(ĐTCK) – Việc NHNN cho phép 5 ngân hàng được mua và bán vàng theo giá niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn chịu nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng giải pháp mang tính tình thế này của NHNN đã đi đúng hướng, nhưng không ít ý kiến lại nghi ngờ về hiệu quả thực sự của chính sách này và cho rằng NHNN đã ưu tiên một số ngân hàng.
Cần có tiêu chí được bán vàng bình ổn?
Trong một cuộc trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cùng một số lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia kinh tế nhìn nhận, NHNN nên công khai hóa các tiêu chí xác định ngân hàng được phép tham gia bán vàng bình ổn giá, (ví dụ như: vốn điều lệ cao, quy mô hoạt động tốt, có nguồn nhân lực chất lượng cao…) để những ngân hàng đáp ứng được tiêu chí này có quyền đề nghị được tham gia bán vàng bình ổn. Như vậy, sẽ giảm được những dư luận không thiện chí đối với NHNN.
Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng không được NHNN chấp thuận chia sẻ, bản thân ông cũng rất thông cảm với những khó khăn của NHNN trong việc điều hành thị trường vàng Việt Nam. Trên thực tế, thị trường này hiện vẫn chưa được chuẩn hóa, tổ chức với một cơ chế quản lý rõ ràng. Việc NHNN chọn 5 ngân hàng đầu tiên được tham gia bán vàng bình ổn giá là điều không khó hiểu nhưng hai ngân hàng sau được chọn thì quả là một dấu hỏi lớn!
“Tham gia bán vàng bình ổn thị trường sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho các ngân hàng được bán nên mọi ngân hàng đều muốn tham gia là chuyện bình thường. Do vậy, việc NHNN công bố tiêu chí rõ ràng, minh bạch để ngân hàng nào đạt tiêu chuẩn sẽ trực tiếp kiến nghị tham gia bán vàng là điều cần thiết”, vị lãnh đạo trên nói.
Một lãnh đạo trong Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, việc công bố tiêu chí rõ ràng, minh bạch luôn hữu ích đối với thị trường, đặc biệt cần thiết trong thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay, đó sẽ là chất xúc tác giúp thị trường dần ổn định. “NHNN nên đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, quản lý thị trường bằng chính sách, quy chế, chứ không thể điều hành theo cảm quan”, vị lãnh đạo nói.
Ngược với các quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế lại cho rằng, bán vàng bình ổn là một biện pháp mang tính tình thế nhưng chưa giải quyết được vấn đề của thị trường vàng. Nếu yêu cầu NHNN đưa ra tiêu chí thì vô tình lại khiến biện pháp tình thế sẽ được duy trì trong dài hạn, nghĩa là ủng hộ các biện pháp hành chính điều hành thị trường.
Vị chuyên gia thẳng thắn: “Quan điểm của tôi là không cần thiết phải đưa ra tiêu chí được bán vàng bình ổn vào thời điểm này. Điều chính yếu của NHNN, với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước, là phải hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng và tổ chức lại một cách cơ bản thị trường vàng ở Việt Nam, chứ không phải là câu chuyện tăng thêm số ngân hàng bán vàng bình ổn ra hay đưa ra các tiêu chí đi kèm”.
Giải pháp căn cơ
Trong một tương quan khác, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, về nguyên tắc, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thị trường, hết sức hạn chế việc phân biệt, đối xử. Đây là giải pháp tốt nhất để có được sự đồng thuận của thị trường. Còn việc các ngân hàng được bán vàng bình ổn thị trường chỉ là câu chuyện đối phó vì thực tế cho thấy giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn chênh lệch nhau. Đó là chưa kể gần đây câu chuyện tỷ giá hối đoái tăng dần đều cũng tạo áp lực lên giá vàng.
Ông Ánh nhấn mạnh, giá vàng của Việt Nam luôn biến động theo giá vàng quốc tế và có đủ cơ sở để khẳng định câu chuyện này. Cách tổ chức thị trường hay câu chuyện xuất – nhập khẩu vàng tạo ra cung – cầu trên thị trường trong nước và xử lý mối quan hệ giữa giá vàng và tỷ giá hối đoái đều chưa tốt, dẫn tới giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới nhưng luôn chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức quá lớn.
“Đó chính là mục tiêu xử lý ở thị trường vàng Việt Nam. Không có cơ sở nào để bình ổn và cũng không cần thiết phải bình ổn giá vàng”, TS. Ánh nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần phân biệt hai quan điểm rõ ràng, bình ổn giá và bình ổn thị trường. Bình ổn thị trường là cần thiết, mang tính lâu dài và cần những cơ chế được vận hành ổn định. Còn bình ổn giá là biện pháp có tính tình thế do vấn đề đầu cơ, biến động trên thị trường thế giới… Nhưng việc bình ổn giá chưa chắc đưa đến sự ổn định của thị trường vàng trong tương lai và còn có thể đưa đến những chi phí nhất định.
“Không phải là không cần bình ổn giá trong lúc này, nhưng rõ ràng, việc bình ổn giá cần để cung – cầu tự vận hành hơn là dùng biện pháp hành chính định giá cho thị trường. Vấn đề bình ổn giá không bắt buộc phải đồng thuận với vấn đề bình ổn thị trường. Điều quan trọng hơn cả vẫn là bình ổn thị trường vàng trong tương lai”, ông Đức nói.
Các lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia đồng quan điểm, để ổn định thị trường vàng, Chính phủ cần nhanh chóng trả lời được ba câu hỏi quan trọng: Thứ nhất, vàng là phương tiện thanh toán hay sản phẩm hàng hóa? Thứ hai, giao chức năng quản lý thị trường vàng cho một cơ quan cụ thể có đầy đủ quyền lực, công cụ và trách nhiệm để bình ổn thị trường vàng? Thứ ba, liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới bằng cách nào?
Ngoài ra, cần đẩy mạnh vấn đề tuyên truyền, giáo dục nhân dân để mọi người nhận thức được rủi ro cũng như giá trị của thị trường vàng, bởi thị trường vàng “nổi sóng” thời gian qua một phần không nhỏ do tâm lý đám đông, bầy đàn.
Nhuệ Mẫn
———————————
Đầu tư Chứng khoán 26-10-2011:
http://cafef.vn/20111026053135127CA34/binh-on-thi-truong-hay-binh-on-gia-vang.chn