(KTĐT) – Năm 2013 đã đi qua được gần 2 tháng nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định.
Thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản chưa thật sôi động bởi những vướng mắc trong chính sách điều hành khiến nhiều doanh nghiệp (DN) dù đã nhận được tín hiệu hỗ trợ từ Chính phủ vẫn kêu khó vì đói… vốn. Nhân dịp này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Luật sư (LS) Trương Thanh Đức, một trong những nhà nghiên cứu, phản biện sắc sảo về lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay xung quanh thực trạng, nguyên nhân và các biện pháp giải cứu thị trường.
“Tứ họa” ngân hàng
Trong năm qua, dù đã có chủ trương và chỉ đạo của các cơ quan chức năng, nhưng hoạt động tài chính của Việt Nam vẫn thiếu sự minh bạch khi các Ngân hàng thương mại (NHTM) thường ngấm ngầm đẩy lãi suất lên cao?
– Theo tôi, hiện hệ thống ngân hàng (NH) nước ta đang phải đối mặt với “tứ họa” là: Cưỡng bức tăng vốn, ép trần lãi suất, bắt buộc sáp nhập và độc quyền vàng miếng. Mong muốn hạ lãi suất là chính đáng và cấp bách của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, chính việc ép trần lãi suất, vốn là giải pháp tình thế đã gây ra hiện tượng như bạn nói là các NHTM ngấm ngầm đẩy lãi suất lên cao và làm “méo mó” thị trường. Nếu gỡ bỏ trần lãi suất huy động thì chắc chắn sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay và không gây ra các hiện tượng tiêu cực của nhân viên ngân hàng cũng như những người đại diện của DN, tổ chức gửi tiền.
Ảnh: Thanh Hải
Ngoài việc ngấm ngầm tăng lãi suất, hầu như các NHTM mới chỉ tập trung cho vay ngắn hạn khiến các DN gặp khó khăn khi chưa thể thu hồi vốn từ các dự án trung hạn đã phải lo đáo hạn cho NH. Có phải các NHTM chỉ muốn đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh doanh của mình mà quên mất nghĩa vụ hỗ trợ DN?
– Thực ra, bản thân các NHTM cũng là một DN, nên vấn đề bảo toàn vốn là nhiệm vụ hàng đầu trước khi muốn thực hiện nghĩa vụ xã hội của mình. Hơn nữa trong năm qua, hầu như các NH chỉ thực hiện việc đảo nợ là chính chứ tăng trưởng tín dụng thực gần như không có. Lượng tăng trưởng tín dụng giảm đi, tất yếu dẫn đến nợ xấu tăng lên. Để giải quyết được nợ xấu thì phải giải tỏa được hàng tồn kho, kích cầu, gia tăng tiêu thụ và kéo theo đó mới là gia tăng sản xuất. Khi giải quyết được nợ xấu, tự khắc các ngân hàng sẽ rót vốn trung hạn, dài hạn cho các DN để đầu tư kinh doanh.
Vấn đề liên quan đến lãi suất thì đã rõ ràng nhưng tại sao tái cơ cấu NH, vốn là một trong những chủ trương lớn để ổn định và hệ thống tài chính lại trở thành một trong “tứ họa” NH nước ta?
– Về chủ trương tái cơ cấu để “dọn sạch” nợ xấu của hệ thống NH là hoàn toàn đúng đắn nhưng cần có một cách làm hợp lý và hiệu quả. Trước đây, vì chạy đua mở rộng hệ thống mà nhiều NH địa phương đã được thổi phồng và đẩy lên thành NH toàn quốc. Chính vì “đuối” về vốn, về chất lượng nhân lực… mà các NH này đã không thể cạnh tranh được, dần đánh mất thị phần và kết cục không thể tránh khỏi bị thâu tóm. Hiện chúng ta đang đánh đồng việc sáp nhập NH với tái cơ cấu. Thay vì “khai tử” NH yếu kém để thay máu, chúng ta lại đang gộp 3 NH yếu kém với nhau và nhân đôi mức yếu kém lên gấp 6 lần. Điều này chẳng khác nào gom các củ khoai tây này vào một bịch và để cho chúng nó tự lăn đi.
Vậy còn vấn đề độc quyền vàng, liệu có phải NHNN đã quên đi vai trò điều tiết của một NH T.Ư không thưa ông?
– Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng bằng cách thâu tóm hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng nhằm huy động nguồn vàng nhàn rỗi trong dân không có gì xấu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề mà NHNN phải giải quyết để đảm bảo được quyền lợi của người dân khi họ không thể giao dịch khi cần kíp. NH thường chốt giá và nghỉ giao dịch vào lúc 11 giờ 30 và thời điểm chốt giá chiều là 16 giờ 30, cuối tuần NH cũng không giao dịch nên thị trường có biến động giá người dân không xoay xở kịp. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều NH mới chỉ đăng ký điểm giao dịch chứ chưa triển khai và hầu hết các điểm này mới tập trung vào thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chứ chưa mở rộng ra các tỉnh như đã đăng ký với NHNN nên người dân vẫn cảm thấy quyền giao dịch vàng của mình bị cản trở.
