(VOVGT) – Công tác đào tạo nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ lái xe, phụ xe bus đang bị các xí nghiệp vận tải bỏ ngỏ…
Trước tình trạng giao thông Thủ đô còn khá nhiều bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ như hiện nay thì sự quan tâm của dư luận đối với những cải tổ mang tính bước ngoặt nhằm “tháo nút” cho ngành giao thông của Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng đang được dư luận hết sức quan tâm.
Trong nỗ lực giải bài toán ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, việc Bộ trưởng Đinh La Thăng động viên người dân tích cực tham gia và sử dụng phương tiện công cộng là xe bus đã được nhiều người hưởng ứng. Trong tương lai gần, xe bus sẽ trở thành phương tiện giao thông văn minh và đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Xe buýt phải là phương tiện giao thông văn minh
Xe buýt được xem là một loại phương tiện đi lại được khá nhiều người ưa chuộng. Mọi người chọn loại phương tiện đi lại này vì giá cả rẻ và mức độ an toàn lại cao hơn hẳn so với những loại phương tiện khác. Nhưng bên cạnh những ưu điểm này thì xe buýt vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm khó có thể chấp nhận được…
Không khó để có thể kể ra những bức xúc, khó chịu của người dân Thủ đô khi phải tham gia giao thông bằng xe bus như: vấn nạn “móc túi”, tình trạng xe bus bỏ bến, chậm giờ, không đón khách…vẫn diễn ra như cơm bữa.
Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến tính mạng con người bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe bus phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách cũng đã không còn là chuyện hiếm gặp. Câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Phúc đi xe bus tuyến 34 (BX Mỹ Đình – BX Gia Lâm) lên nhầm tuyến bị lái xe và phụ xe của Xí nghiệp xe điện Hà Nội đánh, bắt quỳ xin mở cửa, như một giọt nước làm tràn ly những bức xúc bấy lâu nay của người dân Thủ đô với loại hình vận tải này.
Ngay sau khi nhận được phản hồi từ sự việc trên, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cùng với các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh sự việc. Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Văn Mạnh – Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, cho biết: “Qua sự việc trên chúng ta thấy rằng quy trình đào tạo và bồi dưỡng đối với phụ xe và lái xe đang có vấn đề. Ngay sau khi có thông tin, chúng tôi đã phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội cùng với các cơ quan chức năng đề nghị Xí nghiệp xe điện có biện pháp xử lý kịp thời. Xí nghiệp xe điện đã chấm dứt hoạt động và sa thải đối với lái và phụ xe”.
Cách hành xử của lái và phụ xe tuyến 34 – xí nghiệp xe điện Hà Nội đã tạo nên những phản ứng không tốt của người dân đối với loại hình vận tải này. Thử hỏi với cung cách phục vụ hành khách như vậy thì sẽ có bao nhiêu người chấp nhận việc hạn chế phương tiện cá nhân để “vui lòng” sử dụng xe bus?
Nạn móc túi và tai nạn giao thông vẫn hoành hành trên các tuyến bus Thủ đô
Trước những hành động nêu trên của nhân viên Xí nghiệp xe điện Hà Nội, luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI, cho biết: “Nếu lái xe mới chỉ có hành vi bắt hành khách phải quỳ xin lỗi, nhưng sự việc đó chưa xảy ra thì cũng chưa thể truy tố theo tội làm nhục người khác được. Còn nếu như sự việc xảy ra rồi thì cũng phải xem xét, xem trong hoàn cảnh điều kiện như thế nào: thực sự có làm nhục đến hành khách ở mức độ cao hay không, có nhiều người chứng kiến hay không, liên quan đến các diễn biến các hoàn cảnh cụ thể khác thì mới có thể khẳng định là có tội hay không?”.
Luật sư Đức cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự việc trên cần phải được lên án một cách mạnh mẽ bởi xét về mặt tư cách đạo đức và các mối quan hệ xã hội tối thiểu thì hành vi của lái, phụ xe trong trường hợp này là khó có thể chấp nhận.
Rõ ràng, người dân đang bức xúc về thái độ phục vụ của xe bus lâu nay, giờ đây những bức xúc đó lại được thổi bùng lên vì sự việc trên. Bao lời kêu gọi, bao nhiêu nỗ lực cải thiện hình ảnh xe bus, liệu có sức nặng bằng một phút nông nổi của hai lái và phụ xe kia. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo về chất lượng đào tạo nâng cao đạo đức nghiệp vụ của các xí nghiệp xe bus ở Thủ đô.
Lê Huy – Hoàng Đồng
——————————-
VOVGT 26-10-2011: