253. Bình luận pháp lý về việc NHNN mua 3 Ngân hàng giá 0 đồng.

(ANVI) – Hội thảo Viện Nghiên cứu Lập pháp                                                           Hà Nội 26-10-2015    

Từ ngày 05-3 đến 07-7-2015, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp mua 3 ngân hàng thương mại với giá 0 đồng. Một loạt vấn đề pháp lý đặt ra: Tại sao lại mua và mua với giá 0 đồng, mà không phải là duy trì, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hay phá sản ngân hàng?

  1. Thực trạng và hệ quả pháp lý:
  • Thực trạng ngân hàng:

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì cả 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (G.P Bank), đều là những ngân hàng rất yếu kém, nợ xấu rất cao, nguy cơ mất vốn rất lớn, giá trị ngân hàng là âm hàng nghìn tỷ đồng và giá trị mỗi cổ phần là bằng 0 đồng, dựa trên cơ sở kết quả thanh tra và kiểm toán.

Về mặt pháp lý, 3 ngân hàng thương mại trên đều rơi vào ít nhất 1 trong các trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 3, Điều 146 về “Áp dụng kiểm soát đặc biệt”, Luật Các tổ chức tín dụng. Đó là: Có nguy cơ mất khả năng chi trả; nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán; khi số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán; hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục…

  • Hệ quả pháp lý:

Sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại 3 Ngân hàng thương mại cổ phần trên với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu, dựa trên cơ sở pháp lý là: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010; Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014; Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” (sau khi đã được Bộ Chính trị và Chính phủ chấp thuận); Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 01-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định mật, nên không rõ tên gọi và nội dung); Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01-08-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Cả 3 ngân hàng vẫn được giữ lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng hàng nghìn cổ đông, sở hữu số cổ phiếu mệnh giá hơn chục nghìn tỷ đồng của 3 ngân hàng, lập tức chấm dứt tư cách cổ đông, không còn được hưởng bất kỳ quyền lợi nào, đồng thời cũng không còn chịu bất kỳ nghĩa vụ nào với tư cách cổ đông ngân hàng.

Người vay tiền của 3 ngân hàng vẫn phải có nghĩa vụ trả đầy đủ nợ vay

Nhưng người gửi tiền tại 3 ngân hàng vẫn được bảo đảm chi trả toàn bộ số tiền gửi, gồm cả gốc và lãi.

  1. Những loại trừ pháp lý:
  • Không duy trì ngân hàng:

Ngân hàng Nhà nước có thể lựa chọn giải pháp chấn chỉnh, tái cơ cấu và duy trì ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại và hoạt động, thì các ngân hàng này “phải  duy trì giá trị thực của vốn điều lệ” với mức “tối thiểu bằng mức vốn pháp định” 3.000 tỷ đồng theo quy định tại khoản 2 và 3, Điều 19 về “Vốn pháp định”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Giải pháp này là bất khả thi, vì cả 3 ngân hàng trên không đáp ứng được yêu cầu về mức vốn điều lệ thực có tối thiểu trong một thời gian dài. Các cổ đông của cả 3 ngân hàng thương mại cũng đã không lựa chọn giải pháp tăng vốn, hay nói đúng hơn, đã không đạt được tỷ lệ biểu quyết tối thiểu 65% để tăng vốn điều lệ.

  • Không hợp nhất ngân hàng:

Ngân hàng Nhà nước có thể chọn phương án hợp nhất các ngân hàng trên với các ngân hàng khác để hình thành một ngân hàng mới theo quy định tại Điều 153 về “Tổ chức lại tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Điều này đòi hỏi phải có ngân hàng vững mạnh khác tham gia hợp nhất.

Giải pháp này là bất khả thi, vì đã không có ngân hàng nào tự nguyện đứng ra hợp nhất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã không lựa chọn phương án chỉ định bắt buộc một ngân hàng đảm nhiệm việc hợp nhất, vì thiếu cơ sở pháp lý.

  • Không sáp nhập ngân hàng:

Ngân hàng Nhà nước có thể chọn phương án sáp nhập các ngân hàng trên vào các ngân hàng khác theo quy định tại Điều 153 về “Tổ chức lại tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Nhưng điều này cũng đòi hỏi ngân hàng nhận sáp nhập phải là một ngân hàng vững mạnh.

Giải pháp này là bất khả thi, vì không có ngân hàng nào tự nguyện đứng ra nhận sáp nhập. Và cũng như trường hợp trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã không lựa chọn phương án chỉ định bắt buộc một ngân hàng đảm nhiệm việc nhận sáp nhập, vì thiếu cơ sở pháp lý.

  • Không giải thể ngân hàng:

Ngân hàng Nhà nước có thể chọn phương án giải thể 3 ngân hàng trên và chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của chúng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Giải pháp này là bất khả thi, vì chỉ giải thể được nếu như 3 ngân hàng trên “có khả năng thanh toán hết nợ” theo quy định tại khoản 1, Điều 154 về “Giải thể tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

  • Không phá sản ngân hàng:

Theo quy định tại Điều 98 về “Quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản”, Luật Phá sản năm 2014, thì Ngân hàng Nhà nước có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 3 ngân hàng thương mại nói trên. Số tiền phải chi trả cho người gửi tiền có thể lấy từ nguồn tiền của chính các ngân hàng đó, từ nguồn thu nợ cho vay (kể cả việc bán nợ), từ việc thanh lý tài sản, từ nguồn do Bảo hiểm tiền gửi chi trả và từ nguồn hỗ trợ khác, kể cả của ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng là bất khả thi, vì tại thời điểm mở thủ tục phá sản, không đủ khả năng chi trả cho người gửi tiền ngay lập tức, vì sự thiếu hụt và phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi được. Như vậy, thì sẽ dẫn đến tình trạng người gửi rút tiền ồ ạt, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính quốc gia. Muốn tránh nguy cơ này thì đòi hỏi Nhà nước phải cam kết và có đủ tiền để bảo đảm chi trả đầy đủ tiền gửi cho người dân.

Chính vì vậy, Quyết định số 254/QĐ-TTg và số 255/QĐ-TTg nói trên chỉ đề cập đến các biện pháp “sáp nhập, hợp nhất, mua lại”, mà không có biện pháp “giải thể, phá sản” ngân hàng thương mại trong giai đoạn hiện nay.

  • Không phải là việc quốc hữu hoá tài sản:

Trong trường hợp này, không được phép quốc hữu hoá ngân hàng, vì Hiến pháp năm 1992 trước đây cũng như Điều 51 Hiến pháp năm 2013 hiện hành đã quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”.

  • Không phải là việc trưng thu tài sản:

Trường hợp này cũng không được phép trưng thu tài sản, vì việc trưng thu cũng chỉ được quy định trong Hiến pháp năm 1980, mà không có trong 2 bản Hiến pháp gần đây.

  • Không phải là việc trưng mua tài sản:

Theo quy định tại Điều 32 của Hiến pháp năm 2013, thì “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Tuy nhiên, việc trên này cũng không phải là hình thức trưng mua tài sản, vì không thuộc trường hợp nào trong số 4 trường hợp được phép trưng mua tài sản theo quy định tại Điều 5 về “Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản”; đồng thời cổ phần, cổ phiếu hay doanh nghiệp cũng không thuộc đối tượng trưng mua theo quy định tại Điều 13 về “Tài sản thuộc đối tượng trưng mua” và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng không có thẩm quyền trưng mua tài sản theo quy định tại Điều 14 về “Thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản”, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.[1]

  • Không phải là mua bán ngân hàng:

