(ANVI) – Hội thảo VNBA Hà Nội 29-9-2015
BÌNH LUẬN DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015[1]
- Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Quy định:
“Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
- Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 Điều 366 và tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 Điều 367 của Bộ luật này.”
- Kiến nghị:
Cần bỏ, vì không hợp lý, không công bằng. Cùng lắm giữ lại khoản 2.
- Miễn trách nhiệm hình sự:
- Quy định:
“Điều 29. Miễn trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
- Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự trong những trường hợp sau đây:
- a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- b) Khi có quyết định đại xá.
- Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội đã già yếu, bệnh tật hiểm nghèo hoặc lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội;
- b) Sau khi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý, người phạm tội đã tự thú, thực sự ăn năn, hối cải và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;
- c) Người phạm tội do lạc hậu mà bị người khác lôi kéo, kích động hoặc ép buộc tham gia thực hiện tội phạm, đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm;
- d) Người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do hoặc tài sản của người khác mà người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự;
đ) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.”
- Kiến nghị:
Cần miễn đối với các tội phạm kinh tế, gây thiệt hại nhưng không phải là chiếm đoạt, trước khi xét xử phúc thẩm đã khắc phục được hậu quả.
- Hình phạt:
- Quy định:
Tăng cường hình phạt tiền và quy đổi phạt tiền thành tù.
Xử lý hình sự với pháp nhân
- Kiến nghị:
Ủng hộ, đề nghị mở rộng hơn với nhiều tội khác.
- Hình phạt tù chung thân:
- Quy định:
Vẫn giữ hình phạt tù chung thân, thêm giảm án và không giảm án. Thực chất, ngày xưa tương đương với trên 20 năm, hiện nay trên 30 năm tù.
- Kiến nghị:
Hình phạt bất công 20 – 70 tuổi sẽ ngồi tù 70 và 20 năm. Huyền Như lừa đảo 40 tỷ hay 4.000 tỷ thì cũng áp dụng hình phạt chung thâm bằng nhau, hoặc 20 năm bằng nhau đối với tội tối đa 20 năm.
Bỏ chung thân, nhất là chung thân không giảm án, quy hết ra năm tù, có thể là 5-700 năm để đánh giá công bằng. Tăng cường giảm án.
- Tội tham ô và tội nhận hối lộ:
- Quy định:
Tham ô giữ tử hình, nhận hối lộ bỏ tử hình.
Vẫn giữ tội đưa hối lộ.
- Kiến nghị:
Cùng bỏ hoặc cùng để, vì tính chất nguy hiểm như nhau. Chẳng qua khó phát hiện hối lộ.
Cần bỏ tội đưa hối lộ để chống tham nhũng thật sự hiệu quả.
- Tội xâm phạm chỗ ở của người khác:
- Quy định:
“Điều 157. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- a) Không có thẩm quyền mà ra lệnh, quyết định khám xét chỗ ở của người khác;
- b) Có thẩm quyền nhưng ra lệnh, quyết định khám xét chỗ ở của người khác không có căn cứ theo quy định của pháp luật;
- c) Thực hiện khám xét chỗ ở của người khác mà không có lệnh, quyết định theo quy định hoặc tuy có lệnh nhưng chưa có hiệu lực thi hành hoặc khám xét không đúng trình tự, thủ tục;
- d) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
đ) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang sống hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của mình hoặc hành vi trái pháp luật khác.”
- Kiến nghị:
Cần loại trừ trường hợp ngân hàng thu giữ, niêm phong tài sản bảo đảm, tránh bị hình sự hoá
- Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín:
- Quy định:
Điều 158. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (sửa đổi) 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
- a) Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông đoạt bằng bất kỳ hình thức nào, thủ đoạn nào;
- b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax, video hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông của người khác;
- d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trái phép;
đ) Các hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.”
- Kiến nghị:
Loại trừ thư điện tử của nhân viên.
