tắc nghẽn nhiều nhất.

2.2.2. Mục đích sử dụng:

Trong nhiều trường hợp, muốn phát mại được tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, thì lại phải thay đổi mục đích sử dụng đất. Đang từ đất ở có giá trị thương mại cao nhất, phải sang đất sản xuất kinh doanh, giá cả thấp hơn nhiều, mà củng rất khó khăn để làm điều đó. Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31-3-2015 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18-5-2013 của Chính phủ về Thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” (VAMC)  đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Như vậy, có thể giải quyết được vướng mắc của VAMC, nhưng vướng mắc tương tự của các TCTD thì không dùng được quy định này.

2.2.3. Chứng nhận đầu tư:

Nếu tài sản thế chấp gắn liền với đất thuê tại khu công nghiệp, tức là luôn đi cùng với Giấy chứng nhận đầu tư nào đó. Việc mua bán, chuyển nhượng tài sản này rất dễ bế tắc nếu Giấy phép đầu tư liên quan không được thu hồi, thay đổi, cấp mới. Nghị định số 34/2015/NĐ-CP đã giao trách nhiệm này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ VAMC xử lý nợ. Vậy thì vướng mắc tiếp tục nằm lại với các tổ chức tín dụng.

2.2.4. Ai làm ấy chịu:

Nhiều năm nay, mặc nhiên áp dụng nguyên tắc, chỉ cần một người vợ hoặc chồng hay bất kỳ thành viên nào trong hộ gia định không ký hợp đồng thế chấp, thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu toàn bộ. Điều này là rất không hợp lý, trái với ý chí nguyện vọng của chủ sở hữu khi đã tự nguyện ký giao dịch định đoạt, thế chấp, khuyến khích bội ước, rũ bỏ nghĩa vụ đã cam kết bằng giấy trắng, mực đen, đã được công chứng, chứng thực và đăng ký thế chấp. Đặc biệt là những trường hợp khó xác định đúng các thành viên có quyền lợi liên quan của hộ gia đình, thì nguy cơ vô hiệu quá lớn và bị lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ pháp lý. Khi thế chấp thì không có cách nào để bảo đảm 100% số thành viên của hộ gia đình, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì Toà sẵn sàng tuyên vô hiệu cho dù có đến 9/10 thành viên đã ký hợp đồng thế chấp.

Việc cứ thiếu 1 chữ ký là các chữ ký khác cũng bị vô hiệu là căn cứ vào quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và năm 2014, về “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”. Thực chất, lý luận “sở hữu chung hợp nhất” chỉ có ý nghĩa đối với quan hệ của các đồng sở hữu, không thể áp đặt với các giao dịch khác, đặc biệt là giao dịch thế chấp. Cả 4 đạo luật hôn nhân và gia đình đều quy định rõ cách thức phân chia tài sản của vợ chồng, trong hôn nhân hoặc khi ly hôn hay khi một người chết, là theo nguyên tắc chia đôi hoặc vợ chồng có quyền lợi, nghĩa vụ như nhau. Trong các quan hệ pháp luật dân sự, hành chính hay hình sự, khi cần quy kết trách nhiệm về tài sản thì vẫn phải phân chia cụ thể quyền, nghĩa vụ của vợ chồng hoặc từng thành viên trong khối tài sản chung, dù là sở hữu chung hợp nhất hay sở hữu chung theo phần. Vậy thì cần đến lúc thay đổi theo một nguyên tắc mới, ai đã định đoạt phần tài sản của mình, thì người đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đó, ít nhất là trong một số giao dịch, trong đó có giao dịch bảo đảm.

2.2.5. Không được giải thể:

Doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ, thì phải phá sản. Đó là một biện pháp đòi nợ, đồng thời cũng là một hình thức xoá nợ tập thể. Tuy nhiên, để xử lý xong một vụ phá sản doanh nghiệp thì phải mất vài năm trời. Chủ nợ có thể đạt kết quả tương tự nhưng đơn giản, nhanh gọn hơn nhiều bằng cách để cho con nợ giải thể và cùng chia nhau số tài sản còn lại. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng như Luật năm 2014 sắp có hiệu lực thì vẫn cứ quy định cứng: Doanh nghiệp muốn giải thể thì phải thanh toán đủ nợ nần. Mà việc chấp nhận thu một phần nợ, xong rồi mới xoá nợ, khác nhiều với việc thừa nhận con nợ đã thanh toán hết nợ (trong khi chưa thu được) để giải thể đúng với quy định của pháp luật.