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hiện hành cũng như các Luật Doanh nghiệp năm 1999 và 2005 trước đây, thì khái niệm mua bán doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với một loại hình duy nhất là doanh nghiệp tư nhân.[2] Luật Doanh nghiệp không có quy định về việc mua bán các công ty, mà chỉ có quy định về việc tổ chức lại doanh nghiệp, bao gồm 4 loại hình là chia, tách, hợp nhất và sáp nhập công ty.[3] Tuy nhiên việc mua bán doanh nghiệp lại được đề cập đến trong 4 đạo luật như sau:

  • Khoản 3, Điều 16 về “Tập trung kinh tế”, Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định một trong các hành vi tập trung kinh tế là “ Mua lại doanh nghiệp”;
  • Khoản 9, Điều 4 về “Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, quy định một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước là chấp thuận “việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.”;
  • Điểm d, khoản 2, Điều 37 về “Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thông tin”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, quy định một trong các trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là công bố thông tin “d) Thông báo liên quan đến việc thành lập, mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản hoặc giải thể tổ chức tín dụng;”
  • Khoản 2, Điều 107 về “Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, quy định một trong các hoạt động của ngân hàng thương mại là “ Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư.”;
  • Khoản 2, Điều 149 về “Thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, quy định một trong các quyền của Ngân hàng Nhà nước là “mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.”;
  • Khoản 1, Điều 37 về “Chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp”, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, quy định một trong các hình thức chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp là “bán toàn bộ doanh nghiệp”. Về bản chất pháp lý, trường hợp này cần được hiểu là việc bản toàn bộ phần vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là nó được quy định trong nhóm biện pháp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, cùng với hình thức “Bán một phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.[4]

Với những quy định kể trên đã cho thấy hệ thống pháp luật đang rất không thống nhất. Tuy có tới 4 đạo luật đã đề cập đến việc mua bán doanh nghiệp là pháp nhân, nhưng Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như các Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 thì lại đều không đề cập đến việc mua pháp nhân nói chung hay việc mua doanh nghiệp là công ty nói riêng.

Vì vậy, nếu hiểu theo cách đơn giản, thông thường, là có việc mua bán doanh nghiệp, ngân hàng. Tuy nhiên, nếu hiểu một cách phức tạp, sâu xa, thì việc mua, bán doanh nghiệp trong các đạo luật nói trên là việc mua bán doanh nghiệp tư nhân hoặc mua bán một phần hay toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH hoặc một phần hay toàn bộ số cổ phần của công ty cổ phần. Do đó, các trường hợp đang xét trên là việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các cổ đông ngân hàng, chứ không phải là việc mua bán ngân hàng. Vì nếu mua bán ngân hàng, thì lập tức sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn bế tắc không thể giải quyết đối với quyền sở hữu cổ phần của cổ đông. Hay nói cách khác, nếu như mua bán doanh nghiệp, thì không thể truất quyền sở hữu cổ phần của cổ đông.

  • Không phải là mua bán tài sản của ngân hàng:

Ngân hàng Nhà nước có thể mua tài sản (như trụ sở, tài sản cố định, hàng hoá,…), của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nếu mua lại toàn bộ tài sản của ngân hàng, thì cũng phải được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thương mại biểu quyết đồng ý theo quy định tại điểm p, khoản 2, Điều 59 về “Đại hội đồng cổ đông”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Và cũng giống như đối với trường hợp mua bán ngân hàng nói trên, nếu mua bán tài sản của ngân hàng, thì quyền của cổ đông vẫn còn nguyên, cho dù giá trị của cổ phần là trên hay bằng 0 đồng.

  1. Mua bán cổ phần, cổ phiếu:
  • Không thể không lựa chọn quyết định:

Trước việc cấp bách an nguy buộc phải giải quyết số phận pháp lý của các ngân hàng thương mại trên, nhưng lại không thực hiện được theo các giải pháp duy trì, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hay phá sản ngân hàng, cũng không thể thực hiện giải pháp quốc hữu hoá, trưng thu hay trưng mua ngân hàng, thì tất yếu là buộc phải lựa chọn giải pháp khả dĩ nhất là mua lại ngân hàng như đã diễn ra. Vấn đề chỉ còn là các điều kiện, thủ tục pháp lý mua bán và câu chữ thế nào mà thôi.