- Tội buộc người lao động thôi việc trái pháp luật:
- Quy định:
“Điều 161. Tội buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật (sửa đổi) 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho kinh tế gia đình của người bị thôi việc lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự trị an, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
- b) Huỷ bỏ hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động;
- c) Cưỡng ép, đe doạ buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.”
- Kiến nghị:
Bỏ đối với sa thải của doanh nghiệp, chống lại kinh tế thị trường.
- Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản:
- Quy định:
“Điều 178. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (sửa đổi) 1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
- Kiến nghị:
Bỏ đối với doanh nghiệp, tương tự như đã bỏ tội cố ý làm trái, vì là cải rọ, cái bẫy hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự.
- Tội đầu cơ:
- Quy định:
“Điều 198. Tội đầu cơ
- Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Hàng hóa có số lượng lớn;
- b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- c) Gây hậu quả nghiêm trọng.”
- Kiến nghị:
Là hành vi tính toán, nghệ thuật kinh doanh, về mặt nào đó có tác dụng cung cấp kịp thời hàng hoá. Chỉ xử khi có hành vi gian dối, cưỡng ép.
- Tội cho vay lãi nặng:
- Quy định:
“Điều 205. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất do Bộ luật dân sự quy định từ 05 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.”
- Kiến nghị:
Bỏ, kinh tế thị trường, quan hệ dân sự thoả thuận, tự nguyện. Lãi suất do thị trường quyết định. Chỉ xử lý khi có hành vi gian dối, đe doạ, cưỡng ép.
- Tội Tội lập quỹ trái phép:
- Quy định:
“Điều 209. Tội lập quỹ trái phép\
- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị quỹ trái phép đó hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
- Kiến nghị:
Bỏ với doanh nghiệp dân doanh, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
- Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng:
- Quy định:
“Điều 210. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
- Người nào trong hoạt động ngân hàng mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 07 năm:
- a) Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
- b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp phép tín dụng theo quy định;
- c) Cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định;
- d) Vi phạm quy định về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần;
đ) Giả mạo chứng từ thanh toán; phá hủy hoặc làm thay đổi trái phép chứng từ thanh toán; mở hoặc sử dụng phương tiện thanh toán không đúng quy định pháp luật;
- e) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng.”
- Kiến nghị:
Rất lung tung và nguy hiểm, hình sự hoá quan hệ tín dụng. Chỉ xử lý hình sự đối với những hành vi có 2 dấu hiệu là vi phạm điều cấm và gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội phạm nói chung, chỉ là tội phạm khi vi phạm điều cấm của pháp luật, chứ không thể mông lung, được lựa chọn, nhưng lại vẫn có tội.
- Tội trốn đóng bảo hiểm:
- Quy định:
“Điều 220. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
- Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 02 đến 03 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
- a) Trốn đóng bảo hiểm từ với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 20 người đến dưới 50 người lao động.”
- Kiến nghị:
Loại trừ trường hợp khó khăn không có tiền đóng.
Chủ yếu phạt tiền pháp nhân.
- Kỹ thuật soạn thảo:
- Quy định:
“Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự
- Chỉ cá nhân nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Chỉ pháp nhân nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”
- Kiến nghị:
Viết lại, tránh phạm nhiều tội thì không có tội. Tương tự là nhiều vấn đề khác, như cho vay lãi nặng hay cho vay nặng lãi, không thống nhất với các luật khác.
- Khác:
- Đề nghị chỉ quy định chung và các tội chung, còn phần các tội phạm cụ thể để trong các đạo luật riêng.
- Cấu thành định tội không rõ ràng, không thể biết khi nào phạm tội. Cuối cùng tội hay không lại không phải do Luật, mà là do hướng dẫn và quan điểm rất khác nhau, không hợp lý, kiểu như Toà án hướng dẫn về đánh bạc số đề.
- Còn rất nhiều vấn đề chưa hợp lý. Vì vậy, đề nghị hoãn thông qua, nhất là 1 kỳ hợp thông qua 4 bộ luật quan trọng nhất.
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070
[1] Chuẩn bị ngay tại cuộc họp.