2.2.6. Thuế VAT:

Việc bán tài sản bảo đảm tiền vay được xác định theo quy định tại khoản 5, Điều 58 về “Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP:  “Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.”. Vì vậy, trong nhiều năm, việc bán tài sản bảo đảm được miễn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhưng pháp luật hiện hành thì rất phức tạp và mâu thuẫn và kết cục là loại bỏ nhiều trường hợp không được miễn thuế giá trị gia tăng. Cụ thể luật, nghị định và thông tư quy định như sau:

Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế”, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, thì chỉ quy định loại trừ việc bán tài sản bảo đảm của VAMC là không phải chịu thuế giá trị gia tăng, tức là bán tài sản bảo đảm trong các trường hợp khác thì vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Đến Điều 3 về “Đối tượng không chịu thuế”, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18-12-2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng” thì lại hướng dẫn: Bán tài sản bảo đảm là một hoạt động dịch vụ cấp tín dụng (điều này là không đúng), nên không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên điểm a, khoản 8, Điều 4 về “Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18-12-2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng” thì lại quy định, chỉ miễn thuế giá trị gia tăng trong trường hợp “Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay”. Tức là doanh nghiệp hay bên có tài sản bảo đảm khác bán tài sản bảo đảm tiền vay để trả nợ tổ chức tín dụng, thì vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng. Trong khi, thực tế cho thấy, bên có tài sản bảo đảm ký hợp đồng, hoá đơn, chứng từ bán tài sản bảo đảm thì thuận lợi hơn nhiều so với bên TCTD bán tài sản. Nếu bên có tài sản bảo đảm bán tài sản, thì việc nộp thuế giá trị gia tăng thuộc về nghĩa vụ của bên có tài sản phải bán. Tuy nhiên đa số các trường hợp phải bán tài sản thế chấp, thì thường không thu hồi đủ nợ, thậm chí chỉ là nợ gốc, cho TCTD. Do đó, nếu không được miễn loại thuế này, thì việc thu hồi nợ qua bán tài sản bảo đảm cũng thường bị hao hụt thêm chừng 10%.

2.2.7. Phí thi hành án:

Điều 60 về “Phí thi hành án dân sự”, Luật Thi hành án dân sự năm 2006 quy định: “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.” Và khoản 1, Điều 33 về “Mức phí, thủ tục thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án”, Nghị định số  58/2009/NĐ-CP ngày 13-7-2009 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự” đã quy định: “Mức phí thi hành án là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án.”. Tức là về hầu hết các trường hợp, người được thi hành án sẽ bị thiếu hụt 3% của tổng số nợ để nộp phí thi hành án. Xét về chiết lý, đây là một loại phí mà người được thi hành án phải gánh “oan” cho người phải thi hành án.

2.2.8. Chi phí xử lý:

Điểm đ, khoản 1, Điều 6 về “Quản lý chi phí” Thông tư số 05/2013/TT-BTC ngày 09-01-2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Hướng dẫn chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” quy định: “Đối với khoản chi môi giới để cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản xiết nợ, gán nợ): mức chi môi giới để cho thuê tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa không quá 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản do môi giới mang lại trong năm.” và “Đối với khoản chi môi giới bán tài sản chế chấp, cầm cố: mức chi hoa hồng môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không vượt quá 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản qua môi giới.” Giới hạn này giống như kiểu chi phí quảng cáo, khuyến mại,… vô lý không quá 15% mới bị bãi bỏ. Chi thì phải có hoá đơn, chứng từ hợp pháp, đồng thời người thụ hưởng thì phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập (doanh nghiệp hoặc cá nhân), có khi lên tới 35%. Vậy sao phải giới hạn quá chặt chẽ, cụ thể hàng chục năm nay đối với cả TCTD nhà nước cũng như TCTD cổ phần, tư nhân, gây khó cho việc xử lý nợ xấu?

