Khẳng định vai trò kinh tế tư nhân
(ĐTTC) – Sau hơn 3 thập niên nhìn lại một số chính sách điển hình của nền kinh tế tư nhân (KTTN), cho thấy sự phát triển của đất nước từ thành quả của nền kinh tế thị trường là con đường hoàn toàn chính xác và không thể đảo ngược, gắn liền với việc thừa nhận và đề cao KTTN.
Từ hạn chế và phủ nhận
Thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn, mọi thứ đều thiếu hụt, do duy trì nền hành chính quan liêu bao cấp, với những chính sách phủ nhận KTTN. Năm 1957, chủ trương “tăng cường kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế kinh tế tư bản tư nhân” được nêu trong Mục 3, Phần E, Chỉ thị 252-BTN/VVG ngày 11-11-1957 của Bộ Thương nghiệp về việc “Phân công quyết định giá cả”.
Tiếp đến, năm 1977 là yêu cầu “Trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, các thành phần KTTN còn tồn tại trong một thời gian nhất định nhưng phải chịu sự chi phối của kinh tế xã hội chủ nghĩa, và phải hoạt động theo quỹ đạo của kế hoạch nhà nước” theo Chỉ thị 212-TTg ngày 15-5-1977 của Thủ tướng Chính phủ, về việc “Xây dựng kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980) và kế hoạch năm 1978″.
Thậm chí đến tận năm 1985, vẫn còn khẳng định “không duy trì thành phần KTTN, cá thể” trong việc bán lẻ các mặt hàng mỹ phẩm cho nhu cầu của nhân dân tại Điều 13, Bản Quy định về “Cải tạo sắp xếp lại sản xuất và quản lý kinh doanh ngành mỹ phẩm TPHCM”, ban hành kèm theo Quyết định 246/QĐ-UB ngày 7-12-1985 của UBND TPHCM.
Đến thừa nhận và đề cao
Trước đòi hỏi tất yếu của cuộc sống, chúng ta đã buộc phải chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, cùng với quá trình thừa nhận, khẳng định và đề cao vai trò của KTTN, thể hiện qua một số chính sách:
Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế quốc doanh chỉ có thể là một bộ phận, không thể chi phối hay thống lĩnh thị trường.
Thứ nhất, từ năm 1986, một trong những quy định đầu tiên là “Ngân hàng cho vay phát triển kinh tế gia đình, KTTN và kinh tế cá thể, đáp ứng các nhu cầu cần thiết cho sản xuất và gia công cho Nhà nước”. Tại Điều 9, “Quy định tạm thời về cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quản lý nhà nước của ngân hàng để bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở”, ban hành kèm theo Quyết định 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
Thứ hai, từ năm 1989 đã thay đổi cơ bản quan điểm với khẳng định “Khuyến khích phát triển KTTN, cá thể, gia đình ở thành thị và nông thôn để giải quyết việc làm và đời sống của nhân dân” tại Điểm 3, Mục II, Nghị quyết ngày 28-12-1989 của Quốc hội, về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 1990.
Thứ ba, từ năm 1990, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải có vốn pháp định từ 20 triệu đồng (như các cửa hàng dịch vụ) cho đến 240 triệu đồng (thủy điện); đồng thời phải được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990.
Thứ tư, từ năm 2000, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xóa bỏ theo quy định của các Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không.
Thứ năm, từ năm 2002, đặc biệt việc đã thừa nhận “KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTN là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Mục 1, Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN”.
Thứ sáu, từ năm 2005, đã ban hành một Luật Doanh nghiệp chung, gần như không còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với thành phần KTTN; cùng với một Luật Đầu tư chung, gần như không còn sự phân biệt giữa đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước.
Thứ bảy, gần đây nhất, năm 2017, đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, Mục 1 về “Quan điểm chỉ đạo”, Phần I của Nghị quyết đã khẳng định: “KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững…”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——————
Đầu tư tài chính (Chủ điểm sự kiện) 09-4-2019:
http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/khang-dinh-vai-tro-kttn-67160.html
(954/954)