Giao dịch tại một chi nhánh của Maritimebank. Ảnh: Việt Duy
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), hiện mỗi tỉnh đã có ít nhất 2 điểm kinh doanh vàng miếng được cấp phép. Nếu nhu cầu giao dịch vàng miếng lớn sẽ mở rộng thêm điểm kinh doanh để người dân không phải đi xa. NHNN đang yêu cầu chi nhánh NHNN địa phương tập hợp và báo cáo về tình hình trên thị trường. NHNN sẽ tiếp tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các đơn vị đủ điều kiện và có hồ sơ đăng ký hợp lệ. |
Giải cứu BĐS – mấu chốt không phải ở lãi suất
Hình thức NH liên kết với chủ đầu tư BĐS không phải là vấn đề mới mẻ, thậm chí đã được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng dường như vẫn chưa thể phá băng cho thị trường?
– Sau 2 năm thị trường BĐS bị đóng băng, việc giá nhà đất gần về với giá trị thực đã giúp nhiều người có nhu cầu thực sự quyết tâm mua hơn. Vì thế, mối quan hệ NH – chủ đầu tư BĐS được thắt chặt hơn trong thời gian gần đây là hoàn toàn dễ hiểu. Thực tế cho thấy, khi cả NH lẫn chủ đầu tư chấp nhận giảm lãi suất cho người mua nhà, hàng đã được đẩy ra khá nhiều, DN đỡ khó khăn hơn. Bản thân việc kết hợp này cũng giúp các NH thu hồi vốn nhanh hơn nhờ giải phóng được những tài sản đảm bảo bằng BĐS đang “tồn kho” tại NH.
Liệu NH có nên đẩy mạnh hoạt động kinh doanh này khi cả hai bên cùng có lợi?
– Theo tôi, dù các NH có muốn đẩy tăng trưởng tín dụng để hoàn thành chỉ tiêu đến mấy cũng nên cẩn trọng khi chọn dự án để liên kết với chủ đầu tư BĐS… Để dễ thu hồi vốn, trước mắt, các NH chỉ nên đẩy vốn vào những dự án nhà quy mô nhỏ, có giá thành hợp lý, hấp dẫn người có nhu cầu mua thực sự. Nên tránh đầu tư vào những dự án lớn, cao cấp đang xây dựng dở dang, vì có thể vài tháng nữa rất hút khách, nhưng cũng có thể vài năm nữa nó vẫn không có biến chuyển gì…
Khi mà NH cũng đắn đo trong việc liên kết với chủ đầu tư thì điểm mấu chốt để giải cứu thị trường BĐS nằm ở đâu, thưa ông?
– Mọi người vẫn thường nhầm lẫn chuyện NH – các DN kinh doanh tiền lại không chịu ứng vốn để cứu DN, thị trường. Những diễn biến của thị trường BĐS đến thời điểm này cho thấy, mấu chốt của việc giải cứu thị trường không nằm trong tay của các NH. Hiện, lãi suất chỉ bằng 2/3 so với thời điểm trước, nhưng NH vẫn không thể giải ngân tín dụng do DN đã cạn nguồn tài sản đảm bảo hay tài sản đảm bảo không còn giữ được giá trị như trước, bản thân người mua nhà cũng không có nhu cầu vay nhiều. Vì thế, để giải cứu thị trường BĐS, không có phương cách nào khác ngoài việc tăng được cầu. Muốn thế, phải tăng thu nhập, giảm thuế cho người lao động để họ có đủ nguồn lực mua nhà; giảm nghĩa vụ tài chính cho DN để hoạt động mua bán trên thị trường sôi động hơn. Một giải pháp nữa là nên chia nhỏ diện tích căn hộ cho phù hợp với điều kiện thực tế của người dân nước ta. Nếu không, với diện tích nhà lớn và giá thành cao như hiện nay, đối với nhiều người, việc mua được nhà vẫn là điều không tưởng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
LS Trương Thanh Đức là thành viên Hội Luật gia Việt Nam, có trên 25 năm kinh nghiệm luật sư tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực tài chính NH. Ông được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu, phản biện sâu sắc nhất về các vấn đề pháp lý nghiệp vụ trong lĩnh vực NH. Hiện ông là thành viên Hội đồng điều hành, Giám đốc ban pháp chế và giám sát tài chính NH Maritime Bank. |
An Khê thực hiện
——————
Kinh tế Đô thị 23-02-2013:
http://www.ktdt.com.vn/news/detail/356089/dung-danh-dong-viec-sap-nhap-ngan-hang-voi-tai-co-cau.aspx
(1.687/1.687)