(ĐT) – Các doanh nhân, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp bắt đầu chủ động chỉ ra những “viên đá tảng” cản trở, hạn chế sự vận hành thông suốt của nền kinh tế.
Thay vì thụ động chờ cơ quan quản lý nhà nước đề nghị đứng ra làm đầu mối mời cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp tham gia góp ý vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ động mời cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp rà soát 16 luật hiện hành liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Lần đầu tiên được chủ động đứng ra rà soát luật và các văn bản quy phạm pháp luật với mong muốn giúp cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ cả những “hòn đá tảng”, lẫn “hạt sạn” đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế, rất nhiều doanh nhân, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ thẳng thắn chính kiến, đề xuất của mình mà không hề “ngại va chạm”.
Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn một mực cho rằng, với thuế suất 25% (áp dụng từ ngày 1/1/2009), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của nước ta khá hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với các nước lân cận, thì cộng đồng doanh nghiệp lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng, mức thuế suất 25% đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, vì trong 3 năm trở lại đây, các nước trong khu vực liên tục hạ thuế suất hoặc sử dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Là người có gần 40 năm công tác trong ngành thuế và từng giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị Cúc (Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam) đã chỉ ra hàng loạt bất cập, hạn chế trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mà theo bà, nếu không sửa đổi, bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cạnh tranh, trong đó, thuế suất 25% chính là “hòn đá tảng”.
“Năm 2012, cần phải hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% hoặc 23% để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Bởi mức thuế suất 25% hiện hành của nước ta đã bằng hoặc cao hơn so với những nền kinh tế trong khu vực có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn, nguồn nhân lực cao hơn, văn bản pháp luật đầy đủ và đồng bộ hơn, như Trung Quốc, Singapore…”, cộng đồng doanh nghiệp chính thức kiến nghị trong Báo cáo rà soát Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nguyên thành viên Ban Soạn thảo Luật Quản lý thuế, bà Đặng Thị Bình An có lẽ bây giờ mới “thấm” nỗi khổ của doanh nghiệp khi luật pháp và các văn bản hướng dẫn không rõ ràng. Bà An kể, ngay như bà – người đã từng giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan vẫn sợ bị cán bộ thuế “mời” ra ngoài khi làm thủ tục hành chính thuế cho khách hàng, vì các văn bản hiện hành không quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này.
Bây giờ, trên cương vị mới (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A), bà An đã và đang nỗ lực “sửa sai” bằng việc hợp tác chặt chẽ với VCCI rà soát Luật Quản lý thuế. Trong Báo cáo rà soát của mình, bà An đã phát hiện ra 16 nhóm vấn đề bất hợp lý, không phù hợp với thực tế và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi, bổ sung.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Tư vấn VFAM nhìn nhận, Luật Thuế giá trị gia tăng còn tồn tại tới 14 nhóm hạn chế không đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, hợp lý, khả thi đang cản trở quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh và không phù hợp với thực tế cuộc sống. Đơn cử, muốn được khấu trừ thuế đầu vào, doanh nghiệp phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào việc thanh toán cũng cứng nhắc qua hệ thống ngân hàng, mà giữa người bán và người mua có thể chuyển tiền qua bưu điện, qua máy ATM, thanh toán bù trừ công nợ… Những hoạt động thanh toán này đều có biên bản hoặc chứng từ hợp pháp mà không cho khấu trừ thuế là vô lý.
Cả nước hiện có khoảng 3.400 làng nghề, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, song ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề vẫn đau đáu với vấn đề môi trường của các làng nghề. Nếu yêu cầu làng nghề phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường thì môi trường tự nhiên, môi trường sống được khắc phục, nhưng môi trường xã hội lại “bị ô nhiễm” do hàng triệu lao động bị mất việc làm, đời sống của hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng. Vì vậy, theo ông Tuấn, giải quyết vấn đề môi trường đối với làng nghề cần phải ban hành đồng bộ các chính sách nhằm xử lý nghiêm đối tượng gây ra ô nhiễm, đồng thời có cơ chế, chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất, tín dụng, thuế với hộ gia đình/cá nhân thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, tham gia góp ý vào việc rà soát 16 luật liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, trên tinh thần xây dựng, góp ý, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, hội ngành nghề không chỉ “nhặt” ra những “viên đá tảng” đang cản trở, hạn chế sự vận hành thông suốt của nền kinh tế, mà còn giúp các cơ quan xây dựng luật pháp phát hiện ra không ít “hạt sạn” trong luật. Đơn cử, “sổ đỏ” chỉ đơn giản là từ gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”[1], đã được luật hoá, ngắn gọn, ai cũng hiểu, nên chẳng có lý do gì phải gọi bằng cái tên dài dòng, kể lể, tốn giấy, tốn mực và khó nhớ là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất’”. Đây chỉ là “hạt sạn”, nhưng theo Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức, cũng cần phải loại bỏ để bảo đảm tính dễ hiểu, dễ thực hiện của pháp luật.
Hàn Tín
————————————–
Đầu tư 13-10-2011:
[1] Đúng đề nghị là: Giấy chứng nhận bất động sản.