3.         Cản trở pháp lý do áp dụng sai luật:

3.1.    Áp dụng luật cũ:

Theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, đã được giải thích và thể hiện rõ trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP; Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23-7-2010 của Chính phủ về Đăng ký giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02-02-2012) và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, thì từ thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực vào 01-7-2006, chỉ có giao dịch thế chấp, không còn giao dịch bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất như Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, hệ thống Toà án đang hiểu sai một cách trầm trọng rằng, quyền sử dụng đất của người thứ 3 đưa vào thế chấp cho các khoản tín dụng thì vẫn phải gọi là bảo lãnh. Vì vậy, Toà đã tuyên một số hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ 3 là vô hiệu và vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm này. Ngay cả trường hợp từ “bảo lãnh” bị sử dụng nhầm thành “thế chấp”, thì cũng không thể máy móc phủ nhận hoàn toàn với ý chí của các bên, trái với bản chất của giao dịch và đặc biệt là đã được cả hệ thống công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm công nhận một cách rất đúng luật.

3.2.    Hiểu trái ngược luật:

Một số Toà án đã sổ toẹt hợp đồng thế chấp ký 3 bên, giữa ngân hàng với bên vay và bên thế chấp, nếu như người đại diện bên vay vốn là doanh nghiệp đồng thời là chủ sở hữu tài sản thế chấp. Toà cho rằng trường hợp người đại diện của doanh nghiệp dùng tài sản cá nhân để bảo đảm nghĩa vụ cho doanh nghiệp do mình đại diện để vay vốn là trái pháp luật và do đó tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Như vậy là chỉ căn cứ vào bề mặt câu chữ giản đơn, hiểu ngược tinh thần của điều luật, trái hẳn với bản chất của vấn đề.

Nếu như thật sự có sự xung đột lợi ích theo quy định của khoản 5, Điều 144 về “Phạm vi đại diện”, Bộ luật Dân sự năm 2005 rằng “5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”, thì cũng chưa chắc đã bị vô hiệu, vì khi đó Luật Doanh nghiệp đã cho phép hoá giải đối với các trường hợp giao dịch giữa công ty với người có liên quan tại các điều: Điều 59 vè “Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận”, Điều 75 về “Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan”, Điều 120 về “Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận”.

Còn trong trường hợp đang dề cập, thì việc một người ký hợp đồng với 2 tư cách, không những không có bất cứ điều gì trái luật, mờ ám, lạm dụng, xung đột lợi ích, mà còn giúp cho giao dịch giữa các bên liên quan rõ ràng hơn, minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, khách quan hơn, toàn diện hơn, hợp lý hơn. Người ta đã bẻ cong một quy định đúng đắn nhằm tránh trường hợp người đại diện trục lợi từ giao dịch có nguy cơ gây thiệt hại cho người được đại diện. Đây là một trong hàng chục nỗi hiểm nguy “oan uổng” của các TCTD. Hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng cho vay có nguy cơ mất trắng nếu cứ xác định đó là các hợp đồng thế chấp vô hiệu.

3.3.    Nỗi sợ oan sai:

Một mặt, các TCTD mong muốn nhanh chóng khởi kiện, phát mại tài sản, thu hồi nợ, nhưng mặt khác nhiều trường hợp rất sợ việc đẩy nhanh kết quả xử lý nợ, vì  phải đối mặt với khả năng không thu hồi đủ vốn, là đồng nghĩa với nguy cơ bị hình sự hoá quan hệ tín dụng. Trên thực tế, nhiều cán bộ ngân hàng là nạn nhân bị lạm dụng, lừa đảo, nhưng rồi lại bị quy kết là tội phạm vi phạm quy định về cho vay hoặc tội phạm cố ý làm trái. Bán hết tài sản mà không thu đủ nợ, thì cả khách hàng và cán bộ ngân hàng đều lo sợ bị truy tội làm thất thoát tiền vay, bất luận lý do gì. Thế là nảy sinh tâm lý nấn ná kéo dài ngày tháng hiển thị kết quả tổn thất tiền vay.[1]