  • Chuyển nhượng cổ phần:

Theo đúng bản chất pháp lý của Luật Các tổ chức tín dụng năm cũng như Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014, thì không có giao dịch mua bán, mà chỉ có giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông (giống như Điều 54 Hiến pháp và Luật Đất đai năm 2013 không gọi là mua bán, mà là chuyển quyền sử dụng đất). Trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường, việc mua bán cổ phần cũng thường được sử dụng tương tự như việc mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, sẽ là không chính xác nếu như gọi các giao dịch đang được đề cập là mua ngân hàng hay mua cổ phần của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước có thể mua số cổ phần của ngân hàng thương mại, nhưng chỉ có thể mua lại cổ phần khi ngân hàng thương mại phát hành lần đầu khi mới thành lập hoặc khi tăng vốn điều lệ (ngoài trường hợp đặc biệt là mua bán cổ phiếu quỹ). Ngân hàng Nhà nước không thể mua số cổ phần thẳng từ 3 Ngân hàng thương mại khi cổ phần đã được bán cho cổ đông. Vì số cổ phần đã phát hành và bán cho cổ đông là thuộc quyền sở hữu của cổ đông, chỉ cổ đông mới có quyền định đoạt.

  • Mua bán cổ phiếu:

Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán năm 2010, thì Ngân hàng Nhà nước có thể mua bán cổ phiếu của cổ đông ngân hàng thương mại. Một vấn đề pháp lý đặt ra, dù là giao dịch mua bán cổ phiếu hoặc chuyển nhượng cổ phần thì cũng phải có đủ hai bên là bên mua hoặc bên nhận chuyển nhượng và bên bán hoặc bên chuyển nhượng. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ thấy xuất hiện một bên mua hoặc chuyển nhượng là Ngân hàng Nhà nước, mà không có bên bán hoặc chuyển nhượng là các cổ đông của ngân hàng thương mại.

Vậy, việc mua bán hoặc chuyển nhượng bắt buộc trong trường hợp này, liệu có được áp dụng tương tự như đối với việc trưng mua tài sản, mà không nhất thiết phải có sự đồng ý của bên bán hoặc bên chuyển nhượng hay phải được hiểu như thế nào? Phải chăng, đây là một điểm mờ của pháp luật nên buộc Ngân hàng Nhà nước phải quyết định hành động như đã diễn ra trên thực tế?

  • Mua 100% cổ phiếu với giá 0 đồng:

Giá trị tài sản của 3 ngân hàng được xác định theo cách đánh giá, tính toán trên sổ sách, giấy tờ dựa theo các quy định về hạch toán và phân loại nợ. Do giá trị tài sản của 3 ngân hàng thương mại được xác định là giá trị âm, nên mỗi cổ phần, cổ phiếu chỉ được định giá là 0 đồng. Nếu mang bán đấu giá số cổ phần đó, thì có thể bán được hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cũng rất có thể không có người mua, hay cũng chỉ mua với giá quanh mức 0 đồng. Tuy nhiên, vì không có quy định pháp luật về việc bán đấu giá trong trường hợp này, nên tình huống “phát mại” cổ phiếu đã không xảy ra. Và sự an nguy của hệ thống ngân hàng cũng không thể chờ đợi để có thể thực hiện được việc này.

Ngân hàng Nhà nước không cần phải mua lại 100%, mà chỉ cần mua lại 65% tổng số cổ phiếu, là đã có toàn quyền để tự quyết định mọi vấn đề của các ngân hàng thương mại. Vì theo quy định tại khoản 3, Điều 59 về “Đại hội đồng cổ đông”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thì chi cần đạt tỷ lệ biểu quyết từ 65% trở lên, là có thể quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ và quyết định mọi vấn đề của ngân hàng thương mại cổ phần.

