252. Rà soát pháp luật kinh doanh: Doanh nghiệp lạc vào “rừng” Luật

(DĐDN) – Ngày 2/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Hoàn thiện báo cáo tổng hợp rà soát pháp luật kinh doanh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với dự án USAID (hỗ trợ thi hành luật về hội nhập kinh tế) tổ chức.

Ông Trần Hữu Huỳnh – Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, việc nghiên cứu rà soát 16 luật đã được VCCI tiến hành trong hai năm. Đây là những văn bản pháp luật có quy định liên quan nhiều nhất và có nhiều vướng mắc đến thời điểm hiện nay, gồm Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Hàng hải, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hải quan, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế, Luật Kế toán, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và khoảng 200 văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Quá trình nghiên cứu rà soát này được thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia pháp lý về kinh doanh của dự án Hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế (USAID, Hoa Kỳ) và đóng góp ý kiến trực tiếp của nhiều chuyên gia pháp lý, đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tại 16 cuộc hội thảo do VCCI tổ chức. Trên cơ sở tổng hợp kết quả nghiên cứu rà soát các quy định cụ thể, các chuyên gia đã chỉ ra được những ưu điểm của các luật này là đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực: đất đai, vốn, nhân lực…

Tuy nhiên, kết quả rà soát các quy định hiện hành của 16 luật và các văn bản hướng dẫn đã phát hiện một số bất cập, vướng mắc điển hình liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, về tiếp cận đất đai, các quy định hiện hành vẫn hạn chế doanh nghiệp về các hình thức trả tiền thuê đất một lần trong toàn bộ quá trình thuê. Các hạn chế này không những làm hạn chế quyền bình đẳng khi tiếp cận đất đai, mà còn chưa bảo đảm tối đa quyền của các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất. Về tiếp cận vốn, theo các quy định hiện hành, các nhà đầu tư mới được phép tiếp cận vốn vay của tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa được phép vay tiền của tổ chức tín dụng nước ngoài. Về tiếp cận thị trường, các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư còn trùng lặp, phiền hà cho nhà đầu tư, chưa minh bạch về mục tiêu của các thủ tục này và chưa rõ về giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đầu tư. Về thủ tục, điều kiện kinh doanh, một số quy định hiện hành về thủ tục, điều kiện kinh doanh đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như: quyền lợi của thương nhân nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nước ngoài; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh và giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ trùng lặp với Giấy chứng nhận đầu tư.

Kết quả cũng cho thấy, một số quy định của pháp luật chưa khuyến khích bảo hộ đầu tư như: thiếu cơ chế đảm bảo thực thi, các thủ tục hành chính còn yếu kém, rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lạc vào “rừng” luật

Bình luận về báo cáo tổng hợp tại hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong các quy định hiện hành vẫn còn quy định phân biệt đối xử, chưa bảo đảm công bằng giữa các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ông Võ đưa ra ví dụ, tổ chức, cá nhân nước ngoài chưa được giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc quy định hiện hành vẫn còn quy định phân biệt tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài với tổ chức kinh tế liên doanh (cũng có vốn nước ngoài) và tổ chức 100% vốn trong nước.

Ông Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng có nhiều qui định pháp luật xa rời thực tế, không hợp lí dẫn đến không thể áp dụng được gây lãng phí, tốn kém cho DN và cả nhà quản lí. Bên cạnh đó lại có nhiều vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, do đó cần phải sửa đổi để pháp luật kinh doanh được vận hành một cách hiệu quả. Ông Vũ Quốc Tuấn kiến nghị, cần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Lê Hồng Hạnh – đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, cần đổi mới quy trình và tư duy xây dựng pháp luật. Ông Hạnh cho biết, tiêu chí đánh giá của bản báo cáo tổng hợp chưa thống nhất bởi hiện các luật đang “đá nhau tơi bời khói lửa”. Ông ví von, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay không phải là rừng thông hay rừng bạch dương mà là rừng nhiệt đới. “Rừng thông hay bạch dương thì còn đi được, chứ rừng nhiệt đới cây cối chằng chịt, dây dựa rườm rà thì bắt buộc doanh nghiệp phải lách mới đi được”. – ông Hạnh nói.

Minh chứng cho sự rườm rà của hệ thống pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI, chỉ từ năm 1999 đến nay, số ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh được qui định trong các luật và nghị định đã tăng hơn 5 lần.

Hồ Hường

———————————

Diễn đàn Doanh nghiệp 03-11-2011:

http://dddn.com.vn/20111103012842950cat177/ra-soat-phap-luat-kinh-doanh-doanh-nghiep-lac-vao-rung-luat.htm

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,520