3.4.    Kéo dài vô hạn:

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, thời hạn giải quyết một vụ án tại Toà án là từ 2 – 4 tháng, nhưng trên thực tế thì thường gấp 5 – 10 thời hạn này. Nhận định cách đây 16 năm của ông Vũ Mạnh Hồng, Chánh Toà Kinh tế, TANDTC được đăng trên Báo Kinh doanh & Pháp luật ngày 06-5-1999 đến nay vấn hầu như vẫn không có gì biến chuyển: “Theo quy định của pháp luật, thời hạn để toà cấp sơ thẩm thụ lý một vụ án kinh tế là 2 tháng, những vụ phức tạp là 4 tháng. Tuy nhiên, khoảng thời gian tố tụng được kéo dài vô hạn định. Dù có chủ ý hay không thì cũng không có ai từ phía toà án phải chịu trách nhiệm”.

4.         Cản trở pháp lý do bất chấp pháp luật:

4.1.    Quyền nhưng không lực:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, thì Bên nhận thế chấp được quyền thu giữ tài sản thế chấp để xử lý thu hồi nợ. Quyền của bên này chính là nghĩa vụ của bên kia. Tuy nhiên, trên thực tế, nghĩa vụ bàn giao tài sản dường như bằng không. Thích thì bàn giao, thì ký giấy tờ, không muốn thì vô hiệu hoá quyền của bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp không được phép làm điều gì khác ngoài việc khởi kiện và chờ đợi mòn mỏi. Bên nhận thế chấp gần như không thực hiện được quyền này trên thực tế. Vụ việc VP Bank tiến hành thu giữ tài sản thế chấp là nhà ở tại Hà Nội vào tháng 3-2015 vừa qua là một ví dụ điển hình, dù đã có sự hỗ trợ tích cực, đúng luật của chính quyền và công an địa phương. Còn đa số không có được sự hỗ trợ này, thì quyền thu giữ càng trở lên xa vời.

4.2.    Lý sự Chí phèo:

Khá nhiều trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất có sự khác nhau giữa hiện trạng và giấy tờ pháp lý. Tình trạng xây mới, cơi nới, thay đổi công trình không đúng với giấy phép còn phổ biến trên thực tế. Việc đó có thể xảy ra là trước hoặc sau thời điểm thế chấp tài sản. Đặc biệt là hàng triệu căn nhà ở nông thôn, chỉ có “sổ đỏ”, mà không được ghi nhận tài sản trên đất. Trong khi hợp đồng thế chấp và việc đăng ký tài sản thế chấp thì phải lệ thuộc hoàn toàn vào các giấy tờ pháp lý, chứ không được phép mô tả tài sản theo thực tế. Đến công đoạn phải phải xử tài sản thế chấp, thì rất dễ phức tạp trên thực tế. Bên thế chấp áp dụng luật Chí phèo, cho rằng không thế chấp phần tài sản không được ghi nhận rõ trên sổ đỏ cũng như hợp đồng thế chấp, cho dù hợp đồng đã thoả thuận rõ ràng: Tài sản thế chấp bao gồm công trình xây dựng (bổ sung, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa) đã và sẽ xây dựng trong tương lai gắn liền với nhà đất thế chấp. Các TCTD điêu đứng, khốn khổ về điều vô lý này.

4.1.    Kẻ thứ ba phá:

Bên nhận thế chấp đã làm hết lý và hết cách, như đã ký hợp đồng công chứng, đã đăng ký thế chấp, đã giữ giấy tờ sở hữu của tài sản thế chấp, nhưng nhiều khi vẫn thua đau. Nếu như tài sản thế chấp lại xuất hiện người thứ ba đang thuê, đang chiếm giữ trên thực tế, kể cả “đóng đô”, hợp pháp hay bất hợp pháp kiểu bắt nợ, ăn vạ, bắt bí, thì cũng luôn trở thành đối thủ nặng ký tranh giành quyền lợi ngang ngửa với các TCTD. Nếu người thuê đã trả đầu tư, cải tạo, sửa chữa bất động sản thuê hoặc đã trả trước tiền thuê, thì quyền xử lý tài sản thế chấp của các TCTD sẽ rất lung lay. Bên thứ 3 càng càng đầu tư nhiều tiền, càng trả tiền trước nhiều thời gian, thì quyền của TCTD càng hạn chế, thậm chí gần như bị mất đi.

