2.508.   Hồi sức doanh nghiệp và hồi phục niềm tin

(DĐDN) – Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ Tài chính phải hoàn tới gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế đã thu liên quan đến giao dịch liên kết đang được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một “tiền lệ” tích cực.

Chỉ đạo này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Thủ tướng đến các doanh nghiệp.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức là sự kiện quan trọng, thường niên để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia.

Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có hoạt động liên kết. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành trong ngày 20/4.

Hồi tố có phạm Luật?

Luật Ban hành Văn bản pháp luật 2015 đã quy định tại khoản 1 Điều 152 là hiệu lực của văn bản pháp luật có hiệu lực trở về trước sẽ được áp dụng “trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương”.

Như vậy, bên cạnh lợi ích xã hội thì bất cứ văn bản pháp luật nào nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân thì hoàn toàn hợp pháp để ban hành. Quan điểm này cũng được xác nhận bởi cơ quan đầu mối chuyên môn trong lĩnh vực này là Bộ Tư pháp.

Tại Văn bản số 891/BTP-PLDSKT ngày 13/03/2020 đã khẳng định: “việc hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý”. Ngoài ra, đa số thành viên Chính phủ đã thể hiện quan điểm đồng ý cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 và cho phép chuyển chi phí lãi vay không được được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.

Số tiền thuế gần 5.000 tỷ đồng đã nộp có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế doanh nghiệp bị tính thừa”. Khoản hồi tố này có thể khấu trừ hàng năm, không ảnh hưởng tới ngân sách. 

Cũng cần phải khẳng định, năm 2014 Chính phủ và Bộ Tài chính đã từng ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP.

Theo đó, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp hồi tố áp dụng chuyển đổi ưu đãi do chấm dứt ưu đãi theo điều kiện xuất khẩu do cam kết WTO cho các năm trước đó (từ năm 2007 – đối với hoạt động dệt, may và từ năm 2012 – đối với hoạt động khác) và khoản thuế chênh lệnh do áp dụng quy đinh này được Bộ Tài chính hướng dẫn là khoản thuế nộp thừa và được hoàn lại hoặc bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm sau.

Hướng dẫn này của Bộ Tài chính tại thời điểm đó hoàn toàn phù hợp với Luật Quản lý thuế (các quy định này tại Luật Quản lý thuế mới không có gì thay đổi so với trước đó).

  1. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, đây là vấn đề lớn, đã và đang tác động đến hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh rất khó khăn của dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hiện nay.

“Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách này hoàn toàn kiểm soát được các rủi ro và tiêu cực và đặc biệt mang nhiều ý nghĩa về, củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay” –ông Lộc khẳng định.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “tình hình các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn. Thực tế, có doanh nghiệp đã lỗ nặng nhưng vẫn phải nộp thêm khoản thuế cả trăm tỉ đồng thì thật không tưởng tượng nổi. Bởi thế, việc sửa Nghị định 20 với nội dung cho hồi tố sẽ là tin vui giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và sức sống”.

Hóa giải tiêu cực

Trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thì người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm khi bị cơ quan nhà nước phát hiện.

Với chỉ hơn 1.000 doanh nghiệp bị tác động cần phải điều chỉnh thì đây không phải là số lượng quá lớn để cơ quan Thuế không thể giám sát được. Do đó, như TS Vũ Tiến Lộc khẳng định “không thể có chuyện xin – cho hay phức tạp trong thực thi, trong quản lý thuế như một số quan ngại”.

Bởi trong thời điểm này, mục tiêu lớn nhất của chính sách là tháo gỡ các khó khăn cho các tập đoàn tư nhân hàng đầu của Việt Nam. Cho nên tổng kinh phí có thể phải hoàn trả nếu áp dụng hồi tố sang năm 2017, 2018 như Bộ Tài chính dự đoán hơn 4.875 tỷ đồng không phải là một khoản quá lớn, chưa kể nếu áp dụng cho phép các doanh nghiệp được hạch toán và đưa vào chi phí của 5 năm kế tiếp thì mỗi năm chỉ một khoản rất nhỏ với tổng ngân sách quốc gia.

Quan trọng hơn chính sách này sẽ tăng cường niềm tin cho doanh nghiệp và sự công bằng của pháp luật rằng nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế, kê khai thuế sai sẽ bị truy thu, tính lãi nộp chậm, xử phạt nghiêm khắc và ngược lại, nếu chính sách nào đó Nhà nước ban hành chưa phù hợp, chưa đúng thì Chính phủ, Bộ Tài chính sẵn sàng sửa sai và khung khổ pháp lý hiện nay cho phép thực hiện điều này.

Thay lời kết

Trước đây khi soạn thảo và ban hành Nghị định 20, có thể cơ quan soạn thảo chưa đánh giá hết và đo đếm đủ các tác động tích cực và tiêu cực trong thực hiện, chưa tính toán cụ thể được dự kiến số thu tăng thêm hay thiệt hại mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước gánh chịu. Nên khi điều này đã được chứng minh rõ qua thực tiễn triển khai những năm qua thì linh hoạt và nhanh chóng điều chỉnh lại phù hợp là điều cần thực hiện.

“Chỉ với chính sách này, Chính phủ đã khẳng định tinh thần “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” đặc biệt là trong lĩnh vực rất nhạy cảm, tác động trực tiếp tới nguồn thu của ngân sách, lĩnh vực thuế”, Luật sư Phan Ngọc Tâm, CEO điều hành công ty Luật Tín và Tâm nhấn mạnh.

Đồng thời, theo đánh giá của nhiều chuyên gia việc giải quyết vụ việc này là một tiền lệ tốt trong lĩnh vực quản lý thuế, nếu những quy định hợp lý, có lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần có sự giải trình, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của mình. Cùng với đó, về thời hạn thực hiện, việc sửa đổi có hiệu lực ngay cũng thể hiện sự quyết liệt về điều hành của Chính phủ.

LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Mặc dù, Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, mục đích của nghị định là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, với doanh nghiệp nước ngoài, họ có rất nhiều “chiêu” để qua mặt cơ quan chức năng như chuyển giá ngay từ nguyên liệu đầu vào. Thành ra, người gánh nhầm hậu quả lại toàn là doanh nghiệp trong nước.

Sửa đổi nghị định 20 rất nhanh và quyết liệt cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến và đồng hành cùng doanh nghiệp.

TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính:

Bộ Tài chính không nên tư duy đẩy cái khó, cái khổ về phía doanh nghiệp. Rõ ràng công tác quản lý thuộc về các cơ quan nhà nước còn việc bồi hoàn cho doanh nghiệp là việc cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Số thuế từng doanh nghiệp đã nộp mỗi năm không thể sửa lại vì đã lưu vào sổ sách kế toán, nộp cho Nhà nước. Việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các doanh nghiệp chứ không phải là ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào. Điều này rất khách quan nên chúng ta không sợ phát sinh xin – cho.

Đại Dương

—————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Tâm điểm) 26-4-2020:

https://enternews.vn/hoi-suc-doanh-nghiep-va-hoi-phuc-niem-tin-171546.html

(123/1.649)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,842