Tuy nhiên, vì giá mỗi cổ phiếu là 0 đồng, nên việc mua lại bao nhiêu phần trăm cũng không khác nhau nhiều. Việc mua lại 100% sẽ đơn giản, dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều cho Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ ngân hàng thương mại cổ phần sang ngân hàng thương mại TNHH một thành viên. Đây cũng là một trường hợp đặc biệt, vì pháp luật hiện hành chỉ có quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần hoặc loại hình khác, chứ không có quy định việc chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH 100% vốn nhà nước.

  1. Kết luận và kiến nghị:
  • Kết luận:

Các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đều dựa trên căn cứ pháp luật, nhằm giải quyết tình thế, là cần thiết, có ý nghĩa sống còn tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng; bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời có tác dụng hữu hiệu trong việc chặn đứng tình trạng bất tuân thủ các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an toàn đối với hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, sự việc diễn ra trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và cụ thể, rõ ràng để xử lý các trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu giải quyết kịp thời hơn, khi 3 ngân hàng trên chưa lâm vào tình trạng âm vốn quá lớn, thì hậu quả đã không quá nặng nề, đã không để xảy ra tình trạng giá trị cổ phần, cổ phiếu bằng 0 đồng, vốn của các cổ đông chân chính không bị mất trắng.

  • Kiến nghị:

Quá trình xử lý 3 ngân hàng nói trên là một việc làm vô cùng đặc biệt, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung, của các cổ đông ngân hàng nói riêng, vì vậy rất cần thiết phải công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng, chính xác về cơ sở pháp lý, cũng như thực trạng của các ngân hàng bị mua với giá 0 đồng. Trong trường hợp này, Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 01-3-2012 của Thủ tướng Chính là văn bản mật, không được công khai nội dung, nhưng cũng cần thiết phải công khai sớm tên gọi, số và ngày tháng của văn bản.

Để bảo đảm chắc chắn và rõ ràng về cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với các trường hợp tương tự nêu trên, cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, biện pháp và thủ tục xử lý. Hoặc cần phải sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trong các trường hợp cần thiết.

Trước mắt, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg, ngoài việc cho phép Ngân hàng Nhà nước trực tiếp góp vốn và mua cổ phần của các tổ chức tín dụng (mua của chính công ty), còn cần phải cho phép việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH và mua bán cổ phiếu, nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông công ty cổ phần, thì mới bảo đảm khớp đúng hoàn toàn quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán.

Cuối cùng, nếu cho rằng 3 ngân hàng thuộc dạng yếu kém nhất trong hệ thống nên phải bị mua với giá 0 đồng, thì việc cứu sống để chúng tiếp tục tồn tại và phát triển vẫn có phần không hợp lý. Nếu như đằng nào Nhà nước cũng chấp nhận phải bỏ ra một cách trực tiếp và gián tiếp rất nhiều tiền bạc và công sức để cứu vãn 3 ngân hàng trên, thì hoàn toàn có thể tính đến bài toán bảo đảm quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc phá sản một cách từ từ, có kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi cho công chúng và an toàn cho hệ thống tài chính, ngân hàng.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

[1]   Điều 5. Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản

Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;
  2. Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe doạ theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;
  3. Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;
  4. Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm hoạ do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.”

[2]   Điều 145 về “Bán doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 & Điều 187 tương ứng, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[3]   Điều 150 về “Chia doanh nghiệp”, Điều 151 về “Tách doanh nghiệp”, Điều 152 về “Hợp nhất doanh nghiệp”, Điều 153 về “Sáp nhập doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các điều 192-195 tương ứng, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[4]   Trước đó, việc bán doanh nghiệp nhà nước cũng đã được quy định tại Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10-10-2008 của Chính phủ về Bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,734