4.3.    Con nợ nhởn nhơ:

Nếu Toà đã dựng được bộ hồ sơ vụ án đòi nợ hòm hòm, thì con nợ đừng hòng giở bài bỏ trốn, vắng mặt, giấu địa chỉ, vì Luật cho phép Toà xử vắng mặt đương sự. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, nếu con nợ trốn tránh từ đầu, thì ngân hàng, công an, toà án, viện kiểm sát, chẳng làm gì nổi. Nguy cơ rất cao là Toà án sẽ không thụ lý, trả lại đơn khởi kiện hay tạm đình chỉ vụ kiện vô thời hạn. Ngày nay, cũng không dễ gì đòi nợ theo cách “hình sự hoá” quan hệ kinh tế, dân sự như trước đây. Pháp luật đang bó tay với vụ án có thể bị kéo dài vô định. Nếu một vụ việc, ngoài bên vay còn bên thế chấp, bảo lãnh, thì tình hình còn bi đát hơn nữa.

Thậm chí, pháp luật, với hết nghị định này đến thông tư kia, long trọng gọi “con nợ” là “khách nợ”, thì khác nào yêu cầu chủ nợ phải đối đãi con nợ như khách? Chỉ có đãi khách chứ làm gi có đòi khách?

5.         Bình luận kết thúc:

5.1.    Nguy cơ nợ xấu:

Nợ xấu là một loại hàng hoá tồn kho, ứ đọng đặc biệt, mà nói như dân dã là không ai muốn ôm cục nợ. Muốn xử lý nợ xấu hiệu quả thì cần phải có thị trường. Trước đây đã không có hoặc nói đúng hơn là thị trường mua bán nợ chủ yếu là lòng vòng, bắt tay nhau xử lý về kỹ thuật. Đến nay vẫn gần như không có thị trường mua bán nợ. Thị trường sản xuất kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng còn trong cơn ốm yếu, nên chưa tạo cửa cho thị trường mua bán nợ. Nhà đầu tư trong nước thì suy kiệt, khó khăn về tài chính. Nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa nhìn thấy tương lai của thị trường mà chỉ thấy hệ thống rào cản đối với xử lý nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu vẫn rất tốt, nếu nhìn trên những con số. Con số là thật, nhưng kết quá xử lý thì chủ yếu mới chỉ là trên sổ sách. Nguy cơ rất lớn cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế vẫn còn đó.

5.2.    Pháp luật bất cập:

Ước lượng không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý. Luật thì chỉ có loáng thoáng một vài ý. Còn bao nhiêu nghị định, thông tư trực tiếp điều chỉnh việc xử lý nợ xấu cũng không vượt nổi các nghị định, thông tư liên quan, chứ chưa nói gì đến mâu thuẫn, vướng mắc với hàng chục đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Vì vậy, để tháo gỡ xung đột, thậm chí là bế tắc trong một rừng luật hiện nay, thì cần phải có một đạo luật xử lý nợ xấu. Cuộc khủng hoảng ngân hàng lần trước, việc xử lý nợ xấu đã từng phải dựa vào “bảo bối” là Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án cơ cấu lại nợ của các ngân hàng thương mại. Trước chỉ cần quyết định, nhưng bây giờ thì phải là luật. Trước là văn bản pháp quy bí mật thì nay cần phải là luật công khai.

5.3.    Quan điểm pháp lý:

Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là, phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Xem bài “Có hay không việc hình sự hoá trong lĩnh vực ngân hàng và những biện pháp tháo gỡ”, Luật sư Trương Thanh Đức, Tạp chí Pháp lý ngày 02-10-2014: http://phaply.net.vn/dien-dan/co-hay-khong-vie%CC%A3c-hinh-su-hoa-trong-li%CC%83nh-vu%CC%A3c-ngan-hang-va-nhu%CC%83ng-bie%CC%A3n-phap-thao-go%CC%83-bai-1.html

“Nợ xấu sẽ càng xấu nếu hình sự hóa quan hệ tín dụng”, Luật sư Trương Thanh Đức, Thời báo Ngân hàng ngày 24-10-2014: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-no-xau-se-cang-xau-neu-hinh-su-hoa-quan-he-tin-dung-26402